Những ‘đại công trình’ hứa hẹn tạo bước ngoặt cho khoa học năm 2021
Đã đăng vào 26/02/2021 lúc 15:18Hàng loạt cơ sở nghiên cứu hoành tráng đang được xây dựng ở những môi trường khắc nghiệt nhằm hỗ trợ giới khoa học giải quyết nhiều vấn đề lớn của Trái đất, đồng thời tìm kiếm dấu hiệu sự sống trên các hành tinh khác.
Trạm nghiên cứu chìm trong nước biển
Dự án Proteus sẽ bắt đầu trong năm 2021. Khi hoàn thành, Proteus sẽ là trạm nghiên cứu khoa học dưới nước tiên tiến nhất thế giới, góp phần vào việc nghiên cứu môi trường sống dưới đáy biển và giải quyết nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, nước biển dâng…
Thiết kế là sự hợp tác giữa kiến trúc sư người Thụy Sĩ Yves Behar và Trung tâm Học tập đại dương Fabien Cousteau (Mỹ). Dự kiến khu phức hợp sẽ rộng hơn 371m2, được cung cấp năng lượng sạch từ đại dương, mặt trời và gió.
Proteus sẽ như phiên bản dưới nước của Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS), là một nền tảng hợp tác toàn cầu giữa các nhà nghiên cứu, học giả, cơ quan chính phủ và các tập đoàn hàng đầu thế giới, vì khoa học và phát triển.
Mô hình Proteus đầu tiên sẽ được đặt nằm sâu 20 mét dưới bề mặt nước biển ngoài khơi đảo Curacao ở Caribê.
Ngoài các phòng nghiên cứu hiện đại, Proteus sẽ bao gồm cả những căn hộ cho du khách tham quan, đồng thời có một nhà kính để trồng trọt dưới nước, được giữ cân bằng bằng năng lượng nhiệt.
Trạm nghiên cứu nơi “tận cùng” Trái đất
Trong năm 2021, công ty thiết kế Kurylowicz & Associates, có trụ sở tại Warsaw (Ba Lan), sẽ đảm nhiệm tân trang lại trạm nghiên cứu Henryk Arctowski 40 năm tuổi. Trạm thuộc sở hữu của Ba Lan, nằm trên đảo King George ngoài khơi lục địa Nam Cực.
Henryk Arctowski sẽ được bổ sung một tòa nhà hiện đại, bên cạnh những phòng thí nghiệm riêng lẻ đã tồn tại nhiều năm qua.
Tòa nhà này có thiết kế độc lạ, trong đó về tổng thể sẽ được nâng cao hơn mặt đất 3m, cho phép nước, gió và tuyết di chuyển bên dưới cấu trúc.
Trong tòa nhà có hẳn một nhà kính hiện đại cung cấp thực phẩm sạch cho các nhà khoa học.
Năng lượng vận hành tòa nhà sẽ đến từ các tuabin gió gần đó. Điều này giúp đảm bảo điều kiện sống và làm việc của những nhóm nghiên cứu trong tình trạng thời tiết thường xuống dưới 0 độ C.
Phòng nghiên cứu nơi “cuối trời” Nam Mỹ
Trung tâm nghiên cứu cận Bắc Cực Cape Horn dự kiến hoàn thành vào năm 2021. Trung tâm đặt trên hòn đảo nổi tiếng Cape Horn (thuộc Chile), được xem là một trong những nơi tận cùng của Nam Mỹ.
Nhiệm vụ của trung tâm sẽ là nghiên cứu hệ sinh thái vùng phía nam Nam Mỹ, đồng thời phân tích môi trường vùng cận Nam Cực. UNESCO cũng xem công trình này trong tương lai sẽ là một nơi hội tụ của những người đam mê khoa học môi trường.
Được thiết kế bởi công ty nổi tiếng Ennead (Mỹ) và các kiến trúc sư Cristian Ostertag Chavez – Grupo Cuatro (Chile), phòng thí nghiệm theo phong cách hạn chế tối đa tác động đến môi trường tự nhiên, vốn rất phong phú ở Cape Horn.
Đặc biệt, thiết kế sẽ bao gồm hệ thống thu gom ánh sáng, gió, nước mưa để vận hành tòa nhà và phục vụ nghiên cứu.
Ngôi làng trung tính carbon đầu tiên trên sa mạc
Trạm tái sinh sinh học thực nghiệm (EBIOS) là “đại công trình” hợp tác giữa phòng thí nghiệm Interstellar Lab và NASA, sẽ bắt đầu được xây dựng tại sa mạc Mojave, California vào năm 2021.
EBIOS là dự án thử nghiệm ngôi làng khép kín đầu tiên trên Trái đất, trung tính carbon và có khả năng tự duy trì sự sống cho khoảng 100 cư dân, bao gồm các nhà khoa học, những tình nguyện viên…
Khu làng này sẽ bao gồm một mạng lưới các quần xã sinh vật độc lập, mỗi khu vực đều có mục đích riêng: từ tái chế nước, trồng cây làm thực phẩm đến sản xuất năng lượng. Từng khu chức năng đều được đặt trong những tòa nhà với mái vòm đa sắc.
Ngoài ra, công trình này sẽ được sử dụng giúp các phi hành gia làm quen với cuộc sống trên sao Hỏa trong thập niên 2030. Ngôi làng hứa hẹn cũng sẽ là điểm du lịch hấp dẫn cho những ai muốn trải nghiệm môi trường sống ngoài vũ trụ ngay trên Trái đất.
(tuoitre.vn)