Chung sức, chung lòng xây dựng Đông Hải trở thành vùng kinh tế trọng điểm
Đã đăng vào 01/03/2012 lúc 9:29Đông Hải được chia tách từ huyện Giá Rai và đi vào hoạt động từ ngày 1/3/2002. Trong 10 năm qua, với sự nỗ lực của Đảng bộ, quân và dân trong huyện, Đông Hải đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Mới đây, Đảng bộ và nhân dân huyện Đông Hải vui mừng kỷ niệm 10 năm ngày thành lập huyện (1/3/2002 – 1/3/2012) và đón nhận Huân chương Lao động hạng III.
![]() |
Đồng chí Lê Hiền, Bí thư Huyện ủy Đông Hải tặng quà cho các cán bộ hưu trí vào dịp Tết Nhâm Thìn 2012. Ảnh: M.Đ |
Khi mới thành lập, tình hình kinh tế – xã hội của huyện gặp nhiều khó khăn. Sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng gần 80% cơ cấu GDP; công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, thương mại – dịch vụ còn nhỏ lẻ; kết cấu hạ tầng yếu kém; thu nhập bình quân đầu người đạt 6,8 triệu đồng/năm. Song song đó, tỷ lệ hộ nghèo gần 30%, nhà ở tạm bợ chiếm khoảng 70%, cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục, y tế còn hạn chế và có đến 25% hộ dân không có phương tiện nghe nhìn… Tuy nhiên, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các sở, ban ngành và sự nỗ lực của Đảng bộ, quân và dân trong huyện, Đông Hải đã từng bước phát triển và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.
Giai đoạn 2002 – 2005, tổng sản phẩm xã hội đạt trên 4.600 tỷ đồng, tăng trưởng kinh tế 18%, thu nhập bình quân đầu người năm 2005 là 9,6 triệu đồng. Giai đoạn 2005 – 2010, tổng sản phẩm xã hội đạt hơn 10.000 tỷ đồng, tăng trưởng kinh tế gần 11%, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 trên 17 triệu đồng. Riêng năm 2011, tổng sản phẩm xã hội gần 3.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng trên 15%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 20 triệu đồng, tăng hơn 3 lần so với năm 2002.
Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ. Năm 2002, tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 80%; công nghiệp, xây dựng 8%; thương mại, dịch vụ chiếm 12% trong GDP. Đến năm 2011, tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp giảm còn 58%; công nghiệp, xây dựng tăng lên 18%; thương mại, dịch vụ tăng lên 24%. Riêng sản lượng khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản tăng dần hàng năm. Năm 2002, sản lượng thủy sản đạt trên 61.000 tấn, đến năm 2011 tăng lên hơn 100.000 tấn. Diện tích đất trồng lúa của huyện hiện còn 950ha, diện tích đất sản xuất muối trên 2.000ha. Tổng sản lượng muối 10 năm qua đạt 423.000 tấn, chiếm 80% tổng sản lượng muối của tỉnh. Sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp từng bước phát triển với hơn 1.200 cơ sở. Năm 2011, giá trị sản xuất đạt 320 tỷ đồng, tăng 5,4 lần so với năm 2002. Hoạt động kinh doanh, dịch vụ ngày càng mở rộng với trên 4.100 cơ sở. Hệ thống chợ đầu mối, chợ nông thôn tiếp tục được đầu tư xây dựng. Tổng thu ngân sách Nhà nước 10 năm qua trên 370 tỷ đồng. Riêng năm 2011 là 57 tỷ đồng, tăng 4,6 lần so với năm 2002…
Về hạ tầng giao thông, khi mới chia tách huyện, chỉ có 17/80 ấp có lộ nhựa và bê tông, 5/8 xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã… Được sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư của tỉnh, huyện, đến cuối năm 2011, 84/84 ấp của huyện đã có đường giao thông ấp liền ấp; 10/11 xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm; có 97,3% số hộ dân sử dụng điện, tăng 2,2 lần so với năm 2002. Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong 10 năm qua là 763 tỷ đồng, trong đó vốn huy động trong dân trên 47 tỷ đồng.
Đi đôi với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa – xã hội cũng có nhiều tiến bộ. Công tác giáo dục – đào tạo có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Năm 2002, từ 41 điểm trường gồm trên 580 phòng học, trong đó 42 phòng học tạm bợ, đến năm 2011 nâng lên 51 trường học với hơn 630 phòng; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp năm học 2010 – 2011 ở các cấp học từ 96% trở lên. Đến nay, huyện có 100% phòng học được xây dựng cơ bản và bán cơ bản, 5 trường đạt chuẩn quốc gia, 55% giáo viên đạt chuẩn, gần 42% giáo viên đạt trên chuẩn.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ khám, điều trị bệnh ở Bệnh viện Đa khoa huyện và Trạm y tế các xã, thị trấn được tăng cường. Hiện nay, huyện có trên 70% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% trạm y tế có bác sĩ phục vụ và làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Hoạt động văn hóa, thể dục – thể thao tiếp tục phát triển. Đến nay, 100% hộ dân có phương tiện nghe, nhìn; 95% hộ gia đình, gần 90% ấp đạt chuẩn văn hóa; 1 xã đạt chuẩn văn hóa. Thực hiện các chính sách an sinh xã hội, 10 năm qua, huyện đã vận động quỹ Đền ơn đáp nghĩa trên 16 tỷ đồng, hỗ trợ và xây dựng gần 1.000 căn nhà tình nghĩa; vận động quỹ Vì người nghèo, quỹ An sinh xã hội 12 tỷ đồng, triển khai xây dựng trên 6.800 căn nhà tình thương và nhà 167 cho hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 22,46%. Công tác quốc phòng – an ninh được quan tâm chỉ đạo; tình hình an ninh chính trị ổn định; công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội được tăng cường. Từ đó, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội trên địa bàn…
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn tiếp theo, Đảng bộ, quân và dân huyện Đông Hải sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức, chung lòng và không ngừng nỗ lực để xây dựng Đông Hải trở thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.
(Baobaclieu)