Hội nghị Trung ương 3: Dân chủ, trí tuệ và tinh thần trách nhiệm cao
Đã đăng vào 10/10/2011 lúc 22:26Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, các đồng chí tham dự Hội nghị đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, phát huy dân chủ, trí tuệ, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào các báo cáo, dự thảo, kế hoạch, đề án với các kết quả chủ yếu nổi bật.
|
Đánh giá rõ các nguyên nhân khách quan và chủ quan
Theo Tổng Bí thư, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, xem xét các vấn đề một cách khách quan, khoa học, Hội nghị Trung ương 3 đã thống nhất đánh giá về tình hình KT-XH đất nước, nguyên nhân của những khó khăn, thách thức hiện nay và xu thế phát triển trong thời gian tới.
Ban Chấp hành Trung ương ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực to lớn của toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phấn đấu khắc phục nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian gần đây, đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng như tốc độ tăng GDP 9 tháng đầu năm 2011 đạt 5,76%, cả năm ước đạt 5,8-6%.
Tuy nhiên, một số chỉ tiêu quan trọng về phát triển KT-XH năm 2011 chưa hoàn thành, nhất là mục tiêu về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Đến nay KT-XH nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định, lạm phát vẫn ở mức cao, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát.…
Tình hình nêu trên có nguyên nhân khách quan là do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu. Nguyên nhân chủ quan là do yếu kém nội tại của nền kinh tế, với mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế lạc hậu, kém hiệu quả, tích tụ kéo dài, chậm được khắc phục và do những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp, các ngành. Đặc biệt, trong điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa, quản lý quy hoạch, đầu tư, đất đai, tài nguyên, thị trường bất động sản…
Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Trong quản lý điều hành, cần phấn đấu để đạt kế hoạch toàn diện, song tùy tình hình mà sắp xếp thứ tự ưu tiên, sao cho hợp lý nhất – Ảnh Chinhphu.vn |
Bước vào năm 2012 và kế hoạch 5 năm, Tổng Bí thư cho biết, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu phải nắm vững và giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng giữa tốc độ tăng trưởng và chất lượng phát triển; giữa tăng trưởng cao và ổn định kinh tế vĩ mô; giữa kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; giữa phát triển nền kinh tế với phát triển văn hóa; giữa phát triển nền văn hóa với bảo đảm an sinh xã hội.
Trong quản lý điều hành, cần phấn đấu để đạt kế hoạch toàn diện, song tùy tình hình mà sắp xếp thứ tự ưu tiên, sao cho hợp lý nhất.
Trong năm 2012 và những năm tiếp theo vẫn phải tiếp tục thực hiện Kết luận 02/KL-TW của Bộ Chính trị, ưu tiên hàng đầu cho việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng cao hơn cho những năm cuối Kế hoạch 5 năm.
Trung ương khẳng định mục tiêu tổng quát của 5 năm 2011-2015 theo tinh thần Đại hội XI là phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát đó, Hội nghị lần này nhất trí để Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, quyết định phương án tăng trưởng cụ thể với một số chỉ tiêu chủ yếu tương ứng các mặt như tốc độ tăng trưởng, mức lạm phát, bội chi ngân sách, nợ công, nhập siêu… ở mức hợp lý. Song lưu ý thêm là trong mọi trường hợp phải cố gắng bảo đảm thực hiện các mục tiêu xã hội như tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Tái cấu trúc nền kinh tế tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng nhất
Theo Tổng Bí thư, một nