Liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam lần thứ I – năm 2012: Bạc Liêu sẽ giới thiệu bản sắc dân gian Khmer Nam bộ
Đã đăng vào 29/05/2012 lúc 9:07Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến ngày khai mạc “Liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam lần thứ I – năm 2012” (gọi tắt là liên hoan) diễn ra tại tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đội Thông tin – Văn nghệ (TTVN) Khmer Bạc Liêu hiện đang hoàn tất các bước chuẩn bị còn lại, sẵn sàng trong tư thế “đem chuông đi đánh xứ người”…
Phút thăng hoa của các nhạc công Đội TTVN Khmer Bạc Liêu trong tiết mục hòa tấu “Âm vang ngày hội”. Ảnh: K.C |
Được tổ chức lần đầu tiên tại TP. Huế, liên hoan là một hoạt động văn hóa – văn nghệ nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam; đồng thời, đây còn là dịp để các nghệ sĩ thuộc các dàn nhạc sân khấu kịch hát truyền thống, các dàn nhạc dân tộc trong cả nước biểu diễn, giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong quá trình bảo tồn, gìn giữ và phát huy những tinh hoa âm nhạc truyền thống của dân tộc…
Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, Đội TTVN Khmer Bạc Liêu đã xây dựng chương trình tham dự với 6 tiết mục đặc sắc xoay quanh chủ đề “Âm vang ngày hội”. Đó là các tiết mục: Nhạc dù kê “phach chê”; Dàn nhạc dây – Lời ru của mẹ; Hòa tấu nhạc cụ dân tộc Khmer – Niềm vui phum sóc; Độc tấu nhạc cụ Khmer Nam bộ; Nhạc cưới của dân tộc Khmer Nam bộ và Hòa tấu nhạc dân tộc Khmer – Âm vang ngày hội. Với các nhạc cụ truyền thống Khmer trong giai điệu dù kê “phach chê” tạo nên âm thanh thôi thúc của đoàn quân lên đường chiến đấu mang theo quyết tâm giành chiến thắng bảo vệ quê hương. Những âm thanh du dương, tha thiết như lời ru của mẹ đưa con vào giấc ngủ với tình yêu đất nước, yêu ruộng đồng, bờ ao, lũy tre, đàn cò… và dạy con tình yêu quê hương, tình mẫu tử qua hai tiết mục nhạc Khmer chính thống đầu tiên. Tiết mục thứ ba ngời lên niềm vui thái bình, lạc quan, trong sáng, cùng chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp. Riêng tiết mục độc tấu nhạc cụ dân tộc Khmer Nam bộ của nghệ nhân Danh Xà Rậm như những lời tự sự về cái hay, cái đẹp trong cuộc sống… Đây là tiết mục được thể hiện bằng những loại nhạc cụ cổ có thể bị mai một, thất truyền vì chưa có thế hệ kế thừa.
Điểm nhấn của toàn chương trình là tiết mục hòa tấu nhạc dân tộc Khmer – Âm vang ngày hội. Những âm sắc đặc thù của các nhạc cụ dân tộc Khmer hòa quyện với nhau tạo nên sự rộn ràng, vui tươi như mời gọi, thúc giục những bước nhảy tưng bừng trong ngày vui lễ hội dân tộc Khmer; vẽ nên một không gian thanh bình, sung túc…
Để có được một chương trình biểu diễn đặc sắc như thế này, toàn đội đã phải tốn không ít thời gian và công sức để khổ luyện. Đầu tiên là khâu sưu tầm những bản nhạc cổ truyền thống, chọn lọc những bài bản phù hợp với chủ đề, rồi tiến hành hòa âm, phối khí và bố trí anh em tập dượt. Theo ông Lý Hùng – Đội trưởng Đội TTVN Khmer Bạc Liêu: “Đến thời điểm này, đã có hơn 20 đội đăng ký tham dự liên hoan, riêng ở Nam bộ chỉ có Đội TTVN Khmer Bạc Liêu tham dự nên vô hình trung đội trở thành đại diện cho Khmer Nam bộ. Đó là vinh dự nhưng cũng là thách thức lớn bởi liên hoan lần này quy tụ nhiều đoàn nghệ thuật tầm cỡ. Tin rằng, với nỗ lực hết mình để giới thiệu bản sắc dân gian Khmer Nam bộ, Đội TTVN Khmer Bạc Liêu sẽ mang vinh quang về cho quê hương”.
Trong đêm phúc khảo, Hội đồng thẩm định đã đánh giá rất cao tính chuyên nghiệp và khả năng diễn xuất của một số nhạc công. Tuy nhiên, để chương trình cuốn hút hơn, đòi hỏi các nhạc công phải thật sự hòa mình vào dòng chảy của cảm xúc và để nó thăng hoa một cách tự nhiên. Theo nhận xét của nhạc sĩ Thế Phương thì: “Chương trình đã thể hiện một cách hài hòa bản sắc dân gian Khmer Nam bộ. Từng âm sắc trỗi lên du dương, réo rắt cuốn lòng người say theo từng nhạc điệu. Mỗi tiết mục là một bức tranh sống động về tình yêu quê hương, đất nước, vẻ đẹp muôn màu của cuộc sống… Nhưng các nhạc công cần phối hợp nhịp nhàng, thả hồn mình theo từng nhạc cụ và kết hợp khả năng diễn xuất… để lôi cuốn người xem, đưa họ lạc vào mê cung của những âm sắc đẹp. Khắc phục được những khiếm khuyết đó, tôi tin rằng chuyến ra quân lần này sẽ mang về nhiều huy chương, giải thưởng lớn…”.
(Baobaclieu)