Mỹ có thể làm gì để chặn chương trình hạt nhân Iran?

Đã đăng vào 24/11/2011 lúc 8:54

Bằng những cách đe dọa trực tiếp và gián tiếp; cộng với một chút tiểu xảo, Washington hoàn toàn có thể chặn đứng tham vọng hạt nhân của Iran, tờ National Interest nhận định.

>> Iran bóc gỡ hàng loạt gián điệp CIA

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) khẳng định trong bản báo cáo mới nhất của mình rằng, Iran đang theo đuổi “một chương trình hạt nhân có thể dẫn tới việc chế tạo vũ khí nguyên tử”.

IAEA còn nhấn mạnh, Tehran bắt đầu chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân được xây dựng bài bản từ năm 2003 và bản báo cáo cũng nêu rõ, những tiến triển hiện nay trong nỗ lực phát triển hạt nhân của Iran có vẻ bớt tham vọng hơn thời gian đầu xây dựng.

Dẫu sao, theo IAEA, Iran cũng hoàn thiện những nghiên cứu lý thuyết về các quy trình phức tạp trong một chương trình hạt nhân quân sự. Và kết luận cuối cùng của IAEA là, Iran vẫn rất hứng thú với việc phát triển vũ khí bởi ít nhất nước này cũng đã có đủ trình độ khoa học cần thiết để khởi động chương trình vũ khí hạt nhân của mình, nếu muốn.

IAEA cho rằng Iran đủ sức phát triển vũ khí nguyên tử. Ảnh: Japanfocus.

 

Báo cáo của IAEA làm dấy lên cuộc tranh luận tại Mỹ về khả năng ngăn chặn Iran trên đường trở thành cường quốc hạt nhân. Những chính trị gia hiếu chiến cho rằng, Washington không thể ngăn chặn chương trình này bởi Chính phủ Iran gồm toàn những người cực đoan, ưa mạo hiểm, vô cảm trước mọi đe dọa… của phương Tây. 

Ngược lại, những chính trị gia ủng hộ việc can dự cho rằng, Mỹ quá quen với việc đối phó với các cường quốc hạt nhân, ưa mạo hiểm trong chiến tranh Lạnh. Họ khẳng định, Washington có thể ngăn chặn Joseph Stalin nên có thể làm điều đó với Ayatollah Khamanei và Mahmoud Ahmadinejad…

Nói như vậy là Mỹ có thể cản bước Iran phát triển vũ khí hạt nhân, song ngăn chặn bằng cách nào mới là vấn đề thực sự đáng lưu tâm. Theo National Interest, để ngăn cản Tehran thành công, Washington cần xác định rõ, chính xác là họ đang cố gắng ngăn chặn cái gì?

Thực tế cho thấy, Mỹ có thể ngăn chặn một số hành động của Iran, chứ không phải là tất cả. Nghiên cứu thận trọng mức độ hiệu quả của mối đe dọa của Mỹ đối với Iran có thể hữu ích trong việc đánh giá khả năng ngăn chặn một khi Tehran muốn sở hữu bom hạt nhân.

National Interest cho rằng, Washington có thể thử sức với bốn nỗ lực đe dọa. Trước tiên, Mỹ có thể tìm mọi cách “chọc ngoáy” chương trình hạt nhân của Iran, ví dụ như tạo ra một vụ nổ.

Bất kể là vì lý do gì nhưng một vụ nổ trong quá trình chế tạo vũ khí hạt nhân có thể làm dấy lên mối quan ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế về khả năng kiểm soát kho vũ khí cũng như nhiên liệu hạt nhân của Iran, giống như trường hợp của Pakistan. Cụ thể, nỗ lực phát triển hạt nhân quá nóng vội của Pakistan mang lại hệ quả là quốc gia này giờ bị coi là một cường quốc hạt nhân vô trách nhiệm trong việc bảo quản thứ vũ khí chết người này.

Đến khi đó, Mỹ có thể ra mặt xoáy sâu vào những hệ lụy của chương trình hạt nhân, làm dấy lên những lo ngại trong dư luận quốc tế, dẫn tới một hành động cô lập Iran trên phạm vi toàn cầu.

Kiểu đe dọa gián tiếp đó rất có thể mang lại hiệu quả bởi thực tế cho thấy mặc cho những lời lẽ cứng rắn của Tổng thống Ahmadinejad, nhiều quan chức Iran vẫn hết sức lo ngại về sự xuống cấp trong quan hệ với phương Tây. Thậm chí, một số người còn coi ông Ahmadinejad là ngông cuồng.

Hơn nữa, Tổng thống Ahmadinejad chỉ có tầm ảnh hưởng gián tiếp trước các sách lược ngoại giao và quân sự của Iran. Người trực tiếp hoạch định các chính sách này là lãnh tụ tinh thần Ayatollah Khamanei và nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Iran Saeed Jalili.

