Liên minh châu Âu (EU) ngày 19/1 tuyên bố áp đặt trừng phạt với Ngân hàng Trung ương Iran, phong tỏa các tài sản có thể cung cấp tài chính cho chương trình hạt nhân của Tehran, nhưng chưa đạt được đồng thuận về cấm vận dầu mỏ đối với nước này.
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo phản đối đóng cửa eo biển Hormuz.
Các lệnh trừng phạt mới này của EU là một phần trong nỗ lực phối hợp với Mỹ nhằm gây sức ép với Iran ngừng các hoạt động hạt nhân gây tranh cãi.
Theo các nguồn tin ngoại giao của EU, các biện pháp trừng phạt mới này sẽ được các ngoại trưởng EU chính thức thông qua vào ngày 23/1 tới.
Trong khi đó, Mỹ tuyên bố đang tiến hành tham vấn với Nga về lệnh trừng phạt dầu mỏ Iran.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại Mỹ Victoria Nuland, Mỹ đang chuẩn bị áp dụng lệnh trừng phạt mới chống Iran và tham vấn với Nga về lệnh trừng phạt dầu mỏ nước này. Theo bà, Mỹ "quan ngại rằng tiền thu từ xuất khẩu dầu mỏ được Iran dùng vào việc thực hiện chương trình hạt nhân".
Nhưng Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phản đối việc trừng phạt gắt gao đối với Iran, ông nói là vẫn còn khả năng đối thoại. Ngoại trưởng Lavrov cảnh báo, tấn công quân sự đối với Iran sẽ làm tăng thêm xung đột về giáo phái và khiến cho làn sóng người tỵ nạn tăng lên. Ông nói, điều này sẽ bắt đầu tạo ra phản ứng dây chuyền và không biết làm thế nào để chấm dứt.
Còn Trung Quốc, nước luôn phản đối lệnh cấm vận với Tehran, hôm qua tuyên bố phản đối việc đóng eo biển Hormuz. “Eo biển Hormuz cần được mở để lưu thông, Trung Quốc phản đối bất kỳ hoạt động cực đoan trong quan hệ đối với khu vực chiến lược này” – Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nói trong cuộc họp báo tại Doha, Qatar.
Ông Ôn Gia Bảo cũng nhắc lại quan điểm của Trung Quốc về vấn đề hạt nhân của Iran khi nói rằng vấn đề cần được giải quyết bằng con đường thương lượng hòa bình.
Nhật Bản thì yêu cầu được miễn trừ thực hiện lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Ngày 19/1, hai nước đã khép lại cuộc họp kéo dài 2 ngày. Trước đó, Nhật Bản hy vọng tìm được cách tránh các hình phạt của Mỹ bằng cách giảm nhập khẩu dầu từ Iran. Tuy nhiên, cuộc thảo luận đã không đi tới một kết luận nào.
Nhật Bản nhập khẩu khoảng 10% nhu cầu dầu thô từ Iran.
(Dantri)