Nhật cương quyết trong tranh chấp

Đã đăng vào 22/08/2012 lúc 9:52

Nhật Bản tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư sau khi tại Trung Quốc diễn ra biểu tình rầm rộ chống Tokyo.

Chính quyền Tokyo ngày 20.8 kêu gọi bảo đảm an toàn cho công dân và tài sản của Nhật Bản tại Trung Quốc sau đợt biểu tình lớn một ngày trước đó. Đồng thời, AFP dẫn lời Chánh văn phòng nội các Osamu Fujimura khẳng định Nhật “không chấp nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và Đài Loan đối với Senkaku” sau khi Bắc Kinh và Đài Bắc cùng phản đối việc một nhóm người Nhật đến Senkaku/Điếu Ngư hôm 19.8. Tuy nhiên, ông Fukimura cho biết những người này sẽ bị xử lý theo luật pháp quốc gia do vi phạm quy định chỉ có quan chức chính phủ được đặt chân lên nhóm đảo trên. Ngoài ra, ông Fujimura cũng bày tỏ mong muốn không để căng thẳng ảnh hưởng đến quan hệ song phương cũng như hợp tác Tokyo – Bắc Kinh.

 

Dân Trung Quốc biểu tình chống Nhật tại Quảng Đông
Dân Trung Quốc biểu tình chống Nhật tại Quảng Đông – Ảnh: Reuters

Bên cạnh đó, tờ Yomiuri Shimbun ngày 20.8 đưa tin chính phủ Nhật sẽ thay thế đại sứ tại Bắc Kinh. Đại sứ hiện tại Uichiro Niwa hồi tháng 6 đã gây tranh cãi khi cảnh báo rằng mọi kế hoạch quốc hữu hóa Senkaku/Điếu Ngư của nước ông có thể gây “khủng hoảng cực kỳ nghiêm trọng”. Do đó, một số chuyên gia nhận định rằng ông Niwa bị cho là quá mềm yếu trong vấn đề tranh chấp và Tokyo muốn có một người cứng rắn hơn làm đại sứ tại Bắc Kinh. Theo tờ Japan Today, thông báo chính thức sẽ được đưa ra sau ngày 8.9 và người dự kiến thay ông Niwa là Thứ trưởng Ngoại giao Shinichi Nishimiya.

Việc nhóm người Nhật nói trên đến Senkaku/Điếu Ngư diễn ra sau vụ một số người Trung Quốc đặt chân lên đảo vào ngày 15.8. Nhóm này đã bị lực lượng Nhật bắt giữ và trục xuất. Căng thẳng song phương đã dẫn tới nhiều vụ biểu tình lớn của hàng chục ngàn người Trung Quốc tại ít nhất 12 thành phố hôm 19.8. Theo Kyodo News, người biểu tình giương cao biểu ngữ chống Nhật, đập phá các nhà hàng và xe hơi Nhật ở  Thâm Quyến và Hàng Châu. AFP dẫn lời giới quan sát cho rằng đợt biểu tình được chính quyền “bật đèn xanh” do Bắc Kinh đang muốn tận dụng con bài “quần chúng và chủ nghĩa dân tộc” để gây sức ép trong tranh chấp biển đảo, không chỉ trên biển Hoa Đông.

 

 

 

Bản đồ của “các nhà bảo vệ Điếu Ngư” không có Hoàng Sa, Trường Sa

 

Nhóm người Trung Quốc bị nhà chức trách Nhật bắt và trục xuất vừa qua thuộc “Ủy ban Hành động bảo vệ Điếu Ngư đảo”. Họ xuất phát từ Hồng Kông vào ngày 12.8 và đến Senkaku/Điếu Ngư vào ngày 15.8. Chuyến đi gần như được chính quyền đồng thuận với sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng và những người tham gia được cho là các nhà hoạt động bảo vệ chủ quyền Trung Quốc, am tường về tranh chấp lãnh thổ.

Bản đồ của “các nhà bảo vệ Điếu Ngư” không có Hoàng Sa, Trường Sa

Điều đáng chú ý là những hình ảnh về buổi lễ xuất phát tại Hồng Kông cho thấy rõ bản đồ Trung Quốc in trên áo đồng phục của họ không hề có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam (ảnh).

Từ đó, có thể nhận định rằng mặc định trong ý thức về lãnh thổ Trung Quốc của các nhà hoạt đồng bảo vệ chủ quyền nói trên không bao gồm Hoàng Sa-Trường Sa và lãnh thổ phía nam của nước này chỉ đến đảo Hải Nam. Đây là bằng chứng mới nhất, sau những tấm bản đồ cổ và hình ảnh trên truyền thông cho thấy Trung Quốc hoàn toàn không có quyền lịch sử gì đối với Hoàng Sa và Trường Sa cả. Mọi tuyên bố cùng “chứng cứ” của nước này về chủ quyền đối với 2 quần đảo đều là ngụy tạo, phi lý và phi pháp. 

 

 

 

 

 

Đài Loan vi phạm chủ quyền Việt Nam

 

Hãng tin CNA ngày 20.8 dẫn thông báo của chính quyền Đài Loan cho biết lực lượng tuần duyên sẽ tiến hành tập trận bắn đạn thật trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ ngày 1-5.9 để “củng cố tuyên bố chủ quyền”.

Trong cuộc diễn tập phi pháp này, Đài Loan sẽ huy động súng cối 120 mm và pháo 40 mm – những loại vũ khí vừa được đưa tới Ba Bình.

Cũng theo CNA, một số nhà lập pháp Đài Loan cũng sẽ đến Ba Bình trong nửa đầu tháng 9 để thị sát việc củng cố quân sự tại đây. Tất cả những hành động trên đều vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với với đảo Ba Bình nói riêng và quần đảo Trường Sa nói chung, tiếp tục khiến tình hình tại biển Đông thêm phức tạp và đáng lo ngại.

 

 

 

 (TNO) 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Tổng biên tập: Đoàn Út Bảy
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: thblwebsite@gmail.com
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo