Tây Ban Nha chính thức đề nghị cứu trợ ngân hàng

Đã đăng vào 26/06/2012 lúc 10:04

 Sau nhiều đồn đoán, cuối cùng chính phủ Tây Ban Nha đã phải chính thức đề nghị Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cấp khoản vay cứu trợ ngân hàng lên tới 100 tỷ euro.

Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha De Guindos (trái).

Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha De Guindos (trái).

 

Lời đề nghị được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ tư Eurozone và thứ 12 thế giới đang đứng trước một loạt thách thức có thể dẫn tới nguy cơ sụp đổ toàn bộ hệ thống ngân hàng, hay thậm chí vỡ nợ nếu không được cứu giúp kịp thời.

“Để tránh khả năng hệ thống ngân hàng rơi vào phá sản, chính phủ Tây Ban Nha chính thức đề nghị được cấp khoản vay cứu trợ 100 tỷ euro (tương đương 125 tỷ USD) từ các đối tác trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone)”. Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha De Guindos nói.

Cũng theo ông Guindos, mục đích của việc làm này là nhằm hoàn tất biên bản ghi nhớ để kịp đưa ra thảo luận tại cuộc họp các bộ trưởng kinh tế tài chính 17 nước thuộc Eurozone, dự kiến diễn ra vào ngày 9/7 tới.

Trong thư gửi tới các đối tác cùng ngày, ông Guindo khẳng định để nhận được sự giúp đỡ, Tây Ban Nha sẵn sàng thực hiện đầy đủ các quy định pháp lý và điều kiện vay theo đúng yêu cầu của các bên.

“Các khoản hỗ trợ từ Eurozone sẽ được rót kịp thời vào các ngân hàng thiếu vốn thông qua Qũy tái cấu trúc ngân hàng (FROB) do nhà nước kiểm soát”, ông Guindos cam kết.

Chính phủ Tây Ban Nha đưa ra đề nghị cứu trợ sau khi hai công ty tư vấn độc lập Olive Wyman (Mỹ) và Roland Berger (Đức) công bố báo cáo kiểm toán 14 ngân hàng lớn nhất Tây Ban Nha cho biết các ngân hàng nước này sẽ cần từ 51- 62 tỷ euro để trang trải các khoản thiếu hụt do bong bóng bất động sản tạo ra.

Trước đó, vào đầu tháng này, hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch cũng đã liên tiếp hạ bậc tín nhiệm đối với 18 ngân hàng của Tây Ban Nha sau khi đã hạ 3 bậc xếp hạng tín nhiệm nợ công của Madrid từ "A" xuống "BBB".

Cuộc khủng hoảng tài chính tại Tây Ban Nha lên đến đỉnh điểm hồi tháng Năm, khi chính phủ buộc phải can thiệp và quốc hữu hóa một phần ngân hàng Bankia, ngân hàng lớn thứ 4 của nước này.

Theo báo cáo mới nhất tháng 6/2012 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), sự vỡ nợ của Tây Ban Nha chủ yếu do sự phình to của thị trường địa ốc trong nước. Cụ thể, lĩnh vực xây dựng và tín dụng địa ốc của nước này đã tăng vọt từ chỉ 10% GDP năm 1992 lên đến 43% năm 2009 trước khi xuống còn 37% vào cuối năm ngoái.

 

(Dân trí)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Tổng biên tập: Đoàn Út Bảy
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: thblwebsite@gmail.com
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo