Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ cấp bách

Đã đăng vào 08/03/2012 lúc 8:41

 

Ngày 7-3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã tổ chức hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 3 (khóa X) về PCTN, lãng phí; tổng kết 5 năm thực hiện Luật PCTN và sơ kết giai đoạn thứ nhất Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị.

Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng

 

 
 
Trong 5 năm (2007 – 2011) cả nước có 652 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 97 trường hợp, xử lý kỷ luật 555 trường hợp. 5 năm qua đã có 451 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng cho cơ quan, đơn vị, tổ chức với tổng giá trị gần 1,8 tỷ đồng. Việc công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng đã được đẩy mạnh, nhất là ở các lĩnh vực trọng điểm.

 

Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại hội nghị đã chỉ rõ những yếu kém của công tác PCTN trong 5 năm qua.

Cụ thể, một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa kiên quyết đấu tranh PCTN, lãng phí. Tính chiến đấu, dân chủ, công khai trong phê và tự phê theo phương châm “trên trước, dưới sau, trong trước, ngoài sau” còn rất hạn chế. Kết quả tự phê, kiểm điểm gần như chưa công khai như yêu cầu của nghị quyết.

PCTN là nhiệm vụ trọng tâm nhưng lại ít được đề cập trong các hội nghị kiểm điểm, tổng kết công tác của các tổ chức Đảng. Chất vấn trong Đảng gần như chưa được thực hiện, mặc dù Bộ Chính trị đã ban hành thành quy chế. Nhiều cán bộ, đảng viên có biểu hiện bất minh về thu nhập và mức sống nhưng chưa có quy định để xem xét, xác minh, làm rõ. Việc triển khai một số chủ trương, giải pháp phòng ngừa tham nhũng chưa nghiêm túc, hiệu quả thấp.

Bên cạnh đó, công khai, dân chủ trong công tác cán bộ còn hạn chế. Tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ vẫn còn nghiêm trọng; nạn “chạy chức, chạy quyền” vẫn gây bức xúc. Chủ trương cán bộ lãnh đạo, quản lý “chủ động từ chức vì lý do trách nhiệm” chưa đi vào cuộc sống. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa nghiêm, nhiều nơi né tránh. Việc thi tuyển công khai một số chức danh cán bộ quản lý theo yêu cầu của Nghị quyết TƯ 3 vẫn chỉ là cá biệt. Nhiều nơi chưa có quy định cụ thể về quy tắc ứng xử trong việc cưới, tang, mừng nhà mới, tổ chức sinh nhật, nhận học hàm, bằng cấp… Việc kê khai tài sản chưa có tác dụng do chưa được công khai rộng rãi, Nhà nước chưa kiểm soát được tài sản trong xã hội, nhất là bất động sản và các tài sản có giá trị khác… Công tác phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng vẫn còn yếu kém. Số vụ án tham nhũng được điều tra, xét xử trong 5 năm qua có xu hướng giảm, nhiều nơi, 5 năm qua không phát hiện được vụ nào.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Ban chỉ đạo nhấn mạnh: công tác PCTN nhiệm kỳ qua chưa đạt yêu cầu và chưa đạt mục tiêu là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Một số lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng vẫn cao và diễn biến phức tạp như đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài nguyên khoáng sản, ngân hàng…

Trong thời gian tới, tham nhũng tiếp tục là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ, đấu tranh PCTN vẫn là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân khẳng định, để PCTN thành công, cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy. “Xử lý nghiêm những người có hành vi tham nhũng. Kiên quyết không đề bạt các cán bộ có hành vi sai phạm, biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống. Kiên quyết không bổ nhiệm cán bộ có dư luận không tốt. Kiên quyết thu hồi tài sản sau thanh tra”, Chủ tịch Lê Hoàng Quân kiến nghị.

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, sau 5 năm, công tác PCTN đã đạt một số kết quả, chuyển biến tích cực, tham nhũng trên một số lĩnh vực đã được kiềm chế, có ý nghĩa quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác PCTN. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém: PCTN chưa đạt yêu cầu đề ra; tham nhũng lãng phí chưa được ngăn chặn đầy lùi; tham nhũng vẫn còn gây bức xúc lớn trong xã hội; đang là thách thức lớn đối với quản lý nhà nước. “PCTN là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhất trong xây dựng Đảng và bộ máy Nhà nước. Đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị chứ không riêng các cơ quan chức năng. Cần phải quyết tâm để tạo kết quả tốt hơn, có chuyển biến tốt hơn trong PCTN” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Về giải pháp PCTN, Thủ tướng cho rằng đi đôi với các giải pháp chống tham nhũng, cần quan tâm các giải pháp phòng ngừa. Trong đó, đầu tiên là phải nâng cao hơn nữa quyết tâm, trách nhiệm cao của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, đặc biệt là vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCTN. Cần nâng cao vai trò, sức chiến đấu của tổ chức Đảng; nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức.

Thứ hai, phải hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách trong quản lý nhà nước, tránh xin – cho, tạo sơ hở cho tiêu cực, nhất là ở các lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản, thu chi ngân sách, đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước.

Thứ ba, phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về công tác cán bộ, trong đó phải thực hiện công khai minh bạch trong khâu tuyển dụng cán bộ; công khai, dân chủ trong việc đánh giá, bố trí, sử dụng, đề bạt cán bộ, kể cả trong việc khen thưởng, kỷ luật cán bộ để khắc phục, ngăn ngừa các tiêu cực trong việc chạy chức chạy quyền. Đảng và Nhà nước phải hoàn thiện chính sách rõ ràng và minh bạch về tiền lương, đất đai, nhà ở cho cán bộ, khắc phục bằng được những cơ chế có thể tạo ra đặc quyền đặc lợi.

Thứ tư, phải xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh, hiệu quả của các cơ quan chức năng trong PCTN, các cơ quan bảo vệ pháp luật để đấu tranh, xử lý kịp thời đúng người đúng tội trong PCTN. Việc xét xử vụ án tham nhũng phải kịp thời, nghiêm minh.

Thứ năm, phải dân chủ, công khai minh bạch đối với các lĩnh vực dễ tạo ra tham nhũng; phát huy vai trò giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp, mặt trận và các tổ chức thành viên, của nhân dân đối với bộ máy công quyền.

Thứ sáu, kiện toàn Ban chỉ đạo về PCTN.

 

 
 
  • Đồng chí Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư:

Nghị quyết TƯ 3 thể hiện quyết tâm mạnh mẽ PCTN và lãng phí của Đảng và Nhà nước, củng cố niềm tin của nhân dân vào cuộc đấu tranh này. Đề nghị các đồng chí phải thẳng thắn, nghiêm túc suy ngẫm và chỉ ra những yếu kém của từng đơn vị, cơ quan mình, từ đó có giải pháp quyết liệt thực hiện đấu tranh PCTN và lãng phí. Đây là nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện lâu dài, kiên trì, cần tập trung chỉ đạo thực hiện.

Nghị quyết TƯ 4 khóa XI đã nêu rõ những vấn đề cấp bách chỉnh đốn xây dựng Đảng. Muốn thực hiện Nghị quyết TƯ 4 không thể không đẩy mạnh đấu tranh PCTN. Các tổ chức Đảng, cấp ủy, người đứng đầu, đảng viên cần tiên phong đi đầu trong đấu tranh PCTN, không nể nang, né tránh. Trong quá trình thực hiện phải gắn kết chặt chẽ với thực hiện Nghị quyết TƯ 4 với phương châm nói đi đôi với làm, người đứng đầu phải gương mẫu để cấp dưới noi theo.

Sau 5 năm thực hiện, công tác PCTN vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Tình hình tham nhũng vẫn nghiêm trọng, phức tạp, vì vậy trong những năm tới, đây vẫn là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Tuy nhiên với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chúng ta tin tưởng rằng tham nhũng sẽ được kiềm chế, ngăn chặn, đáp ứng nhu cầu phát triển và niềm tin của nhân dân.

 
 

 

   (SGGP online)   

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Tổng biên tập: Đoàn Út Bảy
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: thblwebsite@gmail.com
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo