Thị trường lúa gạo cuối vụ hè thu 2012: “Nóng” nhưng không sôi động
Đã đăng vào 11/09/2012 lúc 9:50Đến thời điểm này, vụ lúa hè thu năm 2012 của tỉnh xem như cơ bản kết thúc (thu hoạch được 54.000/55.876ha), năng suất bình quân đạt 4,6 – 5,5 tấn/ha, tương đương vụ hè thu năm trước, nhưng giá thành sản xuất năm nay lại cao hơn 100 đồng/kg. Tuy nhiên, điều mà nông dân quan tâm hơn hết chính là thị trường lúa gạo hiện nay chưa đủ khả năng giúp họ có cuộc sống khá hơn.
Giá lúa tăng giảm theo mưa
Chính sách hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay cho các doanh nghiệp thu mua 500.000 tấn gạo (tương đương 1 triệu tấn lúa) tạm trữ còn đúng 1 tháng nữa là hết hạn 3 tháng. Nhưng giá lúa gạo trên thị trường vẫn đang cải thiện theo tốc độ chậm. Hiện nay, giá lúa nông dân bán ra đang dần nhích lên so với thời điểm chính vụ, nhưng số lượng thương lái thu mua thì ngày càng thưa vắng. Ở các vùng sản xuất lúa của tỉnh, gần như không còn thương lái ngoài tỉnh đến thu mua.
Ông Phạm Công Báu (khóm Trà Khứa, phường 8, TP. Bạc Liêu) vừa thu hoạch 26 công lúa OM 4900. Ông Báu rất mừng vì vụ hè thu mà lúa OM 4900 đạt đến 1 tấn/công. Song, niềm vui chưa trọn, ông Báu lại thở dài: “Sau khi những cơn mưa liên tiếp ập xuống, thương lái ở đây hạ giá lúa OM 4900 từ 106.000 đồng xuống còn 100.500 đồng/giạ lúa ướt. Nếu không bán ngay mà để lúa xuống màu thì càng chết lớn. Còn trời nắng thì họ sẵn sàng mua với giá cao”. Bà Quách Thị Chín (ấp Béc Hen Lớn, xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi) hiện còn tới 16 tấn lúa khô OM 4900 trong nhà. Bà Chín bày tỏ: “Tôi nghe trên đài nói là giá lúa đang tăng nhưng không hiểu sao không có thương lái đến mua nữa. Họ lấy cớ trời mưa để ép giá trong khi lúa tôi đã phơi khô rồi cũng ảnh hưởng theo”. Nhưng bà Chín cũng thừa nhận rằng, giá lúa hiện đã cao hơn trước đây.
Thương lái địa phương thu mua lúa (hè thu) tại ruộng của nông dân khóm Trà Khứa. Ảnh: H.D |
Khác với giá lúa mà nông dân đang bán cho thương lái tại ruộng hoặc tại nhà, ông Huỳnh Văn Quậy, chủ DNTN xay xát lúa gạo xuất khẩu tại thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi khẳng định: “Tại thời điểm này không có chuyện giá lúa giảm. Nhà máy của tôi đang mua lúa khô hạt dài từ 5.500 – 6.000 đồng/kg (tương đương 110.000 – 120.000 đồng/giạ). Nếu lúa thơm OM 4900 thì mua khoảng 6.300 đồng/kg”. Theo ông Quậy, về nguyên tắc, thương lái khi đi mua lúa trong dân chỉ cần trừ chi phí vận chuyển khoảng 100 đồng/kg là có lời rồi, nhưng với mức giá mà nông dân đang bán đúng là quá thấp.
Chi phí tăng, lợi nhuận giảm
Một số chuyên gia lúa gạo cho rằng, thị trường lúa gạo vụ hè thu này trầm lắng là do chỉ tiêu hỗ trợ lãi suất thu mua tạm trữ mà Chính phủ giao chỉ bằng 50% so với năm 2011 (500.000 tấn gạo). Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu không nhiệt tình thu mua. Ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Bạc Liêu, cho rằng: “Công ty đã hoàn thành chỉ tiêu thu mua 9.500 tấn gạo từ tháng 8/2012. Còn chuyện tiếp tục mua nữa hay không là do công ty quyết định”. Nghĩa là, doanh nghiệp xuất lúa gạo cảm thấy không có lời nhiều khi không còn hỗ trợ của Chính phủ thì họ có quyền “không mua”. Khi đó, thị trường lúa gạo đã bị thả nổi cho các thương lái bán lẻ tự quyết định giá.
Theo điều tra của Sở NN&PTNT, giá thành sản xuất lúa vụ hè thu 2012 là 3.811 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với vụ hè thu năm ngoái. Trong khi chi phí sản xuất lại tăng, giá lúa “ổn định” hoặc thậm chí giảm, từ đó dẫn đến lợi nhuận của vụ hè thu đã không đạt được mục tiêu mà người trồng lúa mong đợi. Tuy nhiên, ông Phan Minh Quang, Phó Giám đốc Thường trực Sở NN&PTNT khẳng định: “Với mức giá thành như vậy, nông dân vẫn lợi nhuận từ 30% trở lên”.
Lúa đầy nhà, bán không được giá, không biết kiếm đâu ra tiền để trả nợ cũ và tái đầu tư. Đó chính là tâm trạng của những nông dân thu hoạch lúa hè thu muộn. Hầu hết họ đều có chung một nhận xét rằng, sự can thiệp của Chính phủ và tỉnh hiện nay nhằm vào thị trường lúa gạo vẫn chưa đủ sức để giúp người trồng lúa thoát khỏi cảnh nghèo.
(Baobaclieu)