CÔNG TỬ BẠC LIÊU – SỰ THẬT VÀ GIAI THOẠI (kỳ 6)

Đã đăng vào 01/11/2011 lúc 10:18

Đời sống của nhân dân trong điền ông Hội thật là cơ cực. Đó là những xóm làng thưa thớt, đìu hiu. Nhà là những mái lá nhỏ xíu, chỉ cần co chân đạp một cái là đổ lăn kềnh. Chính vì vậy mà người đương thời gọi là “nhà đá nhà đạp”. Xung quanh nhà không có một cây ăn trái lâu năm. Nông dân làm ruộng chỉ đủ ăn qua cái Tết, đến mùa giáp hạt phải đi vay hỏi chủ đất và nợ nần lại quấn lấy đời họ thành một vòng lẩn quẩn nghèo khó ắp lẫm. Có gia đình phải đem con ở đợ cho chủ đất 5 – 10 năm trời mà không trừ hết nợ. Bao nỗi nhục nhằn đổ xuống đầu những tá điền có vợ đẹp, con xinh vì bọn tằng khạo, chủ đất làm nhục. Họ nghèo đến cỡ không có mùng ngủ.

Nhà văn Sơn Nam đã mô tả cảnh ăn ngủ của tá điền trong các điền ông Hội như sau: “Dân nhổ bàng trên bưng ngủ bằng cách ngâm mình dưới nước, chỉ ló lỗ mũi lên nên gọi là ngủ “mùng nước”. Có người lại chống xuồng thật nhanh bỏ bầy muỗi lại sau lưng rồi tranh thủ chợp mắt một tí, sau đó muỗi vây đến thì họ lại tiếp tục chống thật nhanh… Giới tá điền gọi là ngủ “mùng gió”. Có người lại chui vào đống rơm mà ngủ và gọi là ngủ “mùng rơm”. Lại có người đan đệm làm mùng ngủ và thế là “chiếc nóp” ra đời. Thời kỳ khó khăn nhất, tá điền phải mặc quần bô áo bố. Đó là loại bao bố tời, trước dùng để đựng lúa, nay không có vải nên phải cắt ra làm quần áo mặc. Thậm chí, có người còn dùng đệm bàng may quần ngắn đi làm đồng như thời nguyên thủy. Loại “quần áo” này rất lâu khô, đã ẩm ướt thì sinh chí, rận. Chí, rận đến cỡ bắt không nổi phải dùng ve chai lăn nghe rôm rốp. Và sau đó thì dịch bệnh ghẻ lở hoành hành. Nhiều cô gái phải cạo bỏ mái tóc xanh vì chí, rận, ghẻ lở cùng đầu. Nhiều gia đình chỉ còn một cái quần, vợ chồng luân phiên nhau mặc khi đi đám hoặc khi khách đến nhà, số còn lại phải ở trong buồng nói chuyện vọng ra. Đàn ông đi xóm bằng cách lội xuống kinh rạch, lấy nước làm “quần áo”, đến nhà hàng xóm cũng “định vị tại nước” nói chuyện vọng lên rồi về ”…

Đời sống của tá điền thì như thế, còn ông Hội đồng Trạch thì càng ngày càng đại phát vì thời thế lúc bấy giờ luôn tạo cơ hội cho những người nhiều ruộng đất. Toàn quyền Đông Dương vốn là một tay cực kỳ chiến lược, vì thế mà sau thời kỳ “kinh bang tế thế” ở Việt Nam, ông ta về Pháp và đã được bầu làm Tổng thống. Ông ta đã nhanh chóng nhận ra đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của Việt Nam và ông ta đã đề ra kế hoạch khai thác nó bằng con đường thủy lợi. Riêng ở Bạc Liêu, Tham biện Chủ tỉnh là Lamothe nhận xét bằng một báo cáo tổng quát vào năm 1822: “Trong hiện tại, Bạc Liêu chưa ra gì, nhưng trong tương lai sẽ nhanh chóng trở nên một thành phố lớn nhất của Nam kỳ, sau Sài Gòn. Chỉ cần đào một con kinh nối liền Bạc Liêu xuống Cà Mau và cất một cây cầu nối liền hai bên bờ rạch…”. Xuất phát từ ý đồ, kế hoạch trên mà công cuộc thủy lợi, giao thông ở Bạc Liêu được đẩy mạnh vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Nhà nước thực dân đã bắt dân bản xứ và cho tư bản Pháp đưa xáng vào đào kinh. Thuở ấy, xáng chạy bằng hơi nước, nhiên liệu là củi tràm, đước. Chúng chạy đến đâu là tiếng rít ầm áo ghê rợn vang xa 2 – 3km. Dân ta còn mông muội nên rất sợ mà đồn rằng xáng la đòi ăn thịt con nít. Trên nóc xáng là mấy thằng Tây chỉ trỏ, hò hét, chỉ huy hơn 100 trai đinh bản xứ chở củi đến đốt lò cho máy chạy. Đám hương chức hội tề thì dọn luồng phía trước và đòi ăn hối lộ, bằng không sẽ cho xáng múc tanh bành nhà cửa. Dân ở làng Hòa Bình, Vĩnh Mỹ kéo nhau lên Tòa bố kiện, đòi không đi làm công xâu đào kinh đắp lộ Bạc Liêu – Cà Mau, vì quan Phủ bắt làm quá thời gian quy định của Nhà nước (quy định mỗi năm là 2 ngày công xâu, họ bắt làm đến 2 tháng). Năm 1897, làm xong lộ Bạc Liêu đi Sóc Trăng, nghĩa là nối liền Bạc Liêu với Sài Gòn. Năm 1915, hoàn thành tuyến lộ và con kinh xương sống của Bạc Liêu – Cà Mau, dài 66km. Cũng trong năm này, đào xong con kinh xương sống của bán đảo Cà Mau là kinh Quản Lộ – Phụng Hiệp, dài 140km. Năm 1920, đào xong kinh Hộ Phòng – Quản Lộ, dài 14km. Năm 1925, đào xong kinh Ngan Dừa – Bạc Liêu, dài 28km. Cũng trong năm này, đào xong kinh Lộ Bẻ – Gành Hào, dài 18km…

(Baobaclieu)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Tổng Biên tập: Cao Xuân Thu Ngọc 
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo