Chính phủ Romania sụp đổ: Bức tranh EU thêm u ám

Đã đăng vào 09/02/2012 lúc 9:02

Chính phủ Romania vừa ghi tên gia nhập danh sách các nạn nhân của cuộc khủng hoảng nợ Châu Âu sau khi Thủ tướng Emil Boc vừa buộc phải tuyên bố từ chức và giải tán nội các.

Đây là hành động được cho là nhằm xoa dịu làn sóng phản đối trong nước xung quanh chương trình thắt lưng buộc bụng gây ảnh hưởng nặng nề tới hệ thống phúc lợi xã hội của nước này.

Sự sụp đổ của nội các Emil Boc là hệ quả đầu tiên kể từ khi nước này áp dụng hàng loạt biện pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách, nhằm đổi lấy khoản vay trị giá 20 tỷ euro (26 tỷ USD) từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Liên minh Châu Âu (EU) và Ngân hàng Thế giới (WB) vào năm 2009. Đó là lúc ngân sách Romania đang hao hụt, không đủ tiền để trả lương và chế độ hưu cho người dân, đồng thời nền kinh tế suy giảm 7%.
 

Các cuộc biểu tình kéo dài đã gây áp lực buộc Chính phủ Romania phải giải tán.

Về thu nhập bình quân đầu người, Romania là nước nghèo thứ hai trong khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), với 350 euro/tháng. Con số này chỉ bằng một phần tư so với mức lương tối thiểu ở Pháp. Tuy nhiên, về nợ công, tình hình của Romania không quá nghiêm trọng nếu so với một số nạn nhân khác trong cuộc khủng hoảng nợ hiện nay. Tỷ lệ nợ công của Romania thuộc hàng thấp thứ tư trong khu vực EU. Trong lúc nợ công tại các nước như Bồ Đào Nha, Ireland chiếm tới 80%, 90% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thậm chí như Hy Lạp chiếm tới 130% GDP thì tại Romania, con số này là 31%.

Năm 2011, Romania còn khiến cả cựu lục địa phải ngỡ ngàng khi đạt mức tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực (1,9%), trong khi mức tăng trưởng kinh tế của toàn EU chỉ đạt 0,2%. Mặc dù vậy, điều kiện khắt khe từ khoản vay 20 tỷ euro khiến Chính phủ Romania không còn lựa chọn nào khác là phải "thắt lưng buộc bụng". Và giống như nhiều quốc gia khác trong khu vực từng áp dụng liệu pháp này, bất ổn xã hội bắt đầu nổi lên khi người dân cảm nhận được tác động của gói cắt giảm quy mô lớn.

Điều đáng nói là, những rắc rối trên chính trường Romania không chỉ dừng lại ở vấn đề kinh tế. Nhiều nhà quan sát cho rằng, sự ra đi của Thủ tướng E.Boc còn có một nguyên nhân từ tình trạng đối địch sâu sắc giữa các đảng phái chính trị trong những năm gần đây. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Trajan Basescu lại lựa chọn ông Mihai Razvan Ungureanu – người đứng đầu cơ quan tình báo làm thủ tướng kế nhiệm. Nhiều khả năng đây là giải pháp dung hòa tình trạng bất đồng và ngăn ngừa khủng hoảng chính trị có thể nổ ra vì ông M.Ungureanu là bộ trưởng duy nhất trong nội các không thuộc bất cứ đảng phái nào.

Sinh năm 1968, tân Thủ tướng Romania đã tốt nghiệp hệ cao học của Đại học Oxford (Anh) chuyên ngành lịch sử triết học và từng giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao giai đoạn 2004-2007. Nhiều nhà quan sát cho rằng, với vị trí trung dung, ông M.Ungureanu có nhiều thuận lợi trong quá trình đàm phán với thủ lĩnh các đảng trong liên minh cầm quyền để tìm kiếm "công thức tối ưu" cho nội các mới. Và đúng với dự đoán, ngày 8-2, chỉ hai ngày sau khi chính phủ sụp đổ, Thủ tướng M.Ungureanu đã công bố danh sách nội các mới. Ngày 9-2, Quốc hội Romania sẽ bỏ phiếu thông qua danh sách này. Tuy nhiên, thách thức với cựu Giám đốc Cơ quan tình báo đối ngoại (SIE) sẽ là không nhỏ khi tình hình Romania cũng như nhiều quốc gia trong EU khác rất cần một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm liên quan tới quản lý và điều hành nền kinh tế, tài chính.

Những gì diễn ra tại Romania khiến bức tranh EU vốn đã u ám càng trở nên tồi tệ. Những nỗ lực cứu vãn "ngôi nhà chung" với 27 thành viên khỏi tình trạng "tan đàn, xẻ nghé" đang ngày một suy kiệt trước hàng loạt thông tin tiêu cực ồ ạt đổ về. Ngày 8-2, các chính đảng ở Hy Lạp lại trì hoãn đàm phán về điều kiện nhận gói cứu trợ vỡ nợ thứ hai từ EU và IMF khiến dư luận lo ngại quốc gia này bắt đầu nản chí với các vấn đề về tài chính. Trong khi đó, tại Anh, một nhóm nghị sĩ được thành lập với tên Cam kết vì nhân dân tuyên bố sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên về tư cách thành viên của Anh trong EU tại 1/13 khu vực bỏ phiếu Quốc hội.

Nhóm này cũng dự kiến tiến hành hơn 100 đợt bỏ phiếu khác trên toàn quốc vào năm 2013. Tuy kết quả trưng cầu không có giá trị pháp lý, mà chỉ nhằm tạo sức ép buộc chính phủ tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý chính thức, nhưng điều này chứng tỏ sự hoài nghi về mục đích tồn tại của EU đang ngày một gia tăng ngay trong nội bộ khối này.

 

(Hanoimoi)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Lâm Hồ Sỹ
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo