Gỡ khó cho cánh đồng mẫu lớn
Đã đăng vào 10/12/2012 lúc 10:57Mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) được triển khai tại ĐBSCL đến nay gần 2 năm với diện tích, số lượng nông dân, doanh nghiệp tham gia ngày càng lớn. Bước đầu, kết quả rất khả quan: Giảm được giá thành sản xuất, năng suất cao; thu lợi nhuận tối đa; doanh nghiệp có sản lượng lúa gạo lớn, chất lượng cao, bán được giá. Thế nhưng khi triển khai đại trà thì lại nảy sinh bất cập, làm giảm hiệu quả của mô hình được xem là ưu việt nhất của nền nông nghiệp sản xuất lúa gạo hiện nay.
Nhận diện bất cập
Ở góc độ mô hình thí điểm, bài toán cải thiện thu nhập cho người trồng lúa, nâng tầm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo Việt Nam lên vị thế mới đã có lời giải thỏa đáng. Các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học xác định việc tập trung đầu tư, mở rộng mô hình mới này tại vựa lúa ĐBSCL là rất cần thiết. Thế nhưng, từ vụ đông xuân 2011 – 2012 đến nay, tình hình xuất khẩu gạo gặp khó khăn, cạnh tranh gay gắt, giá cả liên tục bấp bênh; không còn thuận lợi như năm 2011. Mô hình cánh CĐML đang được nhân rộng tại ĐBSCL với diện tích hàng chục ngàn hécta đã bộc lộ nhiều bất cập, nhược điểm, đặc biệt là khó khăn về đầu ra sản phẩm.
Mô hình cánh đồng mẫu lớn còn nhiều bất cập trong mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp. |
Mối quan hệ giữa 2 chủ thể chính là nông dân – doanh nghiệp rạn nứt. Khi giá lúa sụt giảm, doanh nghiệp tìm mọi lý do để “bỏ rơi” nông dân. Vì thế, tình trạng nông dân bán lúa trong CĐML cho thương lái bên ngoài trở nên phổ biến và cảnh bị ép giá đi kèm với điệp khúc trúng mùa mất giá… quay trở lại! Tuy nhiên, cũng không loại trừ khi giá lúa lên cao, nông dân sẵn sàng bỏ hợp đồng để bán cho doanh nghiệp khác hoặc thương lái bên ngoài. Mặt khác, các doanh nghiệp dù cố gắng vẫn không xử lý hết lượng lúa lớn của nông dân cùng một thời điểm vì hệ thống lò sấy, kho chứa hạn chế. Cả nước có 153 doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhưng cho tới nay, số đơn vị tham gia xây dựng CĐML, đặc biệt là hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân, chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Long An, cho biết: “Tình trạng phá vỡ hợp đồng thường xuyên xảy ra do nông dân không tuân thủ quy trình sản xuất, lúa hàng hóa không đáp ứng phẩm chất theo đơn đặt hàng. Ngược lại, doanh nghiệp không đảm bảo tiến độ thu mua, giá thu mua chưa mang tính khuyến khích đối với nông dân”.
PGS-TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), nhìn nhận: “Thời gian qua, do năng lực thu mua còn hạn chế, không thống nhất tiêu chí, giá cả thu mua… là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá vỡ hợp đồng, doanh nghiệp không khỏi ngán ngại tham gia CĐML”.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ, Phó trưởng Khoa Phát triển nông thôn (Trường Đại học Cần Thơ), cho rằng: “Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân chưa bình đẳng. Doanh nghiệp tồn tại nhờ nông dân nhưng nông dân luôn ở thế bị động, chỉ biết sản xuất và phó thác sản phẩm của mình cho doanh nghiệp”.
Chiến lược cạnh tranh quốc gia
Các chuyên gia cho rằng ĐBSCL hoàn toàn có thể hạ thấp giá thành sản xuất, cải thiện năng suất, chất lượng, tiến tới xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị lúa gạo trong khi lợi nhuận thu được vẫn đảm bảo. Phương thức sản xuất theo mô hình CĐML, với sự liên kết chặt chẽ, minh bạch và hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp là tiền đề để thực hiện mục tiêu này một cách bền vững. Đặc biệt, sự minh bạch và hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp và nông dân sẽ hạn chế rủi ro khi hàng hóa nông sản dư thừa, hạn chế “bẻ kèo” từ hai phía.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ bày tỏ: “Đây là giải pháp giúp tăng cường trách nhiệm, duy trì mối liên kết bền vững giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị; con đường đưa người nông dân thoát nghèo, vươn lên cải thiện đời sống”.
Theo các nhà khoa học nông nghiệp, ngoài nhu cầu bao tiêu lúa, nông dân cần vốn để tái đầu tư sản xuất, mua máy móc và cần được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tăng cường tiếp cận thông tin thị trường… Doanh nghiệp rất cần tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để mở rộng và tăng hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, phải có nguồn nguyên liệu thu mua ổn định về số lượng, chất lượng… Và hơn hết, hai bên đều cần có sự ràng buộc bằng niềm tin hơn là thiết chế, pháp lý. Bởi việc xử lý những sai phạm trong giao dịch thương mại giữa nông dân và doanh nghiệp thường không mang lại kết quả cao.
Các chuyên gia nhận định: Trong tương lai, sự cạnh tranh vùng nguyên liệu, chất lượng sản phẩm, giá thành sẽ càng gay gắt hơn. Và sự cạnh tranh này là giữa Việt Nam với các nước có hàng hóa nông sản tương tự chứ không đơn thuần giữa các doanh nghiệp trong nước. Vì vậy, nông dân có vai trò rất lớn trong việc cạnh tranh quốc gia về giá thành, chất lượng và giá trị hàng hóa nông sản. Nông dân đóng góp vai trò tích cực cho hiệu quả xuất khẩu nông sản và trực tiếp đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải hỗ trợ lại nông dân trong việc thỏa mãn các tiêu chí sản phẩm và đồng hành cùng nông dân thực hiện. Mặt khác, chúng ta sản xuất ra lúa gạo, nhưng cái chúng ta cần bán là thương hiệu gạo; không chỉ là việc bán được giá cao mà còn ghi dấu vào thị trường với những sản lượng và giá trị ổn định. Thương hiệu mạnh là phải có vùng nguyên liệu lớn, chất lượng cao cộng với đăng ký tên gọi. Đối với hình thức sản xuất nhỏ lẻ như hiện nay thì dù có Global Gap cũng chẳng có ý nghĩa gì. Và giải pháp quan trọng, khẳng định giá trị bền vững là sự liên kết chặt chẽ của 4 nhà, với mục tiêu quan trọng là xây dựng hoàn chỉnh CĐML.
(SGGPO)