Hệ thống cống phân ranh mặn ngọt Bạc Liêu – Sóc Trăng: Chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất

Đã đăng vào 12/06/2012 lúc 9:40

Đầu năm 2010, người trồng lúa, nuôi tôm Bạc Liêu rất vui khi nghe tin hệ thống cống phân ranh mặn – ngọt đã được Chính phủ phê duyệt với tổng kinh phí dự toán hơn 664 tỷ đồng, do Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đã gần 4 năm trôi qua, phần lớn công trình này vẫn chưa đưa vào sử dụng. Từ đó, việc tranh chấp mặn – ngọt ở tỉnh vẫn diễn ra gay gắt.

 

Kiểm tra tình hình rò rỉ nước mặn ở cống Vĩnh Phong 16 (huyện Giá Rai). Ảnh: T.Đ

 

 

LÚA – TÔM MỎI MÒN CHỜ CỐNG

Hệ thống công trình phân ranh mặn – ngọt Sóc Trăng – Bạc Liêu giai đoạn 2009 – 2012 được triển khai thực hiện tại Bạc Liêu từ đầu năm 2010. Người trồng lúa, nuôi tôm trong tỉnh hy vọng trút nỗi lo về sự tranh chấp nước mặn, ngọt giữa con tôm – cây lúa có lúc diễn ra rất gay gắt. Sự tranh chấp này căng thẳng đến mức Bạc Liêu phải thành lập Ban điều tiết nước để vận hành, đóng mở hệ thống cống trên toàn tuyến Quốc lộ 1A.

Ở Bạc Liêu, năm nào cũng vậy, hễ vào mùa khô là nắng nóng gay gắt kéo dài, các con kênh trong vùng trồng lúa, nuôi tôm đều cạn nước, kéo theo hệ quả là sự xâm nhập mặn lấn sâu vào nội đồng vùng trồng lúa, vùng ngọt ổn định của tam giác Tha-na-rộn (xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân).

Một khó khăn nữa ở vùng ngọt ổn định của tỉnh là nước từ kênh xáng Quản Lộ – Phụng Hiệp đổ về không nhiều làm cho việc dẫn nước ngọt tích trữ vào kênh nội đồng phục vụ sản xuất lúa đông xuân luôn hết sức khó khăn. Trong khi đó, người nuôi tôm có nhu cầu mở cống để lấy nước mặn vào thay cho nước trong ao nuôi để cứu tôm. Song, nếu mở cống đưa nước mặn vào sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp vùng ngọt ổn định. Thực trạng này đang làm đau đầu các nhà quản lý, Ban điều tiết nước.

Trong lúc khó khăn dồn dập, tranh chấp giữa cây lúa, con tôm căng thẳng hơn bao giờ hết thì việc thi công công trình phân ranh mặn – ngọt lại thực hiện hết sức chậm chạp. Theo dự án, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu sẽ có 56 cống đập xà lan và được bố trí tập trung tại các huyện Hồng Dân, Giá Rai và Phước Long.

Không ít nông dân cho rằng, nếu như công trình được thi công sớm thì dù chưa chấm dứt nhưng cũng hạn chế mức độ tranh chấp gay gắt giữa mặn và ngọt kéo dài. Hàng chục năm nay, cứ vào tháng 11 – 12 hàng năm, các địa phương ở Bạc Liêu làm lúa đông xuân đều phải ra quân làm thủy lợi, đắp hàng trăm con đập thời vụ rất tốn kém. Chỉ tính ở huyện Hồng Dân, mỗi năm phải tốn hơn 10 tỷ đồng đắp đập, nhưng chỉ sử dụng hơn 3 tháng lại phải huy động lực lượng phá đập khi mùa mưa đến.

Việc hoàn thiện hệ thống cống phân ranh mặn – ngọt có ý nghĩa lớn đến quá trình sản xuất lúa – tôm cho hai tỉnh Bạc Liêu – Sóc Trăng thì ai cũng hiểu. Bạc Liêu sẽ không còn cảnh phải canh nước mặn và giữ nước ngọt. Nông dân Bạc Liêu hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình này. Dự kiến sau 18 tháng hoàn thành toàn bộ hệ thống cống đã được phê duyệt, song, với tiến độ hiện nay, liệu cống phân ranh mặn – ngọt có hoàn thành theo đúng kế hoạch?

CÓ CỐNG NHƯNG VẪN CHƯA YÊN TÂM?!

Theo ý kiến phản ánh của người dân và chính quyền xã Phong Tân (huyện Giá Rai) về chuyện có cống nhưng vẫn không an toàn cho sản xuất lúa, chúng tôi đã đến tận nơi tìm hiểu sự thật. Trên địa bàn xã Phong Tân có 9 cống nằm trong dự án phân ranh mặn – ngọt (đã nhận bàn giao 8 cống) thì phần lớn số cống đều bị nước mặn rò rỉ với khối lượng lớn.

Tại cống Vĩnh Phong 16, Vĩnh Phong 14 và cống Cây Dương (huyện Giá Rai), phía trước cửa cống nước chảy qua cửa tạo nên dòng xoáy. Ông Liên An Lộc, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Giá Rai, cho rằng: “Đây là hiện tượng rò rỉ không phải bình thường. Kết quả đo độ mặn thực tế cho thấy, độ mặn có sự pha trộn rất lớn với lượng nước ngọt nằm phía bên trong các kênh giữ ngọt. Chúng tôi kiến nghị đơn vị thi công nhanh chóng khắc phục để bảo vệ vùng lúa của xã Phong Tân”. Ngoài ra, một nhược điểm khác tồn tại ngay ở các cống vừa được bàn giao là đường kéo ghe, xuồng qua đập xà lan quá thấp, dẫn đến nước mặn tràn vào vùng ngọt mỗi khi đến chu kỳ con nước rong ở ngoài sông lớn. Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Quản lý – Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, khẳng định: “Nước mặn rò rỉ qua cống vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Nếu cống nào có lượng nước mặn rò rỉ nhiều thì cứ 4 – 5 ngày xả cống một lần. Còn nếu cống ít rò rỉ thì 7 – 8 ngày sẽ cho xả lượng nước mặn ra”. Ông Minh cũng cho rằng, việc nhiễm nước mặn vào vùng trồng lúa là do người dân nuôi tôm đặt nhiều cống bọng ngang đường để lấy nước ra vào. Nhưng trên thực tế thì UBND xã đã đề nghị người dân đóng lại bọng nước từ nhiều tháng nay.

Hiện tại, người trồng lúa ở xã Phong Tân đang chờ câu trả lời của các ngành chức năng.

 


Năm nào cũng vậy, Bạc Liêu chủ động triển khai đắp 48 đập thời vụ. Ban quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 (gọi tắt là Ban quản lý thủy lợi 10) đang thi công 9 công trình đập phân ranh mặn – ngọt. Tuy nhiên, Bạc Liêu đang cần Ban quản lý thủy lợi 10 giúp duy tu, sửa chữa nhanh các cửa cống ngăn mặn của 22 công trình lớn đã xuống cấp trầm trọng. Điển hình như cống Hộ Phòng, cống Cầu Sập, cống Giá Rai, cống Láng Trâm… Do hoạt động từ năm 1998 đến nay nên nhiều cánh cửa của các cống này đã bị gỉ sét, nước mặn rò rỉ vào với khối lượng rất lớn. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới sửa xong 1 cống. Số cống còn lại có thể xảy ra sự cố bất cứ lúc nào.

Khi hệ thống phân ranh mặn – ngọt hoàn thành, Sở NN&PTNT kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm thành lập Ban điều tiết nước ngọt liên tỉnh để vận hành hệ thống nước giữa các tỉnh, nhằm cùng nhau giải quyết các mâu thuẫn cũng như lợi ích giữa các tỉnh. Bộ cũng cần xem xét đầu tư xây dựng công trình kênh dẫn nước ngọt từ Sóc Trăng về Bạc Liêu để phục vụ sản xuất lúa vụ 3. Đồng thời xây dựng mạng quan trắc nước để địa phương hiện đại hóa trong công tác quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, tránh tốn kém về sức người, tiền của nhưng hiệu quả mang lại không cao như thời gian qua.

T.Đ

 

(Baobaclieu)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Cao Xuân Thu Ngọc 
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo