Những con người tiêu biểu trong lịch sử tỉnh Bạc Liêu
Đã đăng vào 23/10/2011 lúc 17:23Trần Kim Túc (1887 – 1927)
Trần Kim Túc ( tên thường gọi là Chủ Chọt) sinh năm 1887 trong một gia đình tiểu điền chủ, tại làng Ninh Thạnh Lợi, quận Phước Long, tỉnh Rạch Giá (nay là xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu). Năm 1927, ông đứng lên vận động hàng trăm nông dân nổi dậy chống lại tên địa chủ Bô-vin Ây -No và bọn cai tổng, xã trưởng để giành lại đất canh tác. Trong cuộc đấu tranh đẫm máu và không cân sức đó, ông và một số nông dân đã anh dũng hy sinh. Tuy cuộc nổi dậy không thành, nhưng đây có thể nói là cuộc đấu tranh tiêu biểu tự phát của nông dân trước khi Đảng công sản ra đời gây tiếng vang lớn, làm dấy lên làn sóng đấu tranh của nông dân khắp cả nước , làm cho thực dân Pháp và bọn cường hào, ác bá phải khiếp sợ, chùn bước.
Mười Chức (1897 – 1928)
Mười Chức sinh năm 1897 trong một gia đình nông dân, tại làng Phong Thạnh, quận Giá Rai , nay là thị trấn Gía Rai, huyện Giá Rai. Ngày 16-2-1928, cuộc đấu tranh giữ đất, giữ lúa của gia đình Mười Chức, chống lại tên địa chủ Mã Ngân (thường gọi là Bang Tắc) đã bị chính quyền thực dân Pháp chỉ huy lính mã tà, lính kín và một số hương chức Hội tề làng Phong Thạnh đàn áp. Mười Chức và vợ là Phan Thị Nghĩa, cùng hai em là Nhẫn và Nhịn đã chống trả quyết liệt và anh dũng hy sinh. Sự kiện này đã làm chấn động khắp Nam Kỳ lục tỉnh lúc bầy giờ.
Trước sự kiện trên, nhà báo Lê Trung Nghĩa (tự Việt Nam) đã viết nhiều bài đăng trên các báo tiếng Việt, tiếng Pháp tại Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) và vận động 02 luật sư người Pháp là Tri -con và Giê-va-cô làm biện hộ sư cho gia đình Mười Chức. Ngày 17-8-1929, chính quyền thực dân Pháp và tên địa chủ Mã Ngân đuối lý, phải thừa nhận phần sai, hoàn trả lại ruộng đất cho gia đình Mười Chức và trả lại tự do cho những người đấu tranh đòi chính nghĩa.
Di tích ghi dấu sự kiện Đồng Nọc Nạng hiện tọa lạc tại ấp 4, xã phong Thạnh, huyện Giá Rai. Di tích này đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1991.
Má Mười (1925 – 1970)
Má Mười (tên thật là Nguyễn Thị Mười) sinh năm 1925, tại ấp Mỹ Trinh, Vĩnh Phú Đông, Phước Long, Bạc Liêu.
Được phân công làm công tác phụ nữ xã, phụ trách Hội mẹ chiến sĩ, má Mười luôn tận tình chăm lo từng bữa ăn, tấm áo, che chở cho các cán bộ, chiến sĩ. Trong nhiều lần đấu tranh trực diện với kẻ thù, má Mười đã thể hiện sự gan dạ, dũng cảm, mưu trí. Ngày 26-5-1970, má và gia đình đã mưu trí chặn địch, tạo điều kiện cho các cán bộ cách mạng đang họp tại nhà má rút lui an toàn. Má Mười đã hy sinh anh dũng, cháu nội và người con dâu thứ tư của má bị địch bắn trọng thương.
Ngày 6-11-1978, má Nguyễn Thị Mười đã được truy tặng Huân chương Quân công hạng Ba và danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Trần Hồng Dân (1916 – 1946)
Trần Hồng Dân (tên thật là Trần Văn Thành) sinh năm 1916, tại ấp Vĩnh Lộc, xã Mỹ Quới, quận Phước Long (nay là xã Mỹ Quới, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng).
Thời kỳ Mặt trận dân chủ (1936 – 1939), ông đảm nhận nhiệm vụ Hội trưởng Hội ái hữu của học sinh tại quận Phước Long. Tháng 5-1937, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại chi bộ xã Mỹ Quới, quận Phước Long (nay thuộc huyện Phước Long). Tháng 4-1941, ông được điều động về công tác tại thành phố Cần Thơ. Tháng 5-1941, ông bị địch bắt, bị kết án 20 năm tù và đày ra Côn Đảo.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, tháng 9-1945, ông được vinh dự đi chuyến tàu đầu tiên cùng Bác Tôn, đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Phạm Hùng từ Côn Đảo về đất liền. Năm 1946, ông về công tác tại quận Phước Long. Tháng 6-1946, địch tập trung lực lượng, kéo vào càn quét xã Ninh Thạnh Lợi, gần cơ quan Quận uỷ Phước Long. Trong quá trình chống trả quyết liệt với quân thù, ông đã anh dũng hy sinh.
Ghi nhớ công lao của đồng chí Trần Hồng Dân, năm 1947 Uỷ ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ quyết định đổi tên quận Phước Long thành quận Hồng Dân, nay là huyện Hồng Dân.
Lê Thị Riêng (1925 – 1969)
Anh hùng liệt sĩ Lê Thị Riêng sinh năm 1925 tại xã Vĩnh Mỹ, huyện Giá Rai (nay là xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình), tỉnh Bạc Liêu trong một gia đình nông dân nghèo.
Bà tham gia cách mạng năm 1945, là cán bộ Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Bạc Liêu và từng giữ các chức vụ: Đoàn trưởng Ban Chấp hành Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Rạch Giá; Phó Hội trưởng Hội Phụ nữ Cứu quốc Miền Đông Nam Bộ; ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam; Hội phó Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng Miền Nam. Năm 1961, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, chiến tranh ác liệt, chồng hy sinh, hai con thơ phải xa mẹ, Bà nén chặt nỗi đau riêng để tiếp tục chiến đấu. Từ năm 1965, Bà nhận nhiệm vụ vào hoạt động ở nội thành và giữ chức vụ là Khu ủy viên Đặc khu Sài Gòn Gia Định, Trưởng Ban Phụ vận Sài Gòn – Gia Định.
Ngày 9/5/1967, trên đường đi công tác Bà bị địch bắt tại Đa Kao (Sài Gòn). Trong suốt thời gian bị giam giữ, kẻ thù dùng mọi cực hình tra tấn hết sức dã man nhưng vẫn không hề khuất phục được Bà. Bất lực trước tinh thần yêu nước của người phụ nữ trung kiên và hoảng sợ trước những thắng lợi của cách mạng trong đợt Tổng tiến công nổi dậy xuân Mậu Thân, kẻ thù đã sát hại Bà vào lúc 20 giờ ngày 1. 2. 1968 (mùng 2 tết Mậu Thân) trên đường Hồng Bàng (Sài Gòn). Trước lúc anh dũng hy sinh, Bà đã hô vang "Hồ Chí Minh muôn năm, Đảng Lao Động Việt Nam muôn năm!"
Bà Lê Thị Riêng, người con ưu tú của Bạc Liêu, một người phụ nữ giàu lòng nhân ái, xứng đáng là tấm gương tiêu biểu về tinh thần yêu nước của phụ nữ Miền Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Để ghi nhớ tấm gương hy sinh anh dũng của Bà, Chủ tịch nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam đã truy tặng Huân chương Độc lập Hạng Nhất và Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (năm 1975), Hội LHPN Việt Nam đã đổi tên Trường phụ nữ ở Cát Lái, Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh thành Trường Lê Thị Riêng. Tại nội ô thành phố Hồ Chí Minh có công viên mang tên Lê Thị Riêng. Tại phường 8, thị xã Bạc Liêu đá có một công viên văn hóa mang tên anh hùng liệt sĩ Lê Thị Riêng.
Ngô Quang Nhã (1936 – 1964)
Anh hùng liệt sĩ Ngô Quang Nhã sinh năm 1936, quê ở ấp Giồng Bướm, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi. Tham gia cách mạng năm 1959, thời điểm phong trào cách mạng đang bị địch khủng bố ác liệt, nhưng đồng chí Ngô Quang Nhã không nản chí, bí mật in ấn truyền đơn, kêu gọi giải tán thanh niên cộng hoà, viết biểu ngữ cảnh cáo những tên ác ôn, có nợ máu với nhân dân.
Với tinh thần cách mạng triệt để, chấp nhận hy sinh, cùng sự mưu trí, dũng cảm, đồng chí Ngô Quang Nhã đã góp công cùng du kích xã Châu Thới chiếm đồn Châu Thới (ngày 3-1-1960) và đồn Năm Tiến (tháng 9-1960). Không những thế, với sáng kiến “dùng kế hoả công” của đồng chí Nhã, quân ta đã tiêu diệt địch, giải phóng xã Mỹ Quới. Trên cương vị chỉ huy trung đội gồm 21 người, đồng chí Ngô Quang Nhã đã cùng với trung đội làm chủ nhiều đoạn đường trên tuyến quốc lộ. Trước khi dự đại hội thi đua cấp tỉnh, đồng chí Ngô Quang Nhã đã tổ chức cuộc tập kích vào đoàn xe của địch trên đoạn cầu Phú Giáo. Trong trận đánh này, đồng chí đã anh dũng hy sinh.
Quá trình công tác chỉ có 6 năm, nhưng liệt sĩ Ngô Quang Nhã đã tham gia 44 trận đánh, diệt và làm thiệt hại 30 xe quân sự, diệt 04 đồn, giải phóng 02 xã, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng. Với những thành tích đã đạt được trong chiến đấu, ngày 28-4-2000, liệt sĩ Ngô Quang Nhã đã được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tên của liệt sĩ Ngô Quang Nhã đã được đặt cho một con đường trong khu hành chính tỉnh Bạc Liêu.
Phùng Ngọc Liêm (1953 – 1968)
Phùng Ngọc Liêm sinh ngày 10-7-1953, tại ấp Mỹ Phú Thành, xã Mỹ Quới, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu (nay là ấp Mỹ Đông, xã Mai Thanh Thế, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng).
Ngày 1-2-1968, anh tham gia cách mạng. Tháng 9-1968, anh được Ban chỉ huy Biệt động thị xã Bạc Liêu phân công nhiệm vụ vừa trinh sát vừa đánh địch. Ngày 11-9-1968, khi bị địch tập trung vây bắt, anh đã dũng cảm giật kíp mìn để tiêu diệt quân địch tại quán cơm “Xừng Ký”, nhà lồng chợ Bạc Liêu và anh dũng hy sinh. Anh đã được Ban chỉ huy Tỉnh đội công nhận “Dũng sĩ diệt ngụy” và được Thị đoàn Bạc Liêu kết nạp vào Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam Việt Nam.
Ghi nhớ công lao của anh, Đảng bộ và nhân dân thị xã Bạc Liêu đã lấy tên anh đặt cho con đường Phùng Ngọc Liêm (ở phường 2) và Trường tiểu học Phùng Ngọc Liêm (ở phường 3).
Trần Huỳnh (1928 – 1956)
Trần Huỳnh sinh năm 1928, tại thị trấn Hoà Bình, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Trần Huỳnh là thanh niên trí thức, thông minh, sáng dạ (nói, viết thông thạo tiếng Pháp và Nhật), sớm giác ngộ cách mạng. Anh đã đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 3 – 1948. Tháng 8-1955, anh được phân công làm uỷ viên Ban Thường vụ Thị uỷ Bạc Liêu và Bí thư Thị đoàn Bạc Liêu. Ngày 18-11-1956, anh bị địch bắt. Mặc dù bị tra tấn vô cùng dã man, nhưng anh vẫn giữ vững khí tiết của người đảng viên cộng sản và đã anh dũng hi sinh.
Anh đã được trao tặng “Huân chương Kháng chiến hạng Nhất” và Thủ tướng Chính phủ tặng bằng “Tổ quốc ghi công”. Ngày 21-10-1989, Uỷ ban nhân dân thị xã Bạc Liêu quyết định đổi tên Trường cấp II tại phường 7, thị xã Bạc Liêu thành Trường trung học cơ sở Trần Huỳnh. Đồng thời hiện nay, một con đường lớn ở trung tâm thị xã cũng đã được mang tên Trần Huỳnh.
Nguyễn Công Tộc (1920 – 1961)
Nguyễn Công Tộc (tức Cao Văn Ba) sinh năm 1920, tại xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu trong gia đình tiểu tư sản có truyền thống cách mạng.
Trong thời gian theo học tại trường Petrus Ký (từ năm 1945 đến tháng 8-1957), ông đã tham gia các tổ chức học sinh, sinh viên tiến bộ và yêu nước. Ngày 23-9-1945, ông bị địch bắt, sau đó được tổ chức giải thoát. Thời kỳ 1946 – 1955, ông liên tục tham gia các cuộc đấu tranh chống thực dân, đế quốc. Tháng 8-1957, ông bị địch bắt và đày ra Côn Đảo. Trong gần 4 năm ở Côn Đảo, ông cùng các đồng chí, đồng đội liên tục đấu tranh trực diện chống ly khai, chống chào cờ ngụy… Mặc dù bị địch tra tấn dã man, ông vẫn giữ vững khí tiết, trung thành với Tổ quốc, với nhân dân và đã hy sinh anh dũng. Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý. Tên ông đã được đặt cho một con đường ở phường 1, thị xã Bạc Liêu.
Cao Văn Lầu (1892 – 1976)
Ông Cao Văn Lầu
Cao Văn Lầu( Còn gọi là Sáu Lầu) sinh ngày 22-12-1892, tại xã Thuận Mỹ , huyện Vàm Cỏ , tỉnh Long An hiện nay, mất ngày 13/8/1976 tại Bạc Liêu. Thuở thiếu thời ông cùng gia đình định cư ở Bạc Liêu và theo học nhạc với thầy Nhạc Khị – nhạc sư tài danh của Bạc Liêu thời bấy giờ. Ông đã tập hợp bạn bè thành lập ban nhạc tài tử gồm nhiều người đàn giỏi, ca hay của Bạc Liêu thời ấy. Năm 1919, ông sáng tác bài “Dạ cổ hoài lang” – tiền thân bản vọng cổ nổi tiếng ngày nay.
Tháng 1-1946, ông cho 4 người con tham gia cách mạng. Bản thân ông đã tổ chức cứu 6 đồng chí cán bộ tỉnh Bạc Liêu và huyện Giá Rai ra khỏi nhà tù thực dân Pháp. Để tưởng nhớ và ghi nhận những công lao to lớn của ông, tỉnh Bạc Liêu đã đặt tên Cao Văn Lầu cho một con đường và một đoàn cải lương. Đặc biệt, tỉnh đã tiến hành trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử – văn hóa khu lưu niệm cố nhạc sỹ Cao Văn Lầu ở phường 2, thị xã Bạc Liêu. Đây là nơi để tưởng nhớ người nhạc sĩ tài danh và là nơi thu hút nhiều du khách, nhất là giới văn nghệ sĩ.
( Baobaclieu/Sở văn hóa thể thao và du lịch Bạc Liêu)