CÔNG TỬ BẠC LIÊU – SỰ THẬT VÀ GIAI THOẠI (kỳ 7)

Đã đăng vào 02/11/2011 lúc 9:31

Và Trần Trinh Trạch trở thành “ngư ông đắc lợi”. Điền đất của ông ta vốn bị ngập úng và phèn lâu đời, sau khi có hệ thống kinh mương này, phèn úng được tiêu thoát ra biển Đông, năng lực đất đai được giải phòng chưa từng có, lúa trở nên trúng mùa. Hệ thống kinh mương cũng làm cho giao thông được thuận tiện, người ở miệt Hậu Giang về đây khẩn hoang nhiều thêm và đất điền của ông Trạch được bổ sung nguồn nhân lực dồi dào hơn. Giá trị đất đai cũng được nâng lên nhiều lần. Lúc này, người Pháp đã mở thương cảng Sài Gòn, do giao thông được thông thương nên lúa của Bạc Liêu đã tham gia xuất khẩu với giá cả đủ sức cạnh tranh ở Hương Cảng, Thái Lan… Bạc Liêu trở thành tỉnh xuất khẩu lúa gạo đứng thứ nhì Nam phần. Năm 1921, Bạc Liêu bán ra khỏi tỉnh là 2.733.333 tạ lúa, 28 năm trước, con số này chỉ là 316.000 tạ (tăng 800%). Diện tích khai hoang ở Bạc Liêu cũng đứng thứ nhì Nam kỳ. Con số chung về sự gia tăng diện tích của hai tỉnh Bạc Liêu và Rạch Giá (nơi có đất điền của ông Trạch) là: năm 1900 chỉ có 136.000 mẫu, nhưng 30 năm sau (1930) tăng lên 600.000 mẫu, đứng nhất Nam phần.

Mấy con số chung ấy đã chứng minh một cách sinh động rằng người có nhiều điền đất như ông Trạch thì càng gặp thời cơ lớn và vì thế ông Trạch giàu “nứt đố đổ vách” là chuyện tất yếu. Ông Trạch đã biết phát huy tối đa tiền của và thế lực hiện có của mình để mở rộng làm ăn. Một mặt, ông Trạch đã phát triển số lượng ghe chài để chở lúa gạo của mình và thu mua thêm mang về Sài Gòn bán. Một mặt, ông đã cất nhà máy xay xát lúa gạo lớn nhất miệt Hậu Giang với tên gọi là nhà máy Hậu Giang. Chính cái tên “nhà máy lửa” ấy đã phản ánh ý đồ của ông Trạch là muốn chế biến lúa gạo cho cả vùng Hậu Giang.

Nhà máy Hậu Giang tọa lạc tại thị xã Bạc Liêu. Sau giải phóng năm 1975, Ủy ban Quân quản tiếp quản nhà máy rồi giao cho Công an thị xã làm Trại cải tạo và bây giờ thì nó không còn mảy may dấu vết. Nhà máy Hậu Giang có công suất 15 tấn một ngày, bánh trớn của nó nặng đến 10 tấn, ống khói thì vươn cao lên trời xanh, đứng xa 7 – 8km cũng nhìn thấy. Khi cất nhà máy này, Trần Trinh Trạch đã giao cho con trai lớn của mình là Trần Trinh Đinh hay còn gọi là Hai Đinh hoặc Hội đồng Hai cai quản.

Hai Đinh cũng là một nhân vật trong nhóm Công tử Bạc Liêu khét tiếng ăn chơi. Giai thoại kể rằng, có lần ngồi trên một chiếc xe do một người Khmer lái (ông này là tài xế của ông Hoàng Xi-ha-núc của Campuchia), thấy vợ tài xế quá đẹp, tâm thần mê mẫn, Hai Đinh đặt vấn đề thẳng:

– Mầy bán vợ mầy cho tao, bao nhiêu cũng được.

Tài xế nghe nổi nóng và nói cho bỏ ghét:

– Tôi bán 20.000 đồng, ông có tiền mua không?

Tưởng nói cho đã giận, ai dè Hai Đinh mua thật. Lúa hồi đó chỉ có 1,2 đồng một giạ. Vợ người tài xế đã ở với Hai Đinh đến cuối đời. Từ đó, Hai Đinh có thói quen vận xà rông…

Trần Trinh Trạch đã chú ý khai thác những lợi thế của Bạc Liêu. Như đã nói trên, tất cả những sở muối của Phan Hộ Biết (cha vợ ông Trạch) bằng thủ thuật cho vay và mua lại, lần lần chuyển về tay Trần Trinh Trạch. Ruộng muối của Bạc Liêu từ Gành Hào về Vĩnh Châu là 13 lô thì Hội đồng Trạch chiếm hữu hết 11 lô, còn lại một lô của cha Sở và một lô của dân thường, Trần Trinh Trạch lại gặp thời cơ lớn. Người Huê kiều sang Biển Hồ (Campuchia) hoặc đến Cà Mau, Bạc Liêu để phát huy nghề truyền thống của mình là làm cá khô xuất qua Hồng Kông, Philippines, Nhật… Lúc đó, mặt hàng này xuất khẩu rất mạnh. Thời đó, chưa có công nghệ nước đá, việc ướp cá tất tần tật đều phải nhờ đến muối. Thế nên đến mùa muối, ghe thương hồ tấp nập dưới bến Bạc Liêu để ăn hàng rồi chở về Campuchia hoặc lên Sài Gòn. Ngay tại Bạc Liêu, Cà Mau đây thôi, nhu cầu muối cũng đã rất cao vì Bạc Liêu, Cà Mau là tỉnh nổi tiếng nhiều cá, muối để làm mắm, để muối ba khía… Thế nên giá muối rất cao. Có lúc 1 giạ muối mua được 5 giạ lúa, và vì thế ông Trạch càng “vô mánh”.

Ngoài những nghề trên, ông Trạch còn mua đất cất phố lầu để cho thuê. Cho đến bây giờ, hậu duệ của dòng họ Trần cũng không nhớ nổi tại chợ Bạc Liêu, ông Trạch có bao nhiêu căn phố lầu. Họ chỉ đoán rằng, hầu hết các dãy phố cất trước năm 1930 ở thị xã Bạc Liêu đều là của Trần Trinh Trạch.

(Baobaclieu)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Tổng biên tập: Đoàn Út Bảy
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: thblwebsite@gmail.com
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo