Nga – Mỹ lạnh nhạt vì Syria

Đã đăng vào 15/06/2012 lúc 10:24

Quan hệ Matxcơva và Washington đang trở nên lạnh nhạt do cuộc khủng hoảng ở Syria ngay trước thềm cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama tại Mexico vào tuần tới.

 

 

Một người cha bế con gái nhỏ bị thương trong một vụ đánh bom ở Damascus (Syria) hôm 8-6 – Ảnh: AFP

 

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Nga và Mỹ đang đấu khẩu kịch liệt về tình hình Syria trong những ngày qua. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhân chuyến thăm Iran đã lên án Mỹ cung cấp vũ khí cho “các nước trong khu vực”.

“Chúng tôi không cung cấp những thứ dùng để chống lại thường dân, dù là ở Syria hay bất cứ nơi nào. Không giống như Mỹ thường xuyên cung cấp những thiết bị như vậy cho khu vực này” – ông Sergei Lavrov nhấn mạnh.

Tuyên bố này là phản ứng của Nga về lời cáo buộc trước đó của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khi nói rằng Mỹ đang lo ngại việc Nga cung cấp máy bay trực thăng chiến đấu cho quân Chính phủ Syria để thực hiện các trận càn. Bà Hillary Clinton kêu gọi Nga chấm dứt việc cung cấp vũ khí này và lưu ý Matxcơva rằng “vòng xoáy bạo lực” ở Syria đang đẩy nước này vào một cuộc “nội chiến”.

Khác biệt lợi ích

Đầu tuần sau, ông Putin sẽ gặp ông Obama tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Mexico. Đây là lần đầu tiên hai ông gặp nhau kể từ năm 2009 tại Nga. Khi đó, trong gần một giờ, ông Putin đã “rót” vào tai ông Obama những lời phàn nàn về nước Mỹ. Trong lần gặp lại vào tuần tới, những cáo buộc kịch liệt qua lại giữa hai nước về Syria và vấn đề lá chắn tên lửa châu Âu chắc hẳn sẽ khiến hai nhà lãnh đạo không lấy gì làm thoải mái.

“Có một cuộc khủng hoảng trong quan hệ Nga – Mỹ. Một cuộc khủng hoảng khi đôi bên phải cân bằng các lợi ích của mình nhưng lại không thể. Đó là vì những lợi ích này khác biệt nhau” – New York Times dẫn lời trưởng Ban đối ngoại Quốc hội Nga Aleksei K. Pushkov nói.

Cho đến nay, Nga luôn kiên quyết chống lại một sự can thiệp từ bên ngoài. Theo giới phân tích, Nga đang lo ngại NATO một lần nữa sẽ vượt quyền của Liên Hiệp Quốc (như đã làm ở Libya) bằng một cuộc can thiệp quân sự vào Syria để thay đổi chế độ ở nước này, do vậy làm mất đi các lợi ích của Nga trong khu vực.

Theo Reuters, chính quyền Obama đã tìm cách khởi động lại quan hệ với Nga từ khi ông Dmitry Medvedev còn làm tổng thống và coi đây là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình. Tuy nhiên, những vấn đề gần đây như Syria, Iran hay lá chắn tên lửa châu Âu đã làm tăng vị đắng trong quan hệ đôi bên.

Nhà phân tích Masha Lipman thuộc Trung tâm Carnegie Matxcơva cho rằng việc tái khởi động này thất bại khi không thể thay đổi những nghi ngờ của phía Nga cũng như bản thân ông Putin trước sự bội tín của Mỹ về chương trình lá chắn tên lửa ở châu Âu. “Nước Mỹ được coi là một mối đe dọa, làm suy yếu và gây hại cho Nga. Vì vậy, Nga luôn trong tình trạng cảnh giác và phòng vệ” – bà Masha Lipman nhận định.

Sức ép bầu cử

Giám đốc Trung tâm cố vấn National Interest ở Washington là Dimitri Simes cho rằng dồn ép Nga và dùng ngôn từ cứng rắn có thể phản tác dụng và khiến Matxcơva ít hợp tác hơn. “Đây không phải là cách nói chuyện thông thường với đối tác” – ông Dimitri Simes nhận xét.

Trong khi đó, theo New York Times, Mỹ lại đang cần sự trợ giúp của Nga trong việc tác động đến chương trình hạt nhân của Tehran, nhất là khi vòng đàm phán tiếp theo giữa Iran và các cường quốc sẽ diễn ra tại Matxcơva vào tuần tới. Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Nga tại Đại học Georgetown (Mỹ) Angela E. Stent nhấn mạnh trong lúc này “Chúng ta cần họ hơn là họ cần chúng ta”.

Các nhà quan sát nhận định ông Obama có thể đang muốn hạ nhiệt quan hệ với ông Putin nhưng cũng muốn cứng rắn vừa đủ để không bị các đối thủ ở Đảng Cộng hòa chỉ trích là thỏa hiệp với Matxcơva, nhất là khi cuộc tranh cử của bản thân ông đang bắt đầu nóng lên.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain, một trong những người chỉ trích kịch liệt chính sách của ông Obama đối với Nga, cho rằng cách tiếp cận của ông Obama chỉ càng khiến ông Putin tiếp tục cung cấp vũ khí cho quân chính phủ ở Syria và cuộc gặp tại Mexico sắp tới cũng không thể thay đổi được gì. “Tổng thống đang thể hiện sự ngây ngô của mình” – ông McCain mô tả.

Các nhà quan sát ở Nga nhận định ông Putin cũng sẽ thận trọng với bất cứ cam kết nào với ông Obama, người mà tương lai chính trị còn chưa chắc chắn sau kỳ bầu cử.

 

(Tuoitre)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Tổng biên tập: Đoàn Út Bảy
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: thblwebsite@gmail.com
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo