Biển Đông dậy sóng sau đại hội 18 của Trung Quốc

Đã đăng vào 10/12/2012 lúc 9:35

Hy vọng về sự yên ả ở Biển Đông khi Trung Quốc có ban lãnh đạo mới đã biến mất, bởi nước này có một loạt hành động quyết đòi chủ quyền ở các vùng biển đảo của nước khác hoặc đang tranh chấp, kể từ sau đại hội đảng 18.

 

Mẫu hộ chiếu mới của Trung Quốc gây nên phản ứng của các nước láng giềng và phản ứng trong dư luận. Ảnh: Xinhua

Đầu tiên, mẫu hộ chiếu mới có in bản đồ với yêu sách 9 đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò đã làm dấy lên sự phản đối ở một loạt quốc gia láng giềng với Trung Quốc, bao gồm Ấn Độ, Việt Nam và Philippines. Đường lưỡi bò là tuyên bố đơn phương của Trung Quốc, không dựa trên căn cứ pháp lý nào, ôm gần như trọn cả Biển Đông, chồng lên vùng lãnh thổ hoặc đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng.

Tiếp đó Bắc Kinh cho công bố bản đồ của cái gọi là thành phố Tam sa, tiếp tục các bước đi về pháp lý và hành chính đối với các vùng không thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Và mới đây, cơ quan lập pháp của tỉnh Hải Nam đã ra "điều lệ sửa đổi về việc quản lý bờ biển và duyên hải", quy định rằng lực lượng tuần duyên của họ có quyền tiếp cận, lục soát và thậm chí trục xuất các tàu bè vi phạm vùng 12 hải lý tính từ đường cơ sở của các đảo. Ngôn từ cũng như toàn bộ nội dung của bản điều lệ sửa đổi chưa được công bố rõ ràng, nhưng nó cũng phần nào cho thấy nguy cơ đổ thêm dầu vào lửa ở các khu vực đang tranh chấp. Quy định này, theo phân tích của một quan chức cấp tỉnh ở Trung Quốc, chủ yếu áp dụng cho các đảo thuộc Hoàng Sa, nơi Trung Quốc nói rằng họ đã xác định các đường cơ sở.

Tàu cá của Trung Quốc thường xuyên tụ họp thành nhóm đông và quấy rối các hoạt động bình thường của tàu Việt Nam trên thềm lục địa Việt Nam, chẳng hạn như trong vụ tàu Bình Minh 02 bị tàu Trung Quốc làm đứt cáp mới đây. Thế nhưng Bắc Kinh lại "tố ngược" rằng tàu cá của họ bị đuổi và đòi Việt Nam ngừng các hoạt động khai thác dầu khí.

Các hành động trên của Trung Quốc được thực hiện một cách có hệ thống, từ việc thành lập "Tam Sa", rồi dựng lên bộ máy chính quyền và lập pháp, xây dựng cơ sở hạ tầng, nghiên cứu khoa học hải dương… đều nhằm một mục đích là biến vùng biển đảo mà nước khác đã tuyên bố chủ quyền thành của mình. Với các việc làm liên tiếp và dồn dập từ năm ngoái đến nay, Bắc Kinh muốn biến các sự kiện bị phản đối và trái luật quốc tế thành những sự việc bình thường.

Cũng với mục đích "biến hóa" như vậy mà năm ngoái công ty dầu khí hải dương Trung Quốc CNOOC đã mời thầu ở 9 lô dầu khí hoàn toàn nằm trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đầu năm nay, Trung Quốc mời thầu dầu khí ở gần đảo Cây thuộc Hoàng Sa của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ ra rằng hành động đó của Trung Quốc nhằm biến khu vực hoàn toàn không có tranh chấp thành "có tranh chấp" để dễ bề lấn tới hoặc nhảy vào khai thác chung, chia sẻ tài nguyên của nhà hàng xóm.

Trên vùng thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc hành xử như thể đó là vùng nước mà họ có quyền liên quan. Cụ thể là ngày 7/12, sau khi tàu cá Trung Quốc đã làm đứt cáp của tàu thăm dò Việt Nam, phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi còn yêu cầu Việt Nam ngừng "khai thác đơn phương ở vùng tranh chấp". Yêu cầu tương tự cũng được đưa ra với Ấn Độ, bởi nước này có một công ty đang quan tâm đến các lô dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng EEZ của Việt Nam. Cách thức này từng được Trung Quốc sử dụng năm ngoái, sau khi tàu chấp pháp của Trung Quốc cắt cáp của tàu Bình Minh 02 (tháng 5/2011) và làm hỏng cáp của tàu Viking II trong tháng sau đó.

Yêu sách mà Trung Quốc đưa ra với Ấn Độ mới đây là nhằm gạt hoàn toàn các nước không có tranh chấp trực tiếp về chủ quyền ra khỏi Biển Đông. Tương tự, Bắc Kinh từng nhiều lần yêu cầu Mỹ – nước đang cố chuyển trọng tâm về châu Á và tìm cách tăng hiện diện ở Thái bình dương – tránh xa. Những việc này nhằm tạo một môi trường dễ dàng hơn cho Bắc Kinh khi muốn giải quyết tranh chấp kiểu tay đôi với từng nước kém hơn nhiều về tiềm lực quân sự và kinh tế trong ASEAN, bao gồm Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Các nước này đều có tuyên bố chủ quyền toàn bộ hoặc một phần tại quần đảo Trường Sa, gồm hàng trăm đảo và bãi san hô án ngữ tuyến vận tải biển quan trọng hàng đầu thế giới, nơi một phần ba lưu lượng dầu và hơn 50% lượng hàng hóa trong giao thương thế giới đi qua.

 

Tàu cá của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua
Tàu cá của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Trung Quốc bám chắc vào quan điểm giải quyết song phương, phản đối cách làm mà họ gọi là "quốc tế hóa" vấn đề tranh chấp Biển Đông, bất chấp thực tế rằng đây là một tranh chấp nhiều bên. Điều này được cho là một nhân tố dẫn đến bất đồng nội bộ trong các nước ASEAN ở hai kỳ hội nghị liên tiếp trong năm nay tại Phnom Penh. Campuchia, nước nhận được nhiều viện trợ của Trung Quốc trong một thập niên qua, với tư cách là chủ tịch hội nghị, đã không đồng ý với quan điểm của một số thành viên hiệp hội khi đề cập tranh chấp Biển Đông.

Hệ quả là kỳ họp hồi tháng 7 không đưa ra được tuyên bố chung, điều chưa từng có trong lịch sử 45 năm tồn tại của ASEAN, đe dọa nguyên tắc đồng thuận và gây rạn nứt rõ ràng trong khối.

Kỳ họp tháng 11 vừa rồi không hàn gắn được, mà khắc sâu thêm sự chia rẽ trong quan điểm của các thành viên hiệp hội về cách giải quyết tranh chấp Biển Đông. Khi Campuchia tuyên bố rằng ASEAN đã nhất trí "không quốc tế hóa" vấn đề Biển Đông, thì Tổng thống Philippines thẳng thừng phản đối, rằng không hề có sự nhất trí nào hết.

Giới quan sát cho rằng hai hội nghị vừa rồi chính là bài thuốc thử sự đoàn kết trong ASEAN, và Trung Quốc hởi dạ với kết quả này.

Sau những tháng tương đối yên ả kể từ khi vụ đối đầu ở bãi Hoàng Nham/Scarbourough lắng xuống, những tháng cuối năm, Biển Đông lại trở thành chủ đề ở khắp các thủ đô từ Bắc Kinh đến Manila, Hà Nội, Phnom Penh và cả Washington. Vì sao căng thẳng lại tiếp tục gia tăng vào lúc này?

Thứ nhất, chiến lược dài lâu của Trung Quốc là dần dần nhưng kiên quyết sẽ làm từng bước để chiếm dần các đảo, biến các biến cố thành bình thường, biến vùng không tranh chấp thành có tranh chấp (như mời thầu dầu khí ở vùng EEZ của Việt Nam), biến vùng tranh chấp thành của mình (như đã cho tàu đóng tại bãi cạn Scarbourough/Hoàng Nham từ tháng 4).

Thứ hai, ban lãnh đạo mới ở Bắc Kinh, trước sự lan rộng và thắng thế của tinh thần dân tộc trong dân chúng, khó có thể tỏ vẻ nhượng bộ hay yếu đi trong các tranh chấp chủ quyền, kể cả ở biển Hoa Đông, Biển Đông hay các khu vực giáp với Ấn Độ.

Thứ ba, ngoài vị trí chiến lược ở Biển Đông ra, khi các công ty càng đẩy mạnh thăm dò khai thác dầu khí, họ sẽ tìm thấy ngày càng nhiều tiềm năng ẩn sâu dưới biển ở vùng đang tranh chấp. Miếng bánh ngày càng hấp dẫn sẽ khiến quyết tâm giành nó ngày càng gia tăng.

Và thêm nữa, sự trở lại về mặt chiến lược của Mỹ đến một châu Á Thái bình dương ngày càng quan trọng về kinh tế khiến Trung Quốc có thêm lý do để nhanh chóng khẳng định thế lực ở "sân nhà"; và các bên khác có thêm động lực để mạnh mẽ hơn trong việc đòi những gì được cho là của mình. Biển Đông, vốn đã bị đánh giá từ năm ngoái là trở thành một điểm nóng, khó có thể trở lại yên ắng trong tương lai gần.

 

(VNE)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Cao Xuân Thu Ngọc 
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo