Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Những thành tựu đáng phấn khởi

Đã đăng vào 14/02/2012 lúc 9:05

Sau 2 năm thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), bước đầu Bạc Liêu đã đạt được những kết quả phấn khởi và tạo nên những tiền đề quan trọng cho công tác đào tạo nghề. Năm 2012, Bạc Liêu sẽ tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và hứa hẹn đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Tích cực đào tạo nghề

Để thực hiện đề án đào tạo nghề cho LĐNT mang lại hiệu quả, từ năm 2010, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2177 về việc phê duyệt danh mục đào tạo nghề cho LĐNT và chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương phải kết hợp chặt chẽ để thực hiện đề án. Bên cạnh đó, tăng cường công tác vận động, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tế của từng địa phương. Từ đó, tạo điều kiện cho nhiều đối tượng là hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ người dân tộc Khmer tham gia học nghề lập thân, lập nghiệp.

 

 

Nuôi tôm càng xanh và trồng màu – 2 nghề được tập trung chuyển giao cho nông dân trong năm 2012 từ đề án đào tạo nghề cho LĐNT. Ảnh: L.D

Qua 2 năm thực hiện đề án, Bạc Liêu đã mở hơn 240 lớp dạy nghề, thu hút khoảng 7.350 học viên. Trong đó, cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học cho 7.200 lao động. Đáng phấn khởi, những lao động qua đào tạo dễ kiếm việc làm và có thu nhập ổn định, với mức lương bình quân tại các doanh nghiệp trong tỉnh từ 1,8 – 2,5 triệu đồng/tháng và tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh từ 2 – 3,5 triệu đồng/tháng.

 

Cùng với công tác đào tạo nghề, địa phương còn phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giải quyết việc làm cho học viên sau khi ra trường. Đồng thời liên kết với các Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công, Liên minh HTX tỉnh, các trường đào tạo nghề ngoài tỉnh để đa dạng hóa ngành nghề theo nhu cầu của người học.

Để nâng cao hiệu quả của công tác đào tạo nghề cho LĐNT, Bạc Liêu kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương cần tạo cơ chế cho lao động qua đào tạo được vay vốn phát triển ngành nghề. Vì nhiều lao động hiện nay chưa tiếp cận được nguồn vốn này. Cũng như kiến nghị tăng cường thêm nguồn nhân lực cho công tác đào tạo nghề ở tuyến cơ sở và tăng thêm nguồn kinh phí cho công tác tuyên truyền. Đồng thời, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường, trung tâm đào tạo nghề như: Trung tâm Dạy nghề huyện Vĩnh Lợi, Trung tâm Dạy nghề huyện Hòa Bình…

Đào tạo nghề gắn với thế mạnh

Kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT trong năm 2012 và những năm tiếp theo, Bạc Liêu sẽ tăng cường đầu tư, phát triển các ngành nghề đào tạo từ sản xuất nông nghiệp. Việc làm này vừa góp phần khơi dậy các tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, vừa giúp nông dân giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định ngay trên chính mảnh đất của mình. Theo đó, nhiều nghề mới đã được bổ sung vào danh mục nghề trong năm nay như: nghề chọn và nhân giống, kỹ thuật nuôi tôm càng xanh, nuôi cá… Đồng thời, dựa vào điều kiện địa lý, thổ nhưỡng của từng vùng sản xuất để mở các lớp đào tạo gắn với ngành nghề thế mạnh như: nghề nhân lúa giống, nuôi cá nước ngọt, chăn nuôi gà, đan đát, trồng màu (cho vùng Bắc Quốc lộ 1A) và các nghề nuôi cá nước mặn, kỹ thuật ương tôm lứa, nuôi tôm sú, chế biến thủy sản (cho vùng Nam Quốc lộ 1A)…

Có thể nói, qua 2 năm thực hiện đề án đào tạo nghề cho LĐNT, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cũng tồn tại nhiều bất cập và nảy sinh hàng loạt vấn đề khó khăn. Đó là một số ngành, địa phương chưa quan tâm đến công tác đào tạo nghề, còn đào tạo theo kế hoạch, phong trào; chưa chú trọng đến chất lượng, hiệu quả và cả ý nghĩa quan trọng của công tác này. Vì vậy, vẫn còn lao động qua đào tạo chưa có việc làm hay có việc làm nhưng không ổn định; hoặc học nghề chỉ để cho có, chứ chưa xác định rõ mục tiêu học nghề để tự phát triển, còn tồn tại ý thức trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước…

Đào tạo nghề cho LĐNT là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện thắng lợi Nghị quyết “tam nông”. Việc thực hiện thành công đề án này chắc chắn sẽ tạo nên động lực và nền tảng vững chắc cho Bạc Liêu xây dựng thành công mục tiêu nông nghiệp – nông thôn theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

 

(Baobaclieu)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Cao Xuân Thu Ngọc 
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo