Ấn Độ sắp sở hữu tên lửa liên lục địa
Đã đăng vào 18/11/2011 lúc 10:23Chính quyền Ấn Độ tuyên bố sẽ sớm gia nhập những quốc gia sở hữu tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
“Câu lạc bộ” ICBM hiện chỉ bao gồm Mỹ, Nga và Trung Quốc, vốn sở hữu những tên lửa chiến lược có tầm bắn 5.500 km hoặc hơn. Tuy nhiên, theo báo The Times of India, Ấn Độ sẽ là thành viên mới của nhóm này khi tên lửa đạn đạo Agni-V có khả năng mang đầu đạn hạt nhân được chính thức đưa vào sử dụng.
Sự tự tin của người Ấn
Trong tâm trạng hết sức lạc quan sau vụ thử thành công tên lửa Agni-IV với tầm bắn 3.500 km vào ngày 15.11, các chuyên gia quốc phòng Ấn Độ tuyên bố tên lửa Agni-V, với tầm bắn trên 5.000 km, sẽ được bắn thử trong khoảng thời gian từ tháng 12.2011 đến tháng 2.2012.
|
The Times of India dẫn lời V.K.Saraswat, người đứng đầu Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO), khẳng định quá trình chế tạo Agni-V đang diễn ra “đúng tiến độ”. Ông Saraswat nhấn mạnh Agni-IV và Agni-V không hề kém cạnh những tên lửa cùng loại trên thế giới. Giám đốc chương trình tên lửa Agni là Avinash Chander cho biết ông hoàn toàn tin tưởng có thể cung cấp Agni-V cho quân đội Ấn Độ vào năm 2014. Tên lửa Agni-IV thì sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2013. “Mục tiêu của chúng tôi là chỉ mất khoảng 2-3 năm để đi từ cuộc thử nghiệm đầu tiên đến giai đoạn sử dụng”, ông cho biết thêm.
Một số so sánh AFP dẫn báo cáo do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hồi tháng 6 cho biết nước này đang sở hữu 882 ICBM so với con số 521 tên lửa của Nga. Ngoài ra, quân đội Mỹ có 1.800 đầu đạn hạt nhân còn Nga là 1.537 đầu đạn. Mỹ và Nga cũng đang sở hữu những ICBM có thể bắn trúng các mục tiêu xa 9.000-11.000 km và mang 8-10 đầu đạn mỗi tên lửa. Trong khi đó, theo Washington Post, Trung Quốc hiện có 31 tên lửa Đông Phong 31A có tầm bắn 11.200 km. |
Một khi được triển khai, các tên lửa Agni-IV nặng 20 tấn và Agni-V nặng 50 tấn sẽ giúp Ấn Độ tăng cường khả năng ngăn chặn hạt nhân trước những diễn biến đáng ngại trong khu vực. Với độ chính xác và tính cơ động cao hơn những tên lửa Agni trước đây, Agni-IV và Agni-V sẽ mang lại cho quân đội Ấn Độ sự linh hoạt cần thiết trong các chiến dịch. Theo The Times of India, nếu được phóng từ vùng đông bắc, chúng có thể bắn trúng các mục tiêu nằm sâu bên trong Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang sở hữu tên lửa Đông Phong 31A có khả năng bắn trúng bất kỳ thành phố nào trên đất Ấn.
Khẳng định không chạy đua vũ trang
Tuy nhiên, cũng theo The Times of India, Ấn Độ khẳng định nước này không phải đang tham gia một cuộc chạy đua vũ trang. “Chúng tôi không quan tâm Trung Quốc hoặc Pakistan có bao nhiêu tên lửa mà chỉ muốn có một số lượng tên lửa đủ để bảo vệ đất nước. Chính sách của chúng tôi là có một chiến lược ở chế độ phòng thủ, ngay cả nếu nước khác trong tư thế tấn công”, ông Saraswat nhấn mạnh. Người đứng đầu DRDO nói thêm rằng các tên lửa chiến lược của Ấn Độ được nội địa hóa đến mức “không có chế độ kiểm soát công nghệ” nào có thể vô hiệu hóa chúng.
Thế thì tại sao Ấn Độ không phát triển những loại tên lửa có tầm bắn 10.000 km? DRDO khẳng định họ có khả năng làm điều đó, nhưng chính phủ nước này không muốn gây lo ngại trong khu vực và thế giới. New Delhi chỉ quan tâm đến một “hệ thống ngăn chặn đáng tin cậy” chống lại những mối đe dọa. Ông Saraswat nói trọng tâm hiện tại là cải tiến các tên lửa Agni để đánh bại những hệ thống tên lửa phòng thủ của những đối thủ tiềm tàng. DRDO cũng đang cố gắng chế tạo các đầu đạn MIRV (công nghệ dẫn hướng đa đầu đạn độc lập) để áp đảo các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo.
(Thanhnien)