Thi tốt nghiệp THPT năm 2012: Địa phương được trao quyền chủ động
Đã đăng vào 09/02/2012 lúc 9:05Từ nay đến cuối tháng 2-2012, Bộ GD-ĐT sẽ chính thức ban hành quy chế sửa đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT để áp dụng từ năm 2012. Những nội dung dự kiến sửa đổi đã được công bố để lấy ý kiến rộng rãi và đang được kỳ vọng sẽ giúp mùa thi tới bớt ngột ngạt.
Quyền đi liền với trách nhiệm
Theo phương án đã được các ý kiến cơ bản đồng thuận, từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, ba quy định quan trọng sẽ được bãi bỏ gồm tổ chức thi theo cụm, chấm chéo bài thi tự luận giữa các địa phương và tổ chức lực lượng thanh tra ủy quyền của Bộ GD-ĐT là cán bộ, giảng viên các trường ĐH. Theo đó, các địa phương được trao quyền chủ động xây dựng kế hoạch kỳ thi, lựa chọn hình thức tổ chức thi cho phù hợp với điều kiện thực tế chứ không bắt buộc phải tổ chức thi theo cụm trường.
Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ chính thức ban hành quy chế sửa đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT để áp dụng từ năm 2012. Ảnh: Viết Thành |
Cùng với việc được giao quyền chủ động, các địa phương cũng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình để tổ chức một kỳ thi đạt mục tiêu đề ra. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, khi quyết định phân cấp cho cơ sở, tinh thần được xác định rõ là phân cấp để quản lý tốt hơn chứ không phải là buông lỏng. Bởi thế, hiệu quả triển khai ở địa phương sẽ được giám sát bằng các cơ chế, quy định được nêu rõ trong các nội quy, quy chế thi. Với cách làm này, trách nhiệm sẽ được quy rõ thuộc về bộ phận nào, cá nhân nào nếu để xảy ra những sự việc bất thường. Điều này sẽ hạn chế được tình trạng nơi làm nghiêm túc cũng như chỗ lơi lỏng, gây thiệt thòi cho HS và ảnh hưởng đến tính thực chất của kết quả kỳ thi.
Chưa chặt khâu hậu kiểm?
Nhiều năm trước, các địa phương cũng từng được Bộ GD-ĐT phân cấp, trao quyền chủ động trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhưng từ kỳ thi năm 2006, khi ngành GD-ĐT phát động cuộc vận động Hai không (Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục), Bộ GD-ĐT đã bố trí tới gần chục nghìn thanh tra ủy quyền để giám sát tất cả các khâu của kỳ thi tại địa phương, tổ chức chấm chéo bài thi tự luận giữa các tỉnh, TP, thi theo cụm trường… nhằm siết chặt kỷ cương trường thi. Nhưng dường như, việc ôm đồm quá nhiều việc của Bộ GD-ĐT cũng không đem lại hiệu quả thực chất một cách bền vững. Chỉ sau vài năm, bảng kết quả tốt nghiệp của hầu hết các địa phương lại quay trở về vạch xuất phát khi đều đạt tỷ lệ xấp xỉ tối đa.
Vì thế, vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay là khi quyết định trao quyền tự chủ cho các Sở GD-ĐT trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thì Bộ GD-ĐT có bảo đảm rằng kỳ thi sẽ được thực hiện nghiêm túc, các hành vi tiêu cực sẽ được loại bỏ bớt? Nói tóm lại là Bộ GD-ĐT có cách nào để quản được chất lượng của kỳ thi này để đạt mục tiêu là phản ánh thực chất chất lượng dạy – học của các nhà trường và giảm căng thẳng, tốn kém?
Ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) khẳng định: Chủ trương thực hiện những đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2012 nhằm tăng cường công tác chỉ đạo quản lý thi, phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương, nhất là với những người đứng đầu ngành GD-ĐT tại các đơn vị. Ngoài ra, việc đổi mới kỳ thi còn nhằm tiến tới việc bình thường hóa kỳ thi quốc gia, bớt căng thẳng và giảm gánh nặng cho xã hội, tránh tình trạng lúc nào thi cử cũng như ra trận. Nhưng không phải vì mục tiêu làm cho kỳ thi nhẹ nhàng hơn mà sự nghiêm túc giảm đi. Bộ GD-ĐT sẽ có những giải pháp đồng bộ, không chỉ là đổi mới thi cử mà còn ở việc điều chỉnh nội dung chương trình, sách giáo khoa; đổi mới phương pháp dạy học; thay đổi cách xếp loại, đánh giá HS…
Ý kiến khác còn cho rằng, để đạt được mục tiêu như mong muốn thì thắt chặt khâu hậu kiểm là việc mà Bộ GD-ĐT cần triển khai ngay từ kỳ thi năm nay. Thẳng thắn nhìn nhận, không phải là những người quản lý ngành GD-ĐT ở cấp cao nhất chưa nhìn ra điều này. Một, hai năm gần đây, khi kết quả kỳ thi tốt nghiệp lộ rõ sự bất thường, Bộ đã tuyên bố chấm lại để xem xét mức độ thực chất. Nhưng rồi chẳng ai thấy sự hồi âm. Việc xử lý những địa phương có dấu hiệu tiêu cực trong chấm thi cũng chưa thực sự sát sao, nghiêm ngặt để có thể khiến các nơi khác nhìn vào mà ngại. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ cũng là kênh thông tin quan trọng để đánh giá phần nào tính trung thực, khách quan của các địa phương trong việc dạy học và tổ chức thi. Vấn đề đặt ra là Bộ GD-ĐT có dám mạnh tay đối với những người có trách nhiệm ở địa phương khi để xảy ra tiêu cực hay không?