Chiến lược phát triển kinh tế biển Bạc Liêu: Biến tiềm năng thành lợi thế phát triển
Đã đăng vào 04/09/2012 lúc 9:16Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về chiến lược biển đến năm 2020, cùng với mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu về biển, Bạc Liêu đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để khai thác tiềm năng kinh tế biển. Đồng thời quyết tâm thực hiện 3 nghị quyết về kinh tế biển theo hướng nâng dần giá trị sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống, tinh thần cho nhân dân. Và kết quả đáng ghi nhận là thành tựu về kinh tế biển Bạc Liêu tăng dần theo từng năm.
Tín hiệu vui từ biển
Vùng Nam Quốc lộ 1A của Bạc Liêu được xác định là vùng kinh tế biển rất quan trọng của tỉnh (chiếm 35% diện tích tự nhiên trong toàn tỉnh). Bên cạnh đó, cùng với ngư trường rộng lớn chiếm hơn 20.700km2, có tiềm năng và lợi thế kinh tế biển đa dạng, có khả năng xây dựng cảng biển, điện gió, nhiệt điện, khu kinh tế biển, du lịch, nghề muối… cũng được xem là vùng kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Với chiều dài bờ biển trên 56km, sản lượng hải sản hàng năm của tỉnh đạt gần 200 ngàn tấn. Nhiều năm qua, nhờ chú trọng phát triển kinh tế biển, từ đó, tổng sản phẩm năm 2011 đạt gần 11 ngàn tỷ đồng, chiếm 53% tổng sản phẩm toàn tỉnh.
Nghề muối – một trong những thế mạnh về kinh tế biển của Bạc Liêu. Trong ảnh: Thu hoạch muối tại huyện Đông Hải. |
Bạc Liêu hiện có trên 1.200 tàu đánh cá, trong đó, trên 440 tàu có công suất trên 90CV (đủ điều kiện đánh bắt xa bờ trên vùng lãnh hải rộng lớn – hơn 20.000km2) khai thác hơn 100 ngàn tấn thủy hải sản/năm.
Từ năm 2007, tỉnh đầu tư xây dựng Cảng cá Gành Hào, xây dựng cơ sở sửa chữa tàu thuyền, thành lập đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá để trung chuyển khi khai thác xa bờ. Ngoài ra, hoàn thành 3 đèn báo bão ven bờ để định hướng, hỗ trợ ngư dân khi có thiên tai; hình thành 45 tổ, đội sản xuất trên biển. Song song đó, diện tích nuôi trồng thủy sản không ngừng được mở rộng với 62.000ha. Đây là nền tảng và điều kiện để Bạc Liêu có thể nuôi đạt 150.000 tấn/năm. Hiện, tỉnh đã xây dựng 8 cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi thủy sản như: lưới điện, đường giao thông, thủy lợi…
Để tiềm năng trở thành lợi thế…
Bạc Liêu đã, đang và sẽ tập trung mọi nguồn lực để phát triển tiềm năng kinh tế biển, biến tiềm năng đó trở thành lợi thế để Bạc Liêu vươn xa. Theo nghị quyết của tỉnh, phấn đấu đến năm 2015, giá trị sản xuất từ kinh tế biển đạt trên 21.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng gần 14%/năm.
Tàu thuyền khai thác thủy sản xa bờ lên hàng tại biển Nhà Mát (TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.D |
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã đưa ra nhiều định hướng, giải pháp. Trước hết là việc quy hoạch và đầu tư các dự án động lực. Nguồn lực về vốn của địa phương, nhân dân, kể cả nguồn ODA là rất cần thiết để quy hoạch và đầu tư các dự án có tầm cỡ, trọng điểm trên địa bàn ven biển và vùng biển Bạc Liêu. Tỉnh đang quyết tâm xây dựng cảng biển nước sâu nhằm vận chuyển hàng hóa trong nước và khu vực; xây dựng khu kinh tế Gành Hào; quy hoạch các đường giao thông trục ngang nối vùng biển Bạc Liêu với vùng biển phía Tây; phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ đủ mạnh, đảm bảo đánh bắt có hiệu quả; xây dựng cảng cá ở các cửa sông Gành Hào, Nhà Mát, Cái Cùng. Khi đi vào hoạt động, các cảng biển sẽ tạo động lực phát triển kinh tế vùng, tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển các cơ sở kinh tế, công nghiệp trên địa bàn tỉnh, khu vực. Ngoài ra, còn giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động trực tiếp và gián tiếp trong các ngành dịch vụ hàng hải, du lịch, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội gắn với giữ vững an ninh – quốc phòng trên địa bàn…
Hướng đến giải pháp đầu tư đồng bộ
Kinh tế biển chiếm vị trí đặc biệt trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Do đó, nhiều năm qua, tỉnh đã có chủ trương đầu tư kết cấu hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực nhằm tạo nền tảng để đánh thức tiềm năng biển. Theo ông Phạm Hoàng Bê, Chủ tịch UBND tỉnh: “Trước hết, tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành các cụm kinh tế, văn hóa – xã hội vùng biển; phát triển ngành nghề, dịch vụ, du lịch gắn với bảo vệ môi trường; nâng cao dân trí, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; gắn phát triển kinh tế với củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân… Trước đó, cơ sở hạ tầng của tỉnh gần như khó khăn. Vì vậy, sau khi có nghị quyết, tỉnh đã chú trọng đầu tư hạ tầng để phát triển kinh tế biển như: xây dựng, nâng cấp đường Cao Văn Lầu, đường Giá Rai – Gành Hào, đường đê biển, đường Xóm Lung – Cái Cùng, một số đường giao thông nối liền các xã về trung tâm… Đặc biệt, tỉnh còn xây dựng hạ tầng điện, thủy lợi cho các vùng nuôi thủy sản; xây dựng cảng cá, khu neo đậu trú bão, hạ tầng về sản xuất giống tôm, cá…”.
Con người đóng vai trò quyết định, vì vậy, tỉnh rất chú trọng đến nguồn nhân lực, đặc biệt là cán bộ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao để chuyển giao khoa học – công nghệ, đào tạo nông – ngư dân, đào tạo cán bộ quản lý… Thời gian qua, đã có gần 1.000 kỹ sư, rất nhiều cán bộ kỹ thuật, bà con nông dân thường xuyên được tập huấn kỹ thuật; nhiều thuyền trưởng, máy trưởng được đào tạo, nâng cao tay nghề… Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục đầu tư và đưa vào khai thác có hiệu quả tuyến du lịch ven biển. Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch gắn với việc tôn tạo, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử và các giá trị văn hóa phi vật thể, hình thành các khu du lịch sinh thái. Phát triển du lịch, nghỉ dưỡng ven biển nhằm thu hút khách nội địa và các nước trong khu vực…
Bạc Liêu đang từng bước đầu tư và khai thác tiềm năng kinh tế biển một cách đồng bộ và hiệu quả. Đây là hướng đi đúng, tạo cơ sở cho việc phát huy lợi thế về biển. Phát huy được tiềm năng về tài nguyên biển và vùng ven biển không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, mà còn góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc.
(Baobaclieu)