Như vậy, chỉ cần những lời đe dọa về khả năng bị cô lập cũng như viễn cảnh phương Tây can thiệp để thay đổi chế độ trong khi chỉ số ít tên lửa của Iran có khả năng hoạt động hiệu quả cũng đủ để khiến lãnh tụ Ayatollah Khamanei và nhà ngoại giao Saeed Jalili quyết định trì hoãn chương trình hạt nhân của mình.

National Interest cho rằng, một vụ nổ tại cơ sở hạt nhân của Iran có thể mang lại hiệu quả rất lớn trong nỗ lực ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí nguyên tử. Ảnh: Ynetnews.

 

Biện pháp thứ 2 mà Mỹ có thể triển khai để chặn đứng tham vọng hạt nhân của Iran là ngăn cản Tehran bí mật cung cấp nhiên liệu và công nghệ hạt nhân cho những lực lượng như Hezbollah, theo đó mở ra một kiểu chủ nghĩa khủng bố hạt nhân.

Trong trường hợp này, hoạt động tình báo chuyên nghiệp là hết sức cần thiết. Nhờ các thông tin tình báo chính xác, Washington có thể lật tẩy những phi vụ vận chuyển nguyên liệu hạt nhân bí mật, làm lãnh đạo Iran “chột dạ” bởi họ không thể xóa hết những ký hiệu riêng của quốc gia Hồi giáo trên các thanh nhiên liệu (đã bị phát giác).

Quan trọng hơn, khi đó, Mỹ có thể "dằn mặt" Iran rằng, Tehran không thể làm bất cứ việc gì qua mặt Washington.

Ngoài ra, Washington có thể tìm cách ngăn cản Tehran sử dụng vũ khí hạt nhân làm lá chắn cho các hành động khiêu khích của mình cũng như chặn đứng nỗ lực ủng hộ các nhóm cực đoan để thực hiện các cuộc tấn công đe dọa lợi ích của Mỹ.

Thực tế cho thấy, dù nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực nhưng quốc gia này vẫn tránh đối đầu trực tiếp với Mỹ. Không chỉ vậy, theo hai nhà phân tích Ray Takeyh và James Lindsay, mặc cho khát vọng trở thành "Chúa cứu tinh", Tehran vẫn có những giới hạn nhất định trong nỗ lực hậu thuẫn các tổ chức khủng bố tại Trung Đông. Cụ thể, Iran không cung cấp cho Hezbollah các vũ khí sinh học và hóa học hay cho các phiến quân tại Iraq những vũ khí cần thiết để bắn hạ trực thăng Mỹ.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích lo ngại, Iran sẽ có những hành động táo bạo hơn một khi tin rằng, vũ khí hạt nhân có thể giúp quốc gia này loại bỏ mọi mối đe dọa trả thù của Mỹ.

Vì vậy, ngăn chặn thái độ đó là hành động cần thiết, song để thành công, Washington cần thúc đẩy sự cân bằng quyền lực trong khu vực. Theo đó, Mỹ nâng cao tiềm lực của các đồng minh trong khu vực, đồng thời duy trì sự hiện diện của quân đội tại đây là cách tốt nhất để làm nhụt chí Iran mà không cần đe dọa trực tiếp.

Thực tế chính quyền Obama đã bắt đầu triển khai biện pháp này từ năm 2009, khi Ngoại trưởng Clinton tuyên bố về một chiếc ô quốc phòng tại Trung Đông. Tuy nhiên, khi đó bà không sử dụng cụm từ “chiếc ô hạt nhân”.

Mới đây chính quyền Mỹ cũng hoàn tất việc thực hiện thỏa thuận vũ khí trị giá 123 tỷ USD kéo dài bốn năm cho Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Kuwait và Oman nhằm tạo điều kiện cho các cường quốc khu vực này trực tiếp ngăn chặn Iran sử dụng hạt nhân làm con bài khuếch trương quyền lực của mình.

Cuối cùng, Mỹ có thể chặn đứng tham vọng sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh của Iran. Nếu các nỗ lực nhằm ngăn chặn một cuộc xung đột vũ trang thất bại, Washington và các cường quốc hạt nhân khác phải tìm mọi cách đánh phủ đầu, ngăn không cho Tehran đưa vũ khí nguyên tử vào cuộc chiến.

Như nhà phân tích Barry Posen nhấn mạnh: “Iran cần được dạy cho một bài học đơn giản rằng, nếu muốn sử dụng vũ khí hạt nhân thì đó là Mỹ, chứ chưa đến lượt Tehran. Và đến khi đó, hậu quả tất yếu sẽ là một sự hủy diệt trên toàn khu vực”.

Rõ ràng, ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân là nhiệm vụ không quá khó khăn. Thực tế Mỹ có khá nhiều lựa chọn để đe dọa trực tiếp và gián tiếp Iran. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của Washington qua các hợp đồng vũ khí, ủng hộ ngoại giao hay tăng cường quân sự, các nước khu vực cũng có thể tạo thế cân bằng quyền lực để chống lại một Iran đang trên con đường trở thành cường quốc hạt nhân.

(Datviet)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Tổng biên tập: Đoàn Út Bảy
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: thblwebsite@gmail.com
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo