Châu Âu chống thắt lưng buộc bụng
Đã đăng vào 14/05/2012 lúc 10:52
Ngày 13-5, hơn 200.000 người Tây Ban Nha tức giận với viễn cảnh kinh tế đáng lo ngại và cách xử lý cuộc khủng hoảng tài chính đã xuống đường biểu tình. Cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra ở nhiều quốc gia khác trong Liên minh châu Âu (EU).
Đợt tuần hành diễn ra đúng dịp kỷ niệm 1 năm nổ ra phong trào “Indignant” (Những người phẫn nộ) tại Tây Ban Nha. Hàng chục ngàn người biểu tình ở Madrid đã đổ về quảng trường Puerta del Sol – nơi phát động phong trào “Indignant” vào tối 12-5 và dự định ở đó trong ba ngày. Tuy nhiên, nhà chức trách cảnh báo sẽ không cho phép bất cứ người nào cắm trại qua đêm và đã điều động hàng ngàn cảnh sát chống bạo động theo dõi diễn biến vụ tuần hành. Ngoài Madrid, 20.000 người cũng đã xuống đường biểu tình tại Barcelona. Các cuộc tuần hành cũng diễn ra tại Bilbao, Malaga, Seville và nhiều thành phố, thị trấn tại Tây Ban Nha. Theo các nhà tổ chức, cuộc biểu tình đã thu hút hơn 200.000 người và dự kiến sẽ kết thúc vào cuối ngày 15-5.
Cùng ngày, biểu tình cũng diễn ra ở các thành phố khác của châu Âu. Ở Anh, vài trăm người biểu tình chống chủ nghĩa tư bản thuộc phong trào Occupy (Chiếm đóng) đã tuần hành hòa bình qua quận tài chính của London, tập trung bên ngoài các văn phòng của những tập đoàn ngân hàng lớn như Merrill Lynch và Santander. Trong khi đó, hàng trăm người cũng xuống đường ở Brussels, Lisbone thuộc Bỉ kêu gọi chính phủ ban hành một loạt biện pháp, trong đó có đánh thuế toàn cầu đối với các giao dịch tài chính và thiết lập các cơ quan tài chính quốc tế dân chủ hơn. Làn sóng biểu tình tương tự cũng diễn ra tại Rome, Italia. Những người ủng hộ cánh tả biểu tình phản đối các chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ Thủ tướng Monti. Ở Hungary, một nhóm những người ủng hộ phong trào cánh hữu của đảng Jobbik đã biểu tình phản đối các chính sách cải cách kinh tế của chính phủ trước trụ sở đảng cầm quyền Fidesz. Vào ngày 15-5 năm ngoái, làn sóng biểu tình bùng phát và thu hút hàng trăm ngàn người tự xưng là phong trào Những người phẫn nộ. Các cuộc biểu tình sau đó lan ra khắp Tây Ban Nha và châu Âu trong bối cảnh tâm lý chống chính sách thắt lưng buộc bụng ngày một gia tăng.
Các cuộc biểu tình nổ ra tại châu Âu cho thấy chính sách cải cách kinh tế của các chính phủ châu Âu đang làm nảy sinh những làn sóng phẫn nộ lớn và các chính sách trên có dấu hiệu “lung lay” sau cuộc bầu cử Tổng thống tại Pháp cũng như bầu cử Quốc hội tại Hy Lạp vừa qua. Ngay cả Mỹ cũng có những nghi ngờ về hiệu quả của chính sách này cho dù Thủ tướng Đức Merkel vẫn quả quyết đây là một trong những cách tốt nhất để châu Âu thoát khỏi khủng hoảng tài chính. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) còn chỉ trích các biện pháp khắc khổ mà chính phủ các nước châu Âu đang theo đuổi. Trong báo cáo “Lao động thế giới 2012”, ILO cho rằng những biện pháp này không những không giúp giảm thâm hụt ngân sách mà còn phá hoại thị trường lao động trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu tăng cao. Các chuyên gia phân tích của Tập đoàn Citi Group dự báo Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ireland sẽ tiếp tục bị hạ điểm tín nhiệm tín dụng trong năm nay. Việc 1 hoặc 2 hãng xếp hạng tín dụng hạ điểm của một nền kinh tế sẽ khiến các thể chế tài chính thắt chặt điều kiện cho vay. Điều này sẽ càng làm căng thẳng thị trường tài chính châu Âu vốn đang thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng và gia tăng sự lo ngại trong giới đầu tư. Hãng xếp hạng tín dụng Moody’s đã đánh tụt hạng tín dụng của hầu hết các ngân hàng thuộc khu vực đồng tiền chung và thông báo trong tháng 5 này sẽ đưa quyết định cuối cùng về xếp hạng tín dụng của hệ thống ngân hàng châu Âu hiện nay.
(SGGP) |