Mỹ lập lá chắn tên lửa ở châu Á và Trung Đông
Đã đăng vào 28/03/2012 lúc 8:47Bộ Quốc phòng Mỹ vừa tiết lộ Washington đang đàm phán với các quốc gia để xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Á và Trung Đông bên cạnh lá chắn tên lửa tại châu Âu.
Tên lửa đánh chặn phóng đi từ tàu khu trục Aegis của hải quân Mỹ – Ảnh: Defense Industry |
Reuters dẫn lời bà Madelyn Creedon, trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ, tiết lộ: tại châu Á, Mỹ đang đàm phán với Nhật Bản, Úc và Hàn Quốc về kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa. Còn tại Trung Đông, Washington sẽ “tăng cường phối hợp và chia sẻ thông tin” về phòng thủ tên lửa với các quốc gia Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), bao gồm Saudi Arabia, Kuwait, Bahrain, Qatar, UAE và Oman.
“Chúng ta đang sống trong thời đại tên lửa và có những cam kết an ninh ở những khu vực tên lửa đang phổ biến – phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ Bradley Roberts nhấn mạnh – Chúng ta phải bảo vệ mình và các đồng minh”.
Báo Ottawa Citizen dẫn lời tướng Patrick O’Reilly, giám đốc Cơ quan phòng thủ tên lửa thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết từ năm 1999 đến nay, Washington đã đầu tư hơn 90 tỉ USD để tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa, còn năm 2013 ngân sách phòng thủ tên lửa sẽ tăng lên 7,75 tỉ USD.
Đối phó với Iran, Triều Tiên
Tại châu Á, bà Creedon cho biết Mỹ muốn thiết lập hai tam giác lá chắn tên lửa Mỹ – Nhật – Úc và Mỹ – Nhật – Hàn Quốc. Theo trang Global Research, từ năm 2008 Mỹ đã cùng Nhật triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis (tàu khu trục Aegis trang bị tên lửa đánh chặn) mà hiện hải quân Hàn Quốc đang sử dụng. Hải quân hoàng gia Úc cũng đã chọn hệ thống Aegis cho chương trình quân sự Air warfare destroyer (tàu khu trục phòng không).
Tại Trung Đông, như báo The National cho biết, mỗi quốc gia trong GCC hiện đều đã có quan hệ hợp tác quân sự song phương với Mỹ và hiện từng nước đang phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa riêng của mình. Washington đang thúc đẩy các nước vùng Vịnh lập hệ thống phòng thủ tên lửa chung cho GCC để đối phó với nguy cơ từ tên lửa hành trình tầm thấp, bắn từ cự ly gần.
Theo trang Defensenews, cuối tháng 12-2011 Mỹ đã bán hai đơn vị phòng thủ tên lửa hiện đại, trị giá 3,48 tỉ USD, cho UAE bao gồm 96 tên lửa, hai rađa, thiết bị hỗ trợ và chương trình huấn luyện… Đây là một phần trong nỗ lực xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa tại Trung Đông. Các quan chức quốc phòng Mỹ khẳng định một mạng lưới chung sẽ có khả năng nhanh chóng phát hiện và triệt hạ tên lửa bắn từ bất cứ địa điểm nào trong khu vực.
Vẫn theo bà Creedon, các lá chắn tên lửa ở châu Á và vùng Vịnh sẽ giúp Mỹ và các đồng minh ngăn chặn được những cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên và Iran, theo mô hình mẫu lá chắn tên lửa mà Washington đang thiết lập tại châu Âu.
Mô hình này hình thành một thế chân kiềng: đặt tên lửa đánh chặn ở Ba Lan và Romania, hệ thống rađa ở Thổ Nhĩ Kỳ và triển khai tàu khu trục Aegis có trang bị tên lửa đánh chặn ở Tây Ban Nha.
Kiềm chế Trung Quốc
Khi Mỹ công bố hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu, Nga đã phản ứng dữ dội do lo ngại lá chắn này sẽ ngăn chặn năng lực tên lửa hạt nhân của Matxcơva. Chính quyền Nga đã nhiều lần đe dọa sẽ triển khai tên lửa nhắm vào các nước tham gia hệ thống này của Mỹ như Ba Lan hay Romania.
Ngày 27-3, như AFP cho biết, tại Hội nghị an ninh hạt nhân ở Seoul, Tổng thống Mỹ Obama đã “nói nhỏ” với Tổng thống Nga Medvedev là ông đang cần chứng tỏ, nhưng sau bầu cử ông sẽ “mềm dẻo hơn” về vấn đề lá chắn tên lửa với Nga.
Trang Global Research nhận định ngoài mục tiêu ngăn chặn nguy cơ từ Tehran và Bình Nhưỡng, Mỹ cũng muốn dùng lá chắn tên lửa để kiềm chế Trung Quốc.
“Bắc Kinh sẽ phản đối quyết liệt hơn nhiều so với sự phản ứng của Nga đối với lá chắn tên lửa châu Âu” – Reuters dẫn lời chuyên gia Riki Ellison, cựu quan chức quốc phòng Mỹ, dự báo một khi Mỹ lập lá chắn tên lửa cùng Úc, Nhật và Hàn Quốc ngay trên “sân nhà” châu Á.
Bằng chứng là tháng 10-2010, Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích “các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đang bao vây Trung Quốc”. Nhật Báo Trung Quốc lúc đó đã dẫn lời một số chuyên gia quân sự nước này nhận định Mỹ đang chuyển mô hình lá chắn châu Âu, vốn có mục tiêu là kiềm chế Nga, sang châu Á để đối phó với Trung Quốc.
Việc Mỹ bán cho Đài Loan một số lượng vũ khí trị giá 6,5 tỉ USD, trong đó có 200 tên lửa đánh chặn Patriot hiện đại, vào đầu năm 2010 là một phần trong chiến lược này.
(Tuoitre)