CÔNG TỬ BẠC LIÊU – SỰ THẬT VÀ GIAI THOẠI (kỳ 4)

Đã đăng vào 29/10/2011 lúc 16:47

Lúc này, có một địa chủ giàu khét tiếng ở Bạc Liêu tên là Phan Hộ Biết, tục danh là Bá hộ Bì, thường đến Tòa bố Bạc Liêu để nộp thuế và làm các thủ tục sở hữu đất đai đã ngắm nghía và đánh tiếng gả con gái cho Trần Trinh Trạch. Ông này giàu đến cỡ mà sách “Lịch sử khẩn hoang miền Nam” của nhà văn Sơn Nam ghi: “Năm 1894, ông Phan Hộ Biết đâm đơn xin lập làng mới tên gọi là Vĩnh Hưng (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi ngày nay). Dân do ông ta quy tụ về và chịu trách nhiệm đóng thuế thân cho họ. Bá hộ Bì đã bỏ tiền ra xây cất nhà việc (công sở làng) trị giá 200 đồng …”. “Thế nhưng, một người giàu có tiếng khác đã nhảy vào tranh giành khai thác vùng này với ông ta, tên gọi là Bành Trấn. Bành Trấn hứa với chính quyền thực dân rằng, ông ta chịu đóng thuế cho 300 người và 1.500 mẫu đất nếu Toàn quyền Đông Dương cho ông ta sở hữu 1.000 mẫu”. Cuối cùng, Toàn quyền Đông Dương đã chấp nhận đơn của Bành Trấn.

Phải chăng, chính vì lý do này mà Bá hộ Bì đã chọn một thư ký phụ trách điền địa của Tòa bố làm con rể để hậu thuẫn trong việc làm ăn của ông ta (?). Phan Hộ Biết đã gả con gái của mình là Phan Thị Muồi (sinh năm 1873, chết ngày 28/1/1947) cho Trần Trinh Trạch.

Bá hộ Bì là một người rất giỏi làm ăn, ngoài việc là đại điền chủ, ông còn được mệnh danh là “vua” lúa gạo Nam kỳ thời bấy giờ. Khi Pháp mở thương cảng Sài Gòn, Bá hộ Bì đã năng động mua hơn chục chiếc ghe chài để thu mua lúa gạo vùng Bạc Liêu chở về Sài Gòn. Và ông là chủ sở hữu hầu hết các sở muối từ Gành Hào cho đến Vĩnh Châu. Từ đó, Trần Trinh Trạch được bên vợ hậu thuẫn cho làm ăn. Thế nên, có người trong gia tộc họ Trần đã nói rằng mầm mống giàu có của Trần Trinh Trạch là do bên vợ.

Bá hộ Bì có đến 7 vợ sống chung. Lớp con cháu của ông sau này không ai chí thú làm ăn mà chỉ lo ăn chơi, phá của. Bá hộ Bì chia điền sản cho các con thì không bao lâu nó chạy về tay Trần Trinh Trạch, bởi lúc này ông Trạch là người cho vay và những người anh em vợ của ông đã đến cầm cố nào đất ruộng, đất muối, ghe chài. Giống như Trần Trinh Trạch là người biết thừa kế duy nhất của Phan Hộ Biết.

Khi đã giàu có rồi, Trần Trinh Trạch bắt đầu nghĩ đến việc vinh hiển bằng con đường quan chức. Vào những năm 1929 – 1933, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra và cũng là cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc nhất trong lịch sử chủ nghĩa tư bản. Mức sản xuất toàn bộ thế giới tư bản chủ nghĩa giảm 42%, trong đó tư liệu sản xuất giảm 53%. Tại Pháp, cuộc khủng hoảng diễn ra hết sức trầm trọng: công nghiệp giảm 1/3; nông nghiệp giảm 2/5; ngoại thương giảm 3/5. Chính vì thế, chính sách của thực dân là lấy của cải của thuộc địa đem về nuôi mẫu quốc. Thực dân Pháp chiêu dụ các điền chủ để gom góp của cải bằng việc bán cho họ các chức hàm và phong chức tước lớn nhỏ tùy vào mức tiền ủng hộ. Những người trong gia tộc Trần Trinh kể rằng, Trần Trinh Trạch đã ủng hộ nước Pháp một khoản tiền to, to tới cỡ mẫu quốc gắn cho Trần Trinh Trạch mề đay Ngũ đẳng Bội tinh và ban tặng một thanh gươm gia bảo. Theo ông Phan Kim Khánh, cháu ngoại của Trần Trinh Trạch, khoảng năm 1960, đại sứ quán Pháp đến gặp ông Hen-ri, quản gia của nhà họ Trần xin gặp chi trưởng Trần gia để thương lượng mua lại thanh gươm với giá bao nhiêu cũng được. Vụ thương lượng này bất thành và nghe đâu thanh gươm ấy do hai người con của Trần Trinh Trạch là Trần Trinh Đinh và Trần Trinh Huy giữ, nay thì không biết nó thất lạc nơi nào. Còn tấm mề đay Ngũ đẳng Bội tinh thì sức mạnh vô song. Hễ ông Trạch mà đeo vào thì dù có Tỉnh trưởng, quan mật thám hay thầy đội Pháp cũng phải nghiêm chào.

Ngoài hai món trên, Trần Trinh Trạch được Toàn quyền Đông Dương phong chức “Đại biểu hội đồng tư vấn mật vụ viện”. Chức danh này là theo cách gọi của một số người trong gia tộc Trần Trinh nên không biết có chính xác hay không (?). Và họ mô tả rằng, nó lớn hơn Hội đồng quản hạt. Khi họp là họp với Toàn quyền Đông Dương. Nếu như Hội đồng quản hạt là cấp tỉnh thì chức danh của Hội đồng Trạch ngang với đại biểu Quốc hội bây giờ. Người ta kể thêm rằng, với chức danh này, Hội đồng Trạch được quyền gặp trực tiếp Toàn quyền Đông Dương bất cứ lúc nào chớ không cần phải đến phiên họp. Chính vì thế mà các quan bố chánh (chủ tỉnh) được điều về tỉnh Bạc Liêu là phải đến chào ông Trạch trước tiên. Họ rất kiêng dè ông Trạch vì nếu không thì bị thuyên chuyển đi chỗ khác. Những người vốn là kẻ ăn người ở trong Trần gia lúc bấy giờ còn sống kể rằng, cứ một tuần lễ là ông cò Pháp bắt tù nhân đến quét dọn, thụt cống rãnh cho nhà ông Trạch.

Chỉ bấy nhiêu thôi cũng thấy được thế lực to lớn của Trần Trinh Trạch. Thời thực dân, quyền lực và tiền tài là một thứ song hành. Uy thế cỡ đó, ông Trạch muốn gì không được.

(Baobaclieu)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Minh Sang 
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo