Ấn tượng đêm hội tôn vinh văn hóa các dân tộc Việt Nam

Đã đăng vào 24/04/2012 lúc 9:26

Trong không gian hoạt động của Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (do Bộ VH-TT&DL tổ chức vào ngày 19/4/2012), 54 dân tộc anh em lại được gặp nhau tại “ngôi nhà chung” là Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội) với chủ đề “Vận hội năm rồng”.

 

 

Rực rỡ sắc màu văn hóa các dân tộc trong đêm hội. Ảnh: B.T

 

Cuộc liên hoan diễn ra có 8 nội dung chính: Sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam; Hội nghị xúc tiến đầu tư các sản phẩm văn hóa, du lịch; Đêm hội tôn vinh văn hóa các dân tộc Việt Nam; Chợ vùng cao phía Bắc; Triển lãm làng nghề dân gian truyền thống; Trò chơi dân gian thể thao giải trí; Hội trại của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh – Bộ VH-TT&DL. Đặc biệt là hoạt động của 13 cộng đồng dân tộc với các lễ hội, trò chơi dân gian kéo dài suốt tuần lễ hội. Điểm nhấn của cuộc liên hoan là đêm hội tôn vinh văn hóa các dân tộc Việt Nam được tổ chức trên sân khấu nổi hồ Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội) với hàng chục ngàn khán giả được thưởng thức các tác phẩm văn hóa dân gian của các đạo diễn, nhà văn, nghệ sĩ chuyên nghiệp và nghệ sĩ dân gian biểu diễn với một chủ đề: Các dân tộc Việt Nam trong vận hội mới, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, phát triển đất nước theo hướng bền vững.

 

Với sự tham gia của 13 đoàn nghệ thuật tiêu biểu của các dân tộc Mông, Tày, Dao, Thái, Mường, Nùng, Chăm, Khmer, Hoa…, cuộc liên hoan diễn ra thật tưng bừng, náo nhiệt, là nơi gặp gỡ, cùng chia sẻ niềm vui trước sự phồn vinh của đất nước, sự phát triển của các dân tộc anh em trong một quốc gia phát triển.

Tìm trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam, càng thấy rõ khát vọng của cha ông về làng nước. Cuộc liên hoan và đêm hội tôn vinh văn hóa các dân tộc Việt Nam đã nêu bật được ý nghĩa rất lớn của sự đoàn kết dân tộc, ý thức gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống trong cộng đồng. Văn hóa cội nguồn chính là bản sắc thuần Việt được kết tinh từ thuở hồng hoang, được nuôi dưỡng, gìn giữ trong muôn vàn thăng trầm biến cố của lịch sử, được tích tụ rèn giũa trong lao động và sáng tạo kỳ diệu của bao thế hệ mà nên. Phẩm cách tâm hồn, tài năng, trí tuệ và bản lĩnh con người Việt Nam đều sinh ra từ nguồn cội, lớn lên và chịu nhiều sự chi phối và tác động sâu sắc từ làng quê, từ cộng đồng xã hội, từ môi trường nơi mình sinh ra và nơi cư trú.

Đêm hội tôn vinh văn hóa các dân tộc Việt Nam chính là dịp để mọi người tìm hiểu, suy ngẫm về cội nguồn và bản sắc, nguy cơ và thách thức trước những xu thế bất lợi cho việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ngăn chặn tiêu cực là trách nhiệm của mỗi con người đối với dân tộc, đối với cộng đồng, đối với quá khứ và tương lai gia đình, làng xóm của chính mình, để tôn vinh văn hóa dân tộc; tôn vinh một làng văn hóa Việt hiện đại, văn minh, tiến bộ nhưng không đánh mất bản sắc văn hóa, vẫn giữ được cốt cách và những nét đẹp văn hóa truyền thống truyền đời từ nhiều thế hệ để lại. Nơi ấy không bao giờ mất đi chất “hương đồng gió nội”, nghĩa tình trọn vẹn, yêu nước thương nòi… Đó chính là những thông điệp mang đến cho mọi người trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4).

Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã phục dựng 54 ngôi làng của cộng đồng 54 dân tộc anh em sống trên đất nước ta. Đây chính là nơi khơi nguồn để hội tụ văn hóa và tôn vinh các dân tộc cả nước. Cũng từ biểu tượng này mà thể theo nguyện vọng của cộng đồng các dân tộc anh em trên đất nước ta, Thủ tướng Chính phủ đã lấy ngày 19/4 là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

 

(Baobaclieu)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Tổng biên tập: Đoàn Út Bảy
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: thblwebsite@gmail.com
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo