Cam kết vốn ODA cho VN: 7,3 tỉ USD

Đã đăng vào 07/12/2011 lúc 9:09

* Lạm phát năm 2012 sẽ khoảng 9%

Theo ông Bùi Quang Vinh – bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, dù không cao đến mức 7,9 tỉ USD như năm 2010 nhưng đây là kết quả hết sức tích cực trong điều kiện khủng hoảng nợ công châu Âu và điều kiện VN đã là nước có thu nhập trung bình.

 

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ ngày 6-12 – Ảnh: V.DŨNG

 

 

Đại diện các nhà tài trợ trao đổi tại hội nghị sáng 6-12 – Ảnh: V.DŨNG

 

Sáng cùng ngày, phát biểu với các nhà tài trợ cho VN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cam kết VN sẽ quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế và cho biết lựa chọn của VN không phải là tăng trưởng cao nữa; dự trữ ngoại tệ của VN đã tăng, lạm phát năm 2012 sẽ chỉ ở mức khoảng 9%…

Tái cơ cấu: phải đủ mạnh

Báo cáo của Chính phủ tại hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ công nhận các cấp các ngành đã phê duyệt quá nhiều dự án vượt quá khả năng ngân sách của cấp mình. Chính phủ khẳng định việc tái cơ cấu đầu tư công của VN sẽ quán triệt theo bốn nguyên tắc lớn, trong đó nhấn mạnh: phải đổi mới tư duy đầu tư theo hướng giảm dần tỉ trọng đầu tư công, khắc phục tình trạng dàn trải, tăng các biện pháp để huy động vốn của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, nâng hiệu quả đầu tư.

Với vốn ngân sách, Chính phủ khẳng định phải tập trung đầu tư hạ tầng không thu hồi được vốn, trước hết là công trình trọng điểm, dành để đầu tư cho giáo dục, y tế, khoa học, an ninh quốc phòng… Với hạ tầng có thể thu hồi vốn thì sẽ khuyến khích nhiều nguồn vốn, kể cả vốn nước ngoài.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh sẽ chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả tái cơ cấu nền kinh tế. Đến nay kinh tế vĩ mô của VN đã có chuyển biến tích cực, lạm phát đã được kiểm soát, giá đã giảm liên tục trong sáu tháng qua. Theo đà này, Thủ tướng nhận định năm 2012 VN có khả năng kiểm soát lạm phát ở khoảng 9%.

Về tỉ giá, Thủ tướng cho biết VN sẽ tiếp tục điều hành để giữ giá đồng VN. Với thành quả xuất khẩu tăng mạnh, có thể tới 34% năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo dự trữ ngoại tệ của VN đã tăng so với năm 2010. Bội chi năm 2011 đã giảm so với kế hoạch, chỉ đạt 4,9% so với kế hoạch là 5,3% GDP. Năm 2012 sẽ tiếp tục giảm xuống dưới 4,8%.

Quan điểm về tốc độ tăng trưởng cũng được người đứng đầu Chính phủ nêu rõ. Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh GDP năm 2011 tăng ở mức 5,8-6%, mục tiêu của VN là năm 2012 sẽ duy trì tăng GDP ở mức 6% để góp phần ổn định vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. “VN không chọn mục tiêu tăng trưởng cao” – Thủ tướng nói.

Không thể chậm trễ

 

 

Sẽ giảm số lượng ngân hàng

* Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tổ chức tài chính, Chính phủ cho biết sẽ theo hướng giảm số lượng, tăng quy mô và sẽ tái cơ cấu cả các tổ chức như quỹ tín dụng nhân dân, công ty bảo hiểm, công ty tài chính, công ty chứng khoán…

Tham gia thêm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết đến nay Ngân hàng Nhà nước đã rà soát, đánh giá các ngân hàng để tái cơ cấu. Sắp tới VN sẽ cổ phần hóa, nâng cao năng lực các ngân hàng thương mại nhà nước.

Ông Bình cũng nhấn mạnh sẽ giảm nhanh ngân hàng yếu kém để đảm bảo an toàn hệ thống, bảo đảm quyền người gửi tiền… Đồng thời việc thành lập mới các ngân hàng, kể cả các hợp tác xã tín dụng ở nông thôn sẽ được thẩm định rất chặt chẽ. Mục tiêu, ông Bình xác định là năm năm tới VN có 1-2 ngân hàng đủ sức cạnh tranh trong khu vực.

* Tại hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho VN, cố vấn thuộc Văn phòng chủ tịch Ủy ban chứng khoán Malaysia, bà Latifah Merican Cheong, chia sẻ kinh nghiệm về tái cấu trúc khối tài chính của nước này. Theo bà, điều đầu tiên khi tái cấu trúc hệ thống tài chính là phải có một tầm nhìn và định hướng rõ ràng về hướng đi của việc tái cơ cấu, từ đó đưa ra những cải cách về khung pháp lý như các cơ chế về trách nhiệm, quyền hạn, quy định giải trình, tính minh bạch…

Theo bà Victoria Kwakwa – giám đốc Ngân hàng Thế giới tại VN, khu vực châu Âu đang khó khăn, kinh tế Mỹ yếu cho thấy không khu vực nào là ngoại lệ với khủng hoảng nếu không có cơ cấu tài chính hợp lý. Và những bất ổn kinh tế thường biểu hiện từ mất cân bằng vĩ mô. Trước sự kiện Trung Quốc bắt đầu chuyển sang kích thích kinh tế, bà Victoria Kwakwa khuyến cáo Trung Quốc có nền tảng vĩ mô mạnh hơn, lạm phát thấp hơn nên VN vẫn phải tiếp tục ổn định vĩ mô.

VN đã xác định tái cơ cấu nền kinh tế thì bước tiếp theo cần ý chí chính trị mạnh mẽ để thúc đẩy thực thi. Bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh: “Cần thực hiện khẩn trương, nếu hành động chậm trễ có thể dẫn đến khủng hoảng. VN sẽ thuận lợi nếu tái cơ cấu bây giờ hơn là khi khủng hoảng đã xảy ra”.

Đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế tại VN cho rằng lạm phát của VN hiện đã rất cao trong khu vực và đề nghị VN cần các biện pháp mạnh hơn để chống lạm phát. Việc tái cấu trúc nền kinh tế, theo vị đại diện này, chỉ hiệu quả khi có chính sách đúng và phải đủ mạnh.

Bà Pratibha Mehta, điều phối viên Liên Hiệp Quốc tại VN, cho rằng với tỉ lệ lạm phát cao, VN điều chỉnh mức trợ cấp an sinh xã hội cho những người sống bằng trợ cấp chính phủ, người làm trong khu vực kinh tế không chính thức, người nhận lương thấp…

Việc tái cơ cấu nền kinh tế cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo việc làm cho người nghèo. Bên cạnh đó, cuộc chiến chống tham nhũng cần được đẩy mạnh mới đảm bảo hoàn thành các mục tiêu của VN.

Đẩy nhanh hơn nữa cải cách hành chính

Đại sứ Nhật Bản tại VN Yasuaki Tanizaki đề nghị Chính phủ VN cần đẩy nhanh cải cách hành chính để giảm chi tiêu. Hệ thống thu ngân sách cần được cải thiện để đánh thuế công bằng, không bỏ sót.

ODA của Nhật năm vừa qua buộc phải hoãn do động đất, sóng thần, tuy nhiên đại sứ Nhật khẳng định năm nay các khoản hoãn đã được nội các Nhật thông qua với khoảng 794 triệu USD. Ngoài ra, Nhật cam kết cung cấp thêm khoảng 1,03 tỉ USD cho vay nữa nên tổng cộng ODA của Nhật cho VN năm 2012 lên tới 1,9 tỉ USD.

Ông Ha Chan Ho, đại sứ Hàn Quốc, cho rằng VN đang bước sang giai đoạn phát triển mới trong khi kinh tế toàn cầu bất ổn, khiến nhiệm vụ của Chính phủ vô cùng nặng nề. Ông Ha Chan Ho cho biết rất mừng vì VN đã đưa ra được chính sách tái cơ cấu nền kinh tế nhưng “kinh nghiệm cho thấy bất kỳ chiến lược tốt nào cũng không thể thành hiện thực nếu không được hỗ trợ mạnh mẽ từ giới lãnh đạo”.

Đại diện Liên minh châu Âu (EU) cho rằng tham nhũng vẫn là vấn đề lớn của VN nhưng để đối phó, ngoài luật VN cần để ý còn lỗ hổng giữa chính sách và thực tế. Đại diện tổ chức này nhấn mạnh VN cần bước đi cụ thể để báo chí có thể tự tin đưa thông tin chống tham nhũng, người dân chống tham nhũng cũng không lo bị trả đũa.

(Tuoitre)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Lâm Hồ Sỹ
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo