Trường Đại học Bạc Liêu: Sớm trở thành Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng bán đảo Cà Mau
Đã đăng vào 24/11/2011 lúc 14:43Ngày 23/11/2011, Đại học Bạc Liêu (ĐHBL) kỷ niệm 5 thành lập. Kỷ niệm nửa thập kỷ xây dựng và phát triển của một ngôi trường tự hào với trọng trách “hiện thực hóa” ước mơ học đại học cho biết bao học trò nghèo vùng ĐBSCL. Với quãng đường đã qua không ít gian nan, Hội đồng Sư phạm nhà trường luôn phấn đấu để đào tạo hàng ngàn cử nhân, kỹ sư vừa chuyên, vừa hồng cho xã hội. Tiến sĩ Đào Hoàng Nam, Hiệu trưởng trường, cho biết:
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thăm trường Đại học Bạc Liêu. Ảnh: C.H |
Trong 5 năm – khoảng thời gian không dài, nhưng ĐHBL đã làm được rất nhiều việc. Từ xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, phát triển cơ sở vật chất, đến mở rộng quy mô đào tạo, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học… Và điều chúng tôi tâm đắc nhất là đã đào tạo được một lực lượng lao động có trình độ đại học, cao đẳng đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho tỉnh, cho vùng. Ngôi trường này ra đời không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội mà còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó là giải quyết được vấn đề sinh viên không phải đi học xa, vừa đỡ tốn kém, vừa có sự quản lý chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình; chắp cánh cho học sinh vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số được học tập nâng cao trình độ ngay trên quê hương mình.
PV: Với tuổi đời còn khá trẻ, trước tình hình các trường đại học trong khu vực cũng như cả nước đang ngày càng “nở rộ”, xin ông cho biết ĐHBL đã và sẽ có những chiến lược gì để tạo lợi thế cạnh tranh?
Tiến sĩ Đào Hoàng Nam: Để cạnh tranh với các trường đại học trong khu vực cũng như cả nước, yếu tố quan trọng đầu tiên là phải có đội ngũ giảng viên đủ mạnh. Bởi vậy, ngay từ khi mới thành lập trường, chúng tôi đã có đề án xây dựng đội ngũ. Từ đó đến nay đã đưa đi đào tạo trong và ngoài nước 125 thạc sĩ, 13 tiến sĩ. Sau 5 năm đội ngũ cán bộ, giảng viên của nhà trường đã có 270 người, trong đó có 4 tiến sĩ, 93 thạc sĩ, 59 người đang học cao học và 13 nghiên cứu sinh.
Song song với việc xây dựng đội ngũ, để tạo lợi thế cạnh tranh, chúng tôi xây dựng chương trình đào tạo và ngành nghề phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực để phát huy tiềm năng vùng Bán đảo Cà Mau cũng như khu vực ĐBSCL. Chính hướng đi đúng đắn này đã giúp trường thu hút được người học. Mỗi năm thí sinh chọn vào học tại trường ĐHBL ngày càng tăng. Năm học 2011 – 2012, số lượng sinh viên theo học 13 ngành đại học và 9 ngành cao đẳng của trường đã lên đến 5.700 em.
Công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong giảng viên, sinh viên cũng được trường quan tâm thường xuyên. Ngoài ra, nhà trường còn tranh thủ các nguồn lực từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ dạy, học và nghiên cứu khoa học…
PV: Đầu vào ổn định, còn đầu ra thì như thế nào, nhất là vấn đề chất lượng?
Tiến sĩ Đào Hoàng Nam: Với đội ngũ giảng viên lâu năm giàu kinh nghiệm của trường Cao đẳng Sư phạm cũ, Trung tâm GDTX tỉnh, cùng với lực lượng giảng viên trẻ được đào tạo chính quy bài bản về chuyên môn, thông thạo tin học, ngoại ngữ, giàu nhiệt huyết, say mê đổi mới chính là tiền đề quan trọng cho chất lượng đào tạo. Điều này được minh chứng qua tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường hàng năm luôn đạt trên 96%, trong đó trên 40% sinh viên đạt loại khá, giỏi. Theo khảo sát của chúng tôi, có khoảng 90% sinh viên của trường tốt nghiệp có việc làm, phát huy được chuyên môn, nghề nghiệp đào tạo và hầu hết được đánh giá cao.
PV: Với những bước tiến khá vững chắc như thế, ĐHBL có “tham vọng” là sẽ trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chủ lực của vùng bán đảo Cà Mau và vùng ĐBSCL trong tương lai hay không, thưa ông? Nếu có, vậy thời gian tới, nhà trường sẽ làm gì để thực hiện “tham vọng” này?
Tiến sĩ Đào Hoàng Nam: ĐHBL đang hướng đến sẽ trở thành trung tâm đào tạo nhân lực mạnh và nghiên cứu, chuyển giao khoa học – công nghệ của vùng bán đảo Cà Mau nói riêng, khu vực ĐBSCL nói chung. Để làm được việc này, đã qua và trong thời gian tới, trường sẽ tích cực đổi mới công tác quản lý để nâng cao chất lượng đào tạo. Đây được xem là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển đội ngũ giảng viên đạt trình độ chuyên môn cao; hiện đại hóa cơ sở vật chất; chú trọng đào tạo theo nhu cầu xã hội; tiếp tục công bố cam kết chất lượng đào tạo để tạo thương hiệu và niềm tin trong xã hội…
PV: Xin cám ơn ông!
(Baobaclieu)