CÔNG TỬ BẠC LIÊU – SỰ THẬT VÀ GIAI THOẠI (kỳ 8)
Đã đăng vào 08/11/2011 lúc 15:02Năm 1917, Hội đồng Trạch cất ngôi biệt thự theo mô-típ Pháp tại bờ sông Bạc Liêu (nay là Trung tâm Thể dục Thể thao thị xã Bạc Liêu đang ở và UBND tỉnh đã có quyết định giao cho ngành Du lịch để trùng tu, tái tạo, phục vụ cho khai thác du lịch). Người bình dân lúc bấy giờ và dòng họ Trần Trinh gọi ngôi biệt thự này là nhà lớn. Tương truyền nó to, đẹp nhất Bạc Liêu lúc bấy giờ. Tại Bạc Liêu, ông Trạch còn 2 ngôi biệt thự to nữa, đó là nhà số 42, đường Bà Triệu, phường 3 ngày nay và ngôi biệt thự hiện là trụ sở Thư viện tỉnh. Ở Rạch Giá, Cần Thơ, Đà Lạt, Vũng Tàu đều có biệt thự của ông. Đặc biệt là ở Sài Gòn, ngoài ngôi biệt thự ở đường Nguyễn Du (sau này Trần Trinh Huy ở), ông còn nhiều căn phố lầu. Ngoài ra, sở điền nào lớn thì đều có nhà ông Trạch. Những ngôi biệt thự của ông Trạch bên ngoài thì theo mô-típ Pháp nhưng bên trong lại pha trộn giữa Đông – Tây. Nó vừa theo thời trang bấy giờ là trang hoàng bàn ghế danh mộc, kiểu Lu-i 15, Lu-i 16 của Pháp hoặc chạm mô-típ Á Đông như mẫu đơn, mai, trúc; chân bàn chạm kỳ lân ngậm châu. Trên bàn giữa trưng đồng hò reo, bình bông. Trên tường treo đồng hồ đờn… Và nó lại vừa pha vào đó là nội thất theo mô-típ cung đình Huế của các bậc bá hộ, phú hào lúc bấy giờ, gồm có: khánh thờ được chạm trổ tinh xảo long, lân, quy, phụng; các họa tiết mai, cúc, tùng, trúc, cua, cá…; các bình phong, câu đối sơn son, thiếp vàng; trên bàn thờ chưng hạc đội đèn, bộ lư mắt tre… Đồ vật tại ngôi nhà lớn của Hội đồng Trạch là cực kỳ quý giá, trong đó có bộ trường kỷ mà ngày xưa Ngô Đình Cẩn, em ruột Ngô Đình Diệm cho người vào trả giá 2 triệu đồng mà họ Trần không bán. Những đồ vật dùng hàng ngày cũng là đồ quý như chén dĩa thì đầu bịt bạc mua từ Pháp về… Ông Phan Kim Khánh, con trai của nhân sĩ yêu nước Phan Kim Cân và là cháu ngoại của Trần Trinh Trạch, thuở nhỏ cũng là một tay ăn chơi, mà dân Bạc Liêu gọi là Công tử Khánh, đã kể về cách ăn chơi của mình và trong câu chuyện ấy, ta thấy những cổ vật vô giá của dòng họ Trần Trinh:
Vào thập niên 60, tôi học ở Sài Gòn, vì ăn chơi quá trớn nên mặc dù nhà giàu, tiền cung cấp cho tôi cũng không đủ. Một bữa đang cháy túi, có một người đến nói nhỏ rằng có một ông chủ lớn cần gặp tôi. Sau này, tôi mới biết ông ta là trùm buôn đồ cổ ở Chợ Lớn. Tôi đến thì được dẫn vào một ngôi nhà to, cổ kính rồi đi qua 3 lớp cửa, có người đứng gác. Ông trùm nằm trên bộ trường kỷ, lim dim cạnh bộ bàn đèn hút á phiện. Sau lưng ông ta hai nàng “xẩm” tuyệt đẹp đang quạt hầu. Ông trùm mặc áo “xá xẩu”. Thấy khách đến ông cũng không ngồi dậy, chỉ ra hiệu kêu ngồi xuống ghế đối diện, rồi ra hiệu cho một trong hai nàng “xẩm” đến quạt cho khách. Ông trùm nằm im mãi một lúc sau mới lên tiếng:
– Hết tiền ăn chơi rồi phải không? “Ngộ” gọi “nị” đến để đưa tiền xài, không phải cho mà là một cuộc làm ăn sòng phẳng.
Tôi ngạc nhiên, thằng cha Ba Tàu này sao nó biết tỏng mình nhỉ? Sau đó, ông trùm nói tiếp:
– Trên bàn thờ ông ngoại “nị” ở nhà lớn, dưới Bạc Liêu có trưng 5 cặp lục bình, cặp đầu tiên cao 7 tấc, tạc con rồng ôm quanh thân bình, dưới đít có dấu ấn đỏ. “nị” về mang nó đến đây, “ngộ” sẽ trả 250.000 đồng…
Tôi càng hoảng hồn hơn, thằng cha này sao nó biết tỏng những đồ vật ở phủ thờ ông ngoại mình? Tôi đồng ý. Ông trùm sai người nhà mang 20.000 đồng cho tôi làm lộ phí đi đường. 20.000 đồng bằng tiền mua một chiếc xe gắn máy thời đó. Sáng hôm sau, tôi hộc tốc về Bạc Liêu ăn cắp đồ của ông ngoại. Ông lẩm bẩm như kẻ điên: “Ý nguyện đời ta đã thực hiện được rồi!”. Sau đó ông ký séc cho tôi 250.000 đồng và bảo:
– Nghe nói “nị” khoái ăn chơi, đêm nay “ngộ” sẽ tặng “nị” một đêm “nhất dạ đế vương”.
Tôi là tay ăn chơi nổ trời vậy mà chưa lần nào được ăn chơi độc đáo như lần này: “Mình mặc áo long bào xung quanh có gần 20 “cung tần, mỹ nữ” thuộc loại đẹp như hoa hậu, muốn chọn cô nào tùy thích.
“Quan thái giám” bảo:
– Hoàng thượng muốn dùng cao lương mỹ vị gì xin ban lệnh để hạ thần dọn.
Một người bạn nối khố, cùng quê theo tôi đêm đó nói nhỏ:
– Mày thử kêu món gì không có trên đời coi bọn họ làm sao?
Tôi liền kêu cho ăn gan rồng. Sau đó, họ dọn lên một cái khay to, trên khay là một con rồng giống in như… tranh, được làm bằng vật liệu củ hủ dừa. Giữa con rồng, họ giẽ lòi ra cái gan to gần bằng cái chén. Tôi hỏi gan gì? “Quan thái giám” bảo đó là gan công. Công ngang tước phẩm với long, nên gan nó có thể thay thế gan rồng. Tôi vỗ tay bái phục: “Những tay người Hoa này quả là thâm thúy!”.
Gần 4 tháng sau, cũng vào dịp mà tôi cháy túi, ông trùm lại mời đến và bảo:
– Hết tiền rồi phải không? Lần này “nị” về mang cho “ngộ” một cặp lục bình nằm tận cùng bên trong. Thân bình in phong cảnh núi sông. Trong mỏm đá có hai ông tiên câu cá. Và dưới đít cũng có in một chữ triện đỏ. “Ngộ” sẽ trả “nị” 250.000 đồng và tặng thêm một chiếc Bil 3 đèn mới toanh.
Tôi về chỗ bàn thờ ông ngoại và giật mình thấy đúng y như lời ông trùm nói. Mang hàng lên, tôi thắc mắc với ông trùm:
– Giá một chiếc xe Mẹc-xi-đéc mới toanh có 500 ngàn, một cặp lục bình chẳng ra hồn sao ông lại dám mua bằng một chiếc xe hơi?
Ông trùm bảo:
– “Nị” còn trẻ, lại không am tường đồ cổ nên không biết. Thật ra, những cặp lục bình này là vô giá, để “ngộ” nói cho “nị” rõ. Ở bên Tàu, nó là những cặp lục bình được sản xuất theo đơn đặt hàng, mỗi cái có bản lý lịch hẳn hoi và có đóng dấu. Nó chỉ dùng để tiến vua khi vua đăng quang và chỉ có vua mới dùng được, coi như là vật gia bảo của hoàng tộc. Trên bình, chân rồng giương ra năm móng (nếu đồ của dân dùng chỉ có 4 móng thôi). Trong triều đại phong kiến Trung Hoa, dân mà có lục bình năm móng thì bị chặt đầu ngay. Có lẽ ông ngoại “nị” (Trần Trinh Trạch) muốn khẳng định cái uy vũ của mình ngang bằng với vua chúa.
Ghê thật, Trần Trinh Trạch giàu đến cỡ chơi trội ngang với vua chúa ư?
Trước khi theo ông theo bà, Trần Trinh Trạch lo hậu sự cho mình rất kỹ. Năm 1919, ông đã mời thợ nổi tiếng tận bên Thụy Sĩ sang Việt Nam để tạc tượng cho vợ chồng ông. Không biết họa sĩ ở bao lâu mà tạc được 4 bức tượng: một đôi của Trần Trinh Trạch, một đôi của bà Phan Thị Muồi – vợ ông ta. Đôi màu trắng bằng vật liệu đá hoa cương, đôi màu đen bằng chất liệu kim loại tổng hợp. Tượng tạc theo kiểu bán thân, kích cỡ như người thật. Tượng bà Muồi mặc áo dài, còn ông Trạch thì áo dài khăn đóng, ngực đeo Ngũ đẳng Bội tinh. Hiện 4 bức tượng do cháu ngoại của ông cất giữ tại thị xã Bạc Liêu.
Một vài người ở Bàu Sàng, hiện đã hơn 80 tuổi, từng làm tá điền cho Trần Trinh Trạch kể rằng họ đã từng bị chủ điền bắt đi đắp nền mộ cho Trần Trinh Trạch. Thời đó, dân ở các sở điền phải đi đắp nền mộ cho ông lớn Trạch giống như đi làm nghĩa vụ công ích ngày nay. Nền mộ hồi đó đắp rất lâu vì nó cao đến 1m và diện tích đến 1.000 mét vuông. Ý đồ của ông Trạch là sẽ xây như lăng tẩm các vua chúa ngoài Huế. Thế nhưng, khi ông qua đời thì đại chiến thế giới thứ II sắp bùng nổ, tình hình trong nước bất lợi cho giai cấp địa chủ, ông Hội thì đã già, đã suy yếu về mặt uy vũ lẫn tài chánh, thế nên việc xây lăng không thành. Song, hiện trạng bây giờ nó cũng là một trong những ngôi mộ lớn, tốn tiền của nhất Bạc Liêu.
(Baobaclieu)