Thêm 1 tháng thu thập thông tin khối doanh nghiệp

Đã đăng vào 06/04/2012 lúc 8:57

Ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống kê, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012 cho biết, để đảm bảo thu đủ phiếu điều tra và chất lượng thông tin tổng điều tra, Ban chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương quyết định kéo dài thời gian thu thập thông tin đối với khối doanh nghiệp thêm 1 tháng, .

 

Ông Đỗ Thức, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương. Ảnh: Chinhphu.vn

 

Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (PV):

Công tác thu thập thông tin đối với khối doanh nghiệp đã được bắt đầu từ ngày 1/4 vừa qua. Tuy nhiên, thời gian thu thập thông tin đối với khối doanh nghiệp sẽ kéo dài thêm 1 tháng so với dự kiến ban đầu. Xin ông cho biết lý do của việc thay đổi này?

Ông Đỗ Thức: Theo Quyết định số 1271/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian thu thập thông tin khối doanh nghiệp là 1 tháng (từ ngày 1/4 – 30/4/2012).

Tuy nhiên qua thực tế rà soát danh sách doanh nghiệp tiến hành từ đầu năm cho thấy số lượng doanh nghiệp thuộc danh sách điều tra khá lớn.

Mặt khác, theo quy định của nhà nước, thời hạn để các doanh nghiệp hoàn thành báo cáo tài chính là 31/3, tuy nhiên khá nhiều doanh nghiệp chỉ có thể hoàn thành báo cáo sau thời điểm này hoặc một số doanh nghiệp cần qua thực hiện kiểm toán để chính thức hóa thông tin. Đây là nguồn dữ liệu quan trọng để điền thông tin hoặc đối chiếu logic với một số chỉ tiêu trong phiếu Tổng điều tra, đảm bảo tính thống nhất thông tin giữa các ngành.

Ngoài ra, nội dung thông tin trên các phiếu Tổng điều tra năm nay cũng nhiều và phức tạp hơn so với dự kiến ban đầu.

Vì vậy để đảm bảo thu đủ phiếu điều tra và thông tin trên phiếu, đảm bảo chất lượng thông tin trong điều kiện hạn chế về lực lượng điều tra viên, Ban chỉ đạo TĐT Trung ương quyết định kéo dài thời gian Tổng điều tra thêm một tháng, tức là kết thúc điều tra vào ngày 31/5/2012.

Tuy nhiên công tác chỉ đạo sẽ quyết liệt để có thể rút ngắn thời gian điều tra, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố lớn, tập trung nhiều doanh nghiệp như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.   

PV: Việc thu thập thông tin đối với khối doanh nghiệp có gặp những khó khăn gì, thưa ông?

Ông Đỗ Thức: Thu thập thông tin đối với khối doanh nghiệp có thuận lợi ở chỗ doanh nghiệp là đối tượng thường xuyên thực hiện các yêu cầu thống kê như chế độ báo cáo thống kê định kỳ, điều tra thống kê, vì vậy đã quen thuộc với việc thực hiện các qui định thống kê, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Bên cạnh đó, ngoài các yêu cầu thống kê, doanh nghiệp còn phải thường xuyên thực hiện các báo cáo tài chính, báo cáo thuế với cơ quan thuế cơ quan kiểm toán. Bản thân doanh nghiệp cũng cần các báo cáo phục vụ điều hành tác nghiệp, quản lý, hạch toán thu/chi, lãi lỗ… cho chính doanh nghiệp. Vì vậy hầu hết các doanh nghiệp có hệ thống sổ sách, kế toán theo dõi nền nếp để có thể bóc tách, chi tiết số liệu ghi vào phiếu điều tra.

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi trên, khó khăn lớn nhất trong việc thu thập thông tin đối với khối doanh nghiệp là nhiều doanh nghiệp không có bộ phận thống kê hoặc cán bộ chuyên trách công tác thống kê mà thường do nhân viên kế toán kiêm nhiệm.

Trong khi đó, phiếu Tổng điều tra không chỉ bao gồm các chỉ tiêu kế toán mà còn bao gồm cả các chỉ tiêu chuyên ngành như lượng sản phẩm, phương tiện vận tải, công trình và hạng mục công trình, lao động, hoạt động nghiên cứu và phát triển… điều đó đòi hỏi mỗi doanh nghiệp cần có sự phối hợp ghi thông tin giữa các bộ phận có liên quan tại trụ sở chính.

Đối với các doanh nghiệp có cơ sở trực thuộc đóng tại địa điểm khác, cần có sự tính toán phân bổ một số chỉ tiêu hoặc tổ chức ghi thông tin đảm bảo cân đối giữa số liệu của kế toán doanh nghiệp với tổng số liệu của trụ sở chính và các cơ sở trực thuộc.

Một khó khăn lớn nữa là ý thức chấp hành Luật Thống kê và các quy định khác về thống kê của một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc khối ngoài nhà nước hoặc các doanh nghiệp có qui mô nhỏ. Các doanh nghiệp này thiếu hợp tác với điều tra viên hoặc cơ quan thống kê, chậm ghi thông tin hoặc ghi thiếu thông tin vào phiếu điều tra. Một số doanh nghiệp có tình trạng khai sai, giấu giếm thông tin thật nên mặc dù báo cáo tài chính của họ rất cân đối nhưng thông tin trong báo cáo không đúng thực tế.

Để khắc phục khó khăn này, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền với nội dung và hình thức phù hợp để lãnh đạo, kế toán doanh nghiệp hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ cung cấp thông tin và hợp tác với điều tra viên.        

PVNhư vậy, người cung cấp thông tin có vai trò rất quan trọng để đảm bảo thành công của cuộc Tổng điều tra, thưa ông?

Ông Đỗ Thức: Đúng vậy. Vai trò của người cung cấp thông tin là hết sức quan trọng để đảm bảo thành công của cuộc Tổng điều tra.

Người cung cấp thông tin trước hết cần có ý thức tuân thủ quy định của Luật Thống kê; đồng thời hiểu rõ nghĩa vụ cung cấp thông tin của mình đối với cơ quan thống kê, hiểu rõ các câu hỏi nêu trong phiếu để ghi chính xác, rõ ràng các số liệu theo yêu cầu, gửi trả phiếu điều tra đã điền đủ thông tin theo đúng qui định, đảm bảo tiến độ Tổng điều tra.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Diên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Tổng biên tập: Đoàn Út Bảy
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: thblwebsite@gmail.com
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo