Việt Nam nằm trong top 20 quốc gia có người sử dụng Internet nhiều nhất trên thế giới

Đã đăng vào 03/12/2012 lúc 9:33

Ngày 1/12 tại Hà Nội, Hiệp hội Internet Việt Nam với sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Lễ kỷ niệm 15 năm Internet Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gửi lẵng hoa chúc mừng.

 Tham dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Vũ Ngọc Hoàng – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Bắc Son – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; cùng đại diện các Hội, Hiệp hội của TP.Hà Nội.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cho biết, ngày 19/11/1997 là ngày đầu tiên Việt Nam hòa vào mạng Internet toàn cầu, mở đầu cho giai đoạn phát trển mạnh mẽ của Internet tại Việt Nam. Tính đến hết Quý II/2012, đã có hơn 31 triệu người Việt Nam sử dụng Internet, chiếm khoảng 35,49% dân số. Đặc biệt, Việt Nam nằm trong top 20 quốc gia có lượng người sử dụng Internet nhiều nhất trên thế giới, đứng thứ 8 trong khu vực châu Á và đứng vị trí thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á.

Từ năm 1997-2003, Việt Nam mới chỉ có khoảng 1,8 triệu người dùng Internet. Tuy nhiên, kể từ khi VNPT đi đầu trong việc triển khai Internet băng rộng ADSL, Internet đã thực sự bùng nổ. Cùng với đó, sự tăng trưởng vũ bão của thiết bị truy nhập, dịch vụ cũng như yêu cầu của người dùng, băng thông kết nối trong nước đã được nâng cấp vượt bậc. Hiện, Việt Nam là quốc gia có cơ sở hạ tầng được đánh giá thuộc loại tốt nhất khu vực.

 

 

Lễ kỷ niệm 15 năm Internet Việt Nam. (Ảnh:ĐCSVNO)

Theo thống kê của Trung tâm số liệu Internet quốc tế, nếu so với lượng người dùng Internet ở Việt Nam vào trước năm 2000 chỉ ở mức 200.000 người, sau 12 năm đã tăng gấp khoảng hơn 15 lần..

Báo cáo toàn cảnh 15 năm của Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) cũng cho thấy, sự ra đời của dịch vụ Internet qua 3G (tháng 10/2009-VinaPhone là đơn vị đầu tiên triển khai dịch vụ) đã đánh dấu thời kỳ phát triển của Internet băng rộng vô tuyến. Đến tháng 7/2012, đã có hơn 16 triệu người sử dụng, chiếm 18% dân số.

Hiện, Internet băng rộng đã cung cấp dịch vụ khắp cả nước với tỷ lệ xã có Internet tại thành thị đạt 99,85% và nông thôn là 84,46%; số hộ gia đình kết nối Internet đạt 8,2% trên tổng số 12,6% hộ gia đình có máy tính.

Con số của VIA đưa ra cũng cho thấy, người sử dụng Internet Việt Nam dành khá nhiều thời gian để lên mạng với trung bình là 142 phút/ngày trong tuần. Việc truy cập Internet chủ yếu qua máy tính để bàn (84%), máy tính xách tay (38%) và thiết bị di động (27%)…

Trong đó, việc truy cập Internet để đọc tin tức chiếm 94%, tìm kiếm 92%, nghe nhạc 78%, nghiên cứu học tập/công việc chiếm 72%… Về đối tượng sử dụng, lực lượng học sinh, sinh viên chiếm đông đảo với 33%, tiếp sau là điều hành các cấp/nhân viên cấp dưới chiếm 15%…

Tuy đạt được nhiều thành tựu, song Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cho rằng còn rất nhiều thách thức đang chờ đợi với những nguy cơ bùng nổ mặt trái như quản lý nội dung thông tin, vấn đề an toàn thông tin trên Internet…. Do đó, bên cạnh việc thúc đẩy phát triển nội dung trên Internet, thời gian tới cần phải có cơ chế để đảm bảo an toàn an ninh cũng như môi trường pháp lý để doanh nghiệp Việt cạnh tranh lành mạnh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, sau 15 năm,Internet đã tác động khá toàn diện đến mọi mặt của đời sống xã hội và tạo động lực mạnh mẽ thức đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam. Ngay cả các hoạt động của bộ máy công quyền cũng ngày càng sử dụng Internet như một công cụ hữu hiệu để tăng cường hiệu quả quản lý. Những cuộc đối thoại qua mạng, tiếp nhận giải quyết đơn thư khiếu nại trực tuyền của nhân dân đang đựơc nhiều địa phương triển khai. Có thể nói, ngày nay, Internet đã trở thành phương tiện không thể thiếu cho hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung.

Chia sẻ tại buổi lễ, Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông cho rằng, Internet ra đời đã bổ sung thêm cho nhân loại một môi trường sống mới, môi trường online. Theo ông, Internet chính là công trình vĩ đại nhất của con người.

Tiến sĩ Mai Liêm Trực khẳng định, cuộc sống trên Internet không phải là ảo, mà một môi trường sống khác. Chẳng hạn như Chính phủ điện tử không hề ảo, nó giúp người dân tiếp cận với thông tin ban hành từ Chính phủ dễ dàng hơn.

Để hạn chế những mặt trái, mặt tiêu cực của sự phát triển Internet ở Việt Nam, Tiến sĩ Mai Liêm Trực cho rằng chúng ta cần hạn chế những mặt trái của Internet bằng cả ba giải pháp: về công nghệ thì đó là giải pháp kỹ thuật như tường lửa hay các phần mềm quản lý và bảo vệ; về biện pháp hành chính là những quy định về pháp luật về những điều không được làm, về chống tội phạm mạng, về quy chế sử dụng…; và quan trọng nhất là biện pháp tuyên truyền hướng dẫn, giáo dục, nâng cao nhận thức, nâng cao dân trí để người sử dụng có thể tự bảo vệ mình trước những mặt tiêu cực của Internet…/.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Cao Xuân Thu Ngọc 
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo