Ấp Thạnh An: Điểm sáng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

Đã đăng vào 08/11/2011 lúc 9:35

Là một ấp vùng sâu của xã Long Điền (huyện Đông Hải), người dân chủ yếu sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản, việc tiếp cận với những phương tiện thông tin đại chúng, trao đổi về văn hóa… gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với ý thức tự giác và quyết tâm cao độ, người dân ấp Thạnh An đã trên dưới một lòng, cùng nhau chung tay xây dựng đời sống văn hóa…

Về Thạnh An hôm nay để cảm nhận nhịp sống mới, thời khắc chuyển mình, thay da đổi thịt của một ấp văn hóa đã đi qua những năm tháng ác liệt của chiến tranh. Là một ấp có hộ nghèo rất cao với tỷ lệ trên 40%, nhưng cái nghèo về đời sống kinh tế không làm nghèo đi cái tình làng nghĩa xóm ở nơi này. Thạnh An vẫn còn lưu giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống trong giao tiếp, ứng xử với chòm xóm, cộng đồng. Việc giúp đỡ nhau theo kiểu “vần công” vẫn còn được duy trì và bà con nơi đây xem đó như là một “tiêu chí” để bầu chọn gia đình văn hóa. Hễ nhà nào cất nhà, sên mương… thì bà con chòm xóm lại sang phụ hợ dựng tiếp cái cây, lợp dùm tấm lá, hay thay phiên nhau đẩy cống… mà tình làng nghĩa xóm càng thêm keo sơn, bền chặt. Hoặc những lúc đau ốm, bệnh tật…, hàng xóm qua lại thăm hỏi, chăm sóc, động viên nhau bằng những thứ “cây nhà lá vườn” sẵn có. Nếu như ở thành phố, người ta xem đó là chuyện “bao đồng” thì ở đây, người dân trong ấp cho đó là chuyện hiển nhiên, rất nên làm và đằng sau đó là cả tấm lòng, sự quan tâm mà họ dành cho nhau.

 

 

Diện mạo mới trên ấp Thạnh An (xã Long Điền, huyện Đông Hải).
Ảnh: C.T

Năm 2009, Thạnh An được công nhận là ấp văn hóa. Toàn ấp có 447 hộ, trong đó có 103 hộ là đồng bào dân tộc Khmer; số hộ được công nhận gia đình văn hóa là 360 hộ (chiếm 80,54%). Tình hình xây dựng đời sống văn hóa của Thạnh An có nhiều chuyển biến rõ rệt. Ông Phan Thanh Phong – Phó Chủ nhiệm ấp văn hóa Thạnh An, cho biết: “Do đặc thù là một ấp sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng thủy sản, hơn nữa diện tích nuôi tôm công nghiệp khá lớn nên các hộ nuôi tôm công nghiệp phải thuê mướn thêm nhân công. Cái quý ở đây, là người chủ đầm tôm sống rất tình cảm. Ngoài việc chi trả lương thỏa thuận theo ngày công lao động, họ còn hỗ trợ nhân công thêm nhiều khoản khác, thậm chí nếu tôm trúng họ còn mua sắm phương tiện đi lại, vật dụng sinh hoạt cho nhân công; bên cạnh đó, còn ưu tiên cho nhân công nghỉ vì chuyện gia đình đột xuất mà không trừ lương. Qua đó, tình cảm của người chủ và người lao động càng thêm gắn bó, thắt chặt…”.

Ông Phong còn cung cấp nhiều thông tin thú vị về mối quan hệ tốt đẹp giữa các hộ người Khmer và người Kinh, họ sống và đối xử với nhau rất hòa nhã, thân thiện, kề vai sát cánh xây dựng đời sống văn hóa giúp xóm ấp ngày thêm đổi mới. Thậm chí, nhiều lúc, nếu là người từ địa phương khác đến đây sẽ rất khó phân biệt đâu là Tết của người Kinh, đâu là Tết của người Khmer, bởi bất kể là Tết của dân tộc nào thì ở đây vẫn là cái tết chung của bà con trong ấp. Trong quá trình thực hiện, hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đã có nhiều hộ dân tộc Khmer trở thành những tấm gương gia đình văn hóa điển hình trong việc chí thú làm ăn, có mối quan hệ tốt đẹp với bà con chòm xóm, luôn đi đầu trong các phong trào xây dựng đời sống văn hóa của ấp như: hộ anh Thạch Tiền, hộ ông Lý Manh, hộ ông Danh Vương… Họ xứng đáng là những gia đình tiêu biểu được vinh danh nhằm nêu gương cho các hộ gia đình khác xem đó mà thực hiện.

Bên cạnh đó, ở Thạnh An ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ gìn đường thông hè thoáng rất được người dân chú trọng. Ngoài việc phát quang bụi rậm, cỏ dại quanh nhà, trồng cây xanh che bóng mát, người dân ở đây còn có ý thức giữ gìn vệ sinh, thu dọn rác ở phần lộ trước nhà để bảo vệ cảnh quan; nhiều hộ dân còn trồng thêm hoa kiểng rồi chăm sóc, cắt tỉa rất cẩn thận để làm đẹp khuôn viên nhà, xóm ấp. Có một điều đặc biệt ở Thạnh An mà ông Phong cũng như nhiều người dân ở đây rất tâm đắc, đó là việc người dân nơi đây chưa bao giờ kéo nhau đi kiện cáo. Những chuyện xích mích, mâu thuẫn của người dân trong ấp được tổ hòa giải của địa phương giải quyết một cách thấu tình đạt lý trước sự chứng kiến của người dân địa phương. Thế là, người góp cho ít lời nên chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không, rồi chính những người có mâu thuẫn lại chủ động làm hòa, xuề xòa với nhau và tình làng nghĩa xóm lại thêm bền chặt. Hiện, Thạnh An đang xây dựng hương ước của ấp. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với những nội dung, tiêu chí cụ thể được lãnh đạo ấp đem ra phổ biến, tuyên truyền, lồng ghép với các buổi sinh hoạt văn hóa – văn nghệ hay các buổi tổ chức họp dân nên việc hưởng ứng triển khai rất đồng loạt, nhất quán và triệt để.

Những kết quả mà Thạnh An gặt hái được trong thời gian qua rất đáng biểu dương, trân trọng và là một điểm sáng trong việc xây dựng đời sống văn hóa tại cơ sở để các địa phương khác noi theo. Dù là một ấp nghèo nhưng những kết quả đó chứng minh rằng, xây dựng đời sống văn hóa chính là bắt nguồn từ sự chung tay, đoàn kết và ý thức được thế nào là “văn hóa” để cùng nhau xây dựng.

(Baobaclieu)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Lâm Hồ Sỹ
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo