2013: Duy trì tăng trưởng ở mức cao hơn năm 2012
Đã đăng vào 27/12/2012 lúc 9:17
Với 27 ý kiến phát biểu của các thành viên Chính phủ và lãnh đạo địa phương chủ yếu tập trung vào những giải pháp của năm 2013 là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu.
Đẩy mạnh chuyển đổi mô hình trong nông nghiệp
Thảo luận về những giải pháp chủ yếu thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, lãnh đạo các địa phương nhất trí cho rằng, tăng cường ổn định kinh tế vi mô, kiềm chế lạm phát, tập trung tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, tăng cường quản lý đất đai và tài nguyên môi trường.
Bộ trưởng Cao Đức Phát “tha thiết” đề nghị trong năm 2013, các địa phương khi tiến hành tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng cần chú ý đến tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tập trung phát huy những lợi thế của địa phương. Đối với cây lúa, thế mạnh chung của cả nước, Bộ trưởng đề nghị cần tiếp tục thực hiện theo hướng thâm canh tăng năng suất, tăng hiệu quả, tăng giá trị gia tăng không nhất thiết phải mở rộng diện tích. Mô hình cánh đồng mẫu lớn hiện đã khẳng định hiệu quả và đang được Chính phủ, các Bộ, ngành nghiên cứu cơ chế hỗ trợ để có thể mở rộng áp dụng tại nhiều địa phương trên cả nước.
Để tăng hiệu quả tiêu thụ lúa, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, vấn đề chính vẫn là khâu tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, bên cạnh đó cần có phương án tạm trữ ở cả hộ gia đình và doanh nghiệp. Trong lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy-hải sản, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị lãnh đạo các địa phương chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ giống, đồng thời cũng hướng dẫn nhân dân để có môi trường nuôi trồng đảm bảo yêu cầu.
Trả lời kiến nghị của An Giang về cơ chế đặc thù cho phát triển nuôi trồng cá tra, Bộ trưởng cho biết hiện đã hoàn thành xây dựng Nghị định để trình Chính phủ trong năm 2013. Về việc thành lập Hiệp hội xuất khẩu cá tra, Bộ trưởng cho biết sau khi có ý kiến chính thức của Bộ Nội vụ, dự kiến tháng 1/2013 sẽ có thể ra mắt.
Việc phát triển rừng, thế mạnh của các địa phương miền núi phía Bắc, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn sẽ tiếp tục có cơ chế để khuyến khích người dân, doanh nghiệp, kể cả các tập đoàn kinh tế tham gia trồng, phát triển rừng kinh tế.
Về xây dựng nông thôn mới, hiện tại vẫn còn 44% số xã trên cả nước mới vẫn chưa hoàn thành quy hoạch. Do vậy, Bộ trưởng đề nghị các địa phương cần khẩn trương chỉ đạo cơ sở để triển khai xây dựng quy hoạch trong thời gian sớm nhất, để thực hiện đúng mục tiêu xây dựng nông thôn mới là mọi đầu tư, phát triển đều phải thực hiện theo quy hoạch, có định hướng. Sau khi có quy hoạch, việc triển khai không nhất thiết phải chờ đợi vốn, tiến hành tuần tự mà có thể tập trung giải quyết những hạng mục, tiêu chí ưu tiên.
Các Bộ trưởng Quốc phòng, Công an cũng đã phát biểu ý kiến, đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần tạo ra môi trường ổn định, hòa bình để thực hiện thắng lợi kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2013.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đưa hai ví dụ cụ thể để khẳng định chuyển đổi mô hình tăng trưởng có thể bắt đầu từ những việc nhỏ, cụ thể, gần gũi với người dân. Phó Thủ tướng giới thiệu 2 mô hình là chăn nuôi, tiêu thụ gà ở Bắc Giang và nuôi lợn tại Hà Nam hiện đang triển khai thực hiện theo hướng đổi mới sản phẩm và đổi mới công nghệ, tổ chức tiêu thụ một cách bài bản.
Đối với mô hình chăn nuôi, tiêu thụ gà tại Bắc Giang, mục tiêu đặt ra là cung cấp gà đảm bảo chất lượng cho Hà Nội và các địa phương lân cận. Đến nay, gà Bắc Giang là sản phẩm nông nghiệp sống đầu tiên được cấp Chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, được ký kết tiêu thụ tại Hà Nội và các địa phương lân cận. Bắc Giang là tỉnh có 1,6 triệu dân, nhưng có hơn 700 trang trại, nuôi 32 triệu con gà. Riêng huyện Yên Thế, có 500 ngàn dân nuôi 15 triệu con gà. Có thể nói Bắc Giang là trung tâm nuôi gà lớn nhất cả nước. Lâu nay người dân phải tự tiêu thụ, không có điều kiện để xây dựng thương hiệu. Năm 2011, lần đầu tiên Bộ Khoa học Công nghệ đã cấp Chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa cho gà đồi Yên Thế.
Để đảm bảo chất lượng, uy tín sản phẩm, Phó Thủ tướng cho biết cán bộ thú ý sẽ có mặt tại từng hộ chăn nuôi để theo dõi, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn, chất lượng cho sản phẩm. Lồng gà từ Bắc Giang sẽ được kẹp chì niêm phong trước khi đưa về Hà Nội, tập trung giới thiệu sản phẩm tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Về tổ chức, Bắc Giang đã phân công Sở Công Thương chủ trì liên ngành để quản lý, hỗ trợ từng hộ chăn nuôi. Hàng tuần tổ chức giao ban cấp tỉnh về chuyên đề kinh doanh gà. “Như vậy đã hình thành một cơ chế hỗ trợ sản phẩm nông nghiệp. Nếu thực hiện tốt sẽ tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, nâng cao đời sống của người chăn nuôi, đồng thời quản lý được chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm,” Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng giới thiệu mô hình chăn nuôi lợn ứng dụng đệm sinh học tại Hà Nam giúp tiết kiệm chi phí, đảm bảo vệ sinh môi trường, chất lượng sản phẩm. Theo đó, lợn được nuôi trên đệm sinh học, không cần tắm nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh môi trường, không có mùi, không gây ô nhiễm, hạn chế tối đa tác nhân gây bệnh. Được sự khuyến khích của địa phương, ban đầu chỉ từ vài chục hộ tham gia, đến nay đã có hơn 1000 hộ. Năm 2013, Hà Nam sẽ tăng lên khoảng 1000 hộ nuôi nữa để đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Trong 5 năm qua các hộ này đã cung cấp cho thị trường hơn 30 ngàn con lợn đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, trong cả năm 2012 không phát sinh bệnh tật trên tất cả các hộ nuôi theo công nghệ mới này.
“Như vậy với 2 sản phẩm nông nghiệp truyền thống nhưng được nuôi theo công nghệ mới, tổ chức quản lý chất lượng, phân phối chặt chẽ đã đem lại hiệu quả rất lớn. Qua hai mô hình này, các địa phương nên có cơ chế để khuyến khích ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào sản xuất những sản phẩm truyền thống, có mô hình quản lý chất lượng, phân phối một cách bài bản” – Phó Thủ tướng kết luận.
Ưu tiên cho tập trung tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, với tinh thần tích cực, khẩn trương, trong 1,5 ngày tập trung thảo luận, lãnh đạo của các Bộ, ngành địa phương đã có những đánh giá, đóng góp thiết thực vào Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 2012; Nghị quyết về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2012.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, đối với các kiến nghị của các địa phương liên quan đến cơ chế, chính sách chung, Văn phòng Chính phủ tiếp thu để đưa vào Nghị quyết về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; đối với những kiến nghị cụ thể của các địa phương, đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp thành văn bản gửi các Bộ, ngành chức năng xem xét theo thẩm quyền và trả lời các địa phương.
Đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, bước vào năm 2012, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức; những khó khăn thách thức lớn hơn so với dự báo từ đầu năm; song với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, năm 2012, nước ta đã đạt được những chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực.
Theo đó, chúng ta đã cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đề ra cho năm năm 2012, cụ thể đã thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý (trong khó khăn vẫn duy trì được tăng trưởng trên 5%); nông nghiệp phát triển ổn định; công nghiệp từng bước được phục hồi; các chính sách an sinh xã hội được quan tâm, đảm bảo (tỷ lệ hộ nghèo tuy chưa giảm được 2% theo mục tiêu đề ra nhưng cũng đã giảm được 1,76%); chính trị xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững; vai trò và vị thế của đất nước không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế.
Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế, trong đó nổi lên là kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc; nợ xấu ngân hàng ở mức cao; tái cơ cấu nền kinh tế gắn với xử lý hàng tồn kho, nợ xấu còn chậm, có mặt còn lúng túng; nhiều vấn đề xã hội còn bức xúc; các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư còn bất cập… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, thực trạng này đòi hỏi sự sự nỗ lực cố gắng và quyết tâm cao hơn nữa của các Bộ, ngành, địa phương trong xử lý, khắc phục.
Đề cập đến nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, phải ưu tiên cho tập trung tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, đưa lạm phát thấp hơn năm 2012 (giữ lạm phát năm 2013 khoảng 6%) đồng thời duy trì tăng trưởng ở mức cao hơn năm 2012.
Với tinh thần chung như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, theo thông thường, giá cả tăng cao chủ yếu tập trung vào những tháng đầu năm, do đó các Bộ, ngành, địa phương phải kiểm soát giá cả, lạm phát ngay từ tháng 1, quý 1/2013; không để tình trạng thiếu hàng, sốt giá, găm hàng, đẩy giá lên cao; đồng thời phát huy tốt hơn nữa cơ chế về bình ổn giá. Đồng thời, tập trung điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, hiệu quả; sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ gắn kết chặt chẽ với chính sách tài khóa theo mục tiêu kiềm chế lạm phát, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo tăng trưởng hợp lý. Cùng với đó là phải đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành lãi suất và tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, mục tiêu kiềm chế lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; đảm bảo an toàn thanh khoản và hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng; giữ vững sự ổn định về tỷ giá. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đảm bảo cân đối thu chi ngân sách; thực hiện thu chi theo đúng kế hoạch, triệt để tiết kiệm chi, giảm bội chi ngân sách nhà nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành và địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh trong đó lưu ý thực hiện các biện pháp phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn tín dụng với lãi suất hợp lý để phát triển sản xuất kinh doanh; ưu tiên vốn tín dụng cho sản xuất hàng xuất khẩu, nông nghiệp; tăng hạn mức tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn; hoàn thiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Cùng với đó là tập trung thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm, xử lý hàng tồn kho, giải quyết nợ xấu. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; tận dụng mọi khả năng để tăng xuất khẩu vào thị trường truyền thống, đồng thời tăng cường các biện pháp thâm nhập vào các thị trường mới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý các địa phương quan tâm đến hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, không ngừng cải thiện môi trường môi trường đầu tư, tạo các điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong vào ngoài nước bỏ vốn kinh doanh, đầu tư. Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt phải tạo được những chuyển biến thực sự, khắc phục dàn trải trong đầu tư công; tiết giảm chi phí, đảm bảo chất lượng, hiệu quả của các công trình đầu tư công.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện tốt hơn nữa công tác đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, trong đó chú trọng tới các giải pháp đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; tập trung giảm nghèo theo hướng nhanh và bền vững nhất là ở các huyện nghèo; thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, đối tượng chính sách, hộ nghèo… Đồng thời, tiếp tục quan tâm đến công tác cải cách hành chính; phòng chống tham nhũng, lãng phí; đảm bảo trật tự an toàn giao thông; phòng chống tội phạm xã hội, kiên quyết không để gia tăng các loại hình tội phạm; giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội; thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; bảo vệ vững chắc biên giới, chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Đặc biệt phải hết sức cảnh giác, đấu tranh đối với kẻ sấu lợi dụng công nghệ cao, Internet để bôi nhọ, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước và phá hoại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta cũng như dứt khoát không để nhen nhóm sự xuất hiện của các tổ chức phản động trên bất cứ địa bàn nào.
Nhấn mạnh Tết Nguyên đán 2013 đang đến gần, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, các Bộ, ngành, địa phương phải đảm bảo đủ cung cầu hàng hóa, không để tình trạng đầu cơ, tăng giá; tạo các điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, về quê ăn Tết; thực hiện quyết liệt các biện pháp giữ gìn trật tự và giảm thiểu tại nại giao thông; phòng, chống buôn bán, vận chuyển và đốt pháo nổ, đảm bảo cho nhân dân đón Xuân mới vui tươi, an toàn, đầm ấm vào lành mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, các Bộ, ngành, địa phương phải có sự phối hợp chặt chẽ trong hành động; triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành, địa phương mình; đồng thời làm tốt công tác cung cấp thông tin cho nhân dân, dư luận, qua đó tạo sự đồng thuận, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đề ra cho năm 2013./.