Các loài chuồn chuồn Việt Nam

Đã đăng vào 14/05/2012 lúc 9:48

Chuồn chuồn là nhóm côn trùng ăn thịt cả ở giai đoạn ấu trùng và trưởng thành. Chúng thường bay lượn để săn tìm các loài côn trùng khác nhỏ hơn, thậm chí là các loài chuồn khác.

 

Có 16 loài được biết hiện nay ở Việt Nam, phổ biến nhất là loài Neurobasis chinensis (Linnaeus, 1758). Trên hình vẽ là con đực, đôi cánh trước của nó có màu vàng nhạt và trong suốt, khoảng 3/4 cánh sau màu xanh biếc, phần còn lại của cánh có màu đen sẫm. Với cơ thể hoàn toàn màu xanh, chúng có thể dễ dàng hòa lẫn vào các đám lá ở gần suối để trốn tránh kẻ thù.

Con đực Matrona basilaris Selys, 1953 có cơ thể màu xanh biếc óng ánh, với đôi cánh màu xanh đen ở nửa đầu cánh, phần gốc còn lại có màu xanh sáng. Ở Việt Nam, chúng phân bố chủ yếu ở các khu vực miền núi phía bắc như Lạng Sơn (Lộc Bình), Vĩnh Phúc (Tam Đảo), Hoà Bình (Thượng Tiến, Kim Bôi), Cao Bằng (Trùng Khánh) và Phú Thọ (Xuân Sơn).

Loài Vestalis gracilis (Rambur, 1842) phân bố rộng ở vùng Đông Nam Á và miền nam Trung Quốc. Với cơ thể màu xanh biếc, chúng có thể dễ dàng ẩn nấp trong tán lá cây rậm rạp xung quanh bờ suối, và chỉ xuất hiện và bay lượn ra ngoài khi có ánh sáng mặt trời chiếu vào. Cánh của chúng thường phản chiếu màu xanh biếc óng ánh.

Một trong những loài có kích thước cơ thể to lớn và hiếm gặp là loài Calopteryx coomani (Fraser, 1935). Với chiều dài sải cánh và cơ thể trên 100 mm. Trái ngược với những loài trên, loài coomani mang một đôi cánh xanh đen to lớn và khỏe mạnh. Chúng thường sinh sống gần những con suối ở vùng núi, nơi mà có hệ sinh thái rừng rậm rạp và gần nguyên vẹn.

Mặc dù loài Vestalis miao (Wilson & Reels, 2001) khá phổ biến ở nam Trung Quốc, nhưng ở Việt Nam mới chỉ ghi nhận ở hai địa điểm là Khu bảo tồn Thiên nhiên Hữu Liên (Lạng Sơn) và Vườn quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ). Cánh của con trưởng thành vừa lột xác từ ấu trùng có màu cam đặc trưng, và trở thành trong suốt không màu khi thành thục. Phần mút đuôi của con đực có màu trắng đặc trưng cho loài.

Loài Libellago lineata (Burmeister, 1839) lại chỉ sinh sống ở những con suối nhỏ hoặc đầm nước, nơi nền đáy có nhiều bùn và mùn bã thực vật, tốc độ dòng chảy chậm.

Thời gian gần đây, khi tiến hành điều tra về khu hệ chuồn chuồn ở miền bắc Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận mới loài Rhinocypha arguta Hämäläinen & Divasiri, 1997 cho khu hệ Việt Nam từ vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) và Xuân Sơn (Phú Thọ). Loài đặc trưng bởi mặt trên của các đốt bụng màu đỏ gạch, ngực màu đen với các sọc vàng xen kẽ.

Loài Euphaea masoni Selys, 1879 thuộc họ Euphaeidae khá phổ biến ở các vùng núi, với đôi cánh chắc khỏe màu xanh đen, mặt ngoài của đôi cánh sau có một mảng màu xanh óng ánh, mép trong có màu đỏ, phân biệt với loài Euphaea guerini Rambur, 1842 có hình dạng và màu sắc cơ thể tương tự, nhưng mép trong cánh sau màu xanh.

Mặc dù là nhóm chuồn chuồn kim, nhưng các loài trong họ Synlestidae, Lestidae, Lestoideidae và họ Megapodagrionidae thường dang cánh khi đậu ở tư thế treo mình lên các cành cây ở gần suối. Trên hình là loài Orolestes selysi McLachIan, 1895.

Loài Neurothemis fluvia (Drury, 1773). Trong số các họ chuồn chuồn ngô được biết ở Việt Nam, họ có số lượng loài nhiều nhất là họ chuồn chuồn ngô Gomphidae (24 loài) và họ chuồn chuồn mương Libellulidae (48 loài); các họ này bao gồm nhiều loài phổ biến có thể bắt gặp ở khắp nơi, từ ao, ruộng nước, kênh mương…thậm chí là ở các vũng nước đọng sau mưa.

 

(VNE)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Tổng biên tập: Đoàn Út Bảy
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: thblwebsite@gmail.com
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo