Đoàn tàu không số qua tài liệu chính quyền Sài Gòn
Đã đăng vào 23/10/2011 lúc 17:09
Tàu vận tải Đoàn 125 cải trang thành tàu đánh cá, trên đường vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam, tháng 4.1966 – Ảnh tư liệu |
Thanh Niên số ra ngày 15 – 22.9.2011 đã đăng loạt bài Huyền thoại đường trên biển của tác giả Ngô Minh, giúp bạn đọc nắm được phần nào tầm vóc của con đường vận tải chiến lược này. Không chỉ có ghi chép, tài liệu từ người trong cuộc, còn có những hồ sơ về đoàn tàu không số thuộc Phủ Tổng thống (đệ nhất, đệ nhị) và Phủ Thủ tướng của Việt Nam Cộng hòa (VNCH) tại Trung tâm lưu trữ quốc gia II. Đây là những tài liệu hầu như chưa được công bố, khai thác trong thời gian qua.
Tác giả của những văn bản mật này chủ yếu là các cơ quan đầu não của chính quyền VNCH đặc trách về an ninh quốc gia. Thông tin về con đường vận chuyển trên biển hiện diện trong báo cáo của bộ phận tham mưu thuộc hải quân, không quân cùng chính quyền các địa phương ven biển được thống kê, cập nhật từng ngày kèm theo bản đồ phát hiện xâm nhập.
Lo ngại
Theo tài liệu của chính quyền VNCH, các cấp chính quyền, quân đội, tình báo VNCH đã phát hiện đường Hồ Chí Minh trên biển từ cuối năm 1960, thể hiện qua 4 văn bản: Huấn thị tư mật số 000493/TTM/NCKH/1/M, ngày 24.12.1960 của Tổng tham mưu trưởng, Bộ Quốc phòng, thiết lập một kế hoạch chống xâm nhập của V.C bằng đường biển; Lệnh chiến dịch số 14149/TTM/KQ/I/TM, 28.12.1960 của Bộ Tư lệnh khối hành quân; Biên bản phiên họp tại Phủ Tổng thống ngày thứ 6, 8.9.1961 để “Thảo luận về kế hoạch đối phó với âm mưu vượt tuyến bằng đường biển của V.C”; Tin tức xâm nhập đường biển với mục tiêu đầu tiên phát hiện vào ngày 25.10.1961.
Như vậy, sự hình thành con đường vận tải quân sự trên biển của ta đã bị phát hiện từ những ngày đầu dò dẫm tìm đường trước khi thành lập chính thức. Điều này chứng tỏ sự lo lắng và cảnh giác cao độ của chính quyền, quân đội VNCH trước nguy cơ con đường này sẽ có tác động lớn vào cục diện chiến trường ở miền Nam.
Về cơ bản, hải trình của đoàn tàu không số được xác định qua khối tài liệu này như sau: “Lợi dụng mùa gió, thả thuyền ra khơi xa đoạn đổi hướng chạy xuống phía Nam tạt vào lãnh thổ ta trên các địa điểm đã lựa chọn sẵn”; “Hải trình từ Bắc và Nam như sau: a) Thuyền đến Hòn Gió (Hà Tĩnh) hay gần Hòn Cỏ (Quảng Bình) mới đổi hướng ra hải phận quốc tế… Hành trình dưới dạng thuyền buôn của miền Nam chạy cách bờ từ 30 đến 100 cây số ban ngày và 10 cây số ban đêm… Các thuyền xâm nhập thường cập bến vào buổi chiều và đổ bộ ngay đêm thuyền đến địa điểm”.
Huấn thị tư mật ngày 24.12.1960 của Tổng tham mưu Bộ Quốc phòng VNCH ghi rõ “cần thiết lập một tuyến ngăn chặn để chặn bắt tất cả thuyền bè V.C xâm nhập từ Bắc vĩ tuyến. Tuyến này được thiết lập trên trục Tourane – lle Pattle dài 110 hải lý và rộng 23 hải lý… Đồng thời thiết lập một khu vực không thám ngay phía Nam của tuyến ngăn chặn để bổ túc cho tàu tuần tiễu”. Các năm sau đó, kế hoạch kiểu này càng lập nhiều hơn, nội dung chặt chẽ hơn để đối phó với mức độ hoạt động của đoàn tàu không số. Đến năm 1965, phiếu trình của Võ phòng (Phủ Thủ tướng) đề nghị “phong tỏa bờ biển cần thi hành cả ba mặt đường bộ, đường biển và đường hàng không… song song với việc khóa chặt hành lang giao liên Bắc-Nam”. Trong Lệnh chiến dịch 14149/TTM/KQ/HQ/I/TM, việc tổ chức kiểm soát thuyền bè bắt đầu từ 31.12.1960 dưới sự chỉ huy tập trung của Trung tâm hành quân không trợ I.
Các tài liệu trên cho thấy, 1 năm trước khi đường Hồ Chí Minh trên biển được chính thức thành lập, đối phương đã vạch ra kế hoạch tác chiến và tổ chức thực hiện chi tiết. Cần nhấn mạnh, lúc này con đường trên biển vẫn chưa chính thức ra đời. Sau này, khi được viện trợ quân sự với những trang thiết bị hải quân và không quân hiện đại, dồi dào hơn cùng hoạt động thường trực trên biển Đông của Hạm đội 7 Mỹ, cuộc chiến ngăn trở, tiêu diệt đoàn tàu không số trở nên khốc liệt hơn gấp nhiều lần.
Thay đổi cục diện chiến trường
Về cơ bản, nội dung khối tài liệu nói trên phản ánh khá sát về những hoạt động của đoàn tàu không số. Từ thời điểm hình thành đến phương thức hoạt động, tuyến hành trình… hiện diện khá đầy đủ, đúng thời gian, địa điểm so với những gì đã công bố từ tài liệu chính thống. Song, trong số những dữ liệu đó cũng có những chi tiết không xác đáng, có tính võ đoán hay thổi phồng sự kiện. Ví dụ như trong một bản tin của Phòng nhì, Bộ Tổng tham mưu xác định nguồn gốc, xuất xứ của những con tàu xâm nhập: “thương thuyền Nga”, “tàu ngầm Tiệp Khắc” (ngày 15.3.1963 xâm nhập bờ biển Quảng Ngãi, Bình Định), “tàu lặn Trung cộng” (ngày 2.9.1963 xâm nhập bờ biển An Xuyên); có tính chất võ đoán vì ngay trong cột giá trị nguồn tin của bảng thống kê này để trống. Điều đáng nói là: văn bản này rất quan trọng dùng để cung cấp thông tin tình báo cho công tác tham mưu tác chiến do Phòng nhì (phòng thực thi công tác tình báo quân đội) trong cơ quan tham mưu cao nhất của quân lực VNCH thực hiện. Như vậy, hậu quả của loại thông tin này cũng là một phần quyết định kết quả của cuộc chiến như đã diễn ra trong lịch sử.
Trong suốt thời gian hoạt động, đường Hồ Chí Minh trên biển có những tác động quan trọng đến chiến cuộc tại miền Nam lúc bấy giờ. Toàn bộ hệ thống chính quyền, quân đội (tất cả binh chủng) cùng nhiều khí tài quân sự của quân đội VNCH và Mỹ đều được huy động để phát hiện, lập và tổ chức kế hoạch đánh phá con đường. Đoàn tàu không số đã vận chuyển khí tài nhanh chóng từ hậu phương miền Bắc vào tận chót mũi Cà Mau. Những chuyến hàng từ miền Bắc giúp lực lượng cách mạng tăng sức mạnh quân sự, làm nên những chiến thắng Ấp Bắc, Bình Giã… Điều này đã được thừa nhận qua một số tài liệu của VNCH do các cơ quan của ta thu thập được trong kháng chiến chống Mỹ, hiện đang lưu trữ tại Thông tấn xã Việt Nam và Cục Lưu trữ Văn phòng trung ương Đảng: “…thời điểm lực lượng Việt cộng tấn công quyết liệt, chúng ta chỉ có thể ngăn chặn và đánh trả ở một số nơi nhất định”; “Vũ khí của Việt cộng vượt ra ngoài tất cả các ước tính của chúng ta. Việt cộng đã dùng cối 81, đại liên 12,7 mm, ĐKZ75… là những thứ mà quân đội VNCH chưa có. Đạn của họ rất dồi dào, điều mà trước đây chúng chưa bao giờ làm được”.
Nếu so với đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ, khối lượng hàng hóa, quân trang quân dụng mà những con tàu không số đã vận chuyển trong suốt 14 năm chắc chỉ là một phần rất nhỏ. Tuy nhiên, xét về thời gian vận tải (theo từng chuyến), điểm đến (từ vĩ tuyến 17 đến chót mũi Cà Mau) thì những thủy thủ của hải trình huyền thoại năm xưa thật sự đã lập nên một kỳ tích.
“Vượt xa hải quân VNCH 20 năm” Ngoài hồ sơ từ các cơ quan đầu não, một nguồn tài liệu khác của VNCH được các cơ quan chức năng của ta thu giữ ngay trong thời gian chiến tranh. Những tài liệu này đánh giá rất cao về con đường vận tải trên biển: “Cộng sản Bắc Việt có những đội thuyền viên lão luyện, vượt xa hải quân VNCH 20 năm. Họ có thể điều khiển tàu đi trong bất luận thời tiết nào, địa hình nào”. Còn trong bài nghiên cứu Một số quan điểm chiến lược để bảo vệ duyên hải VNCH đăng trên tập san của hải quân VNCH, nguyên Phó đô đốc Hải quân VNCH Nguyễn Hữu Chí thừa nhận: “… Trên thực tế, đối phương sử dụng biển khơi một cách thành thạo, mà việc di hành vào điểm đến càng tỏ ra đặc sắc hơn, làm kinh ngạc không ít chuyên viên đi biển… Trên phương diện quân sự, Bắc Việt đã biết khai thác biển khơi một cách thực tiễn hơn ta”. |
( Thanhnien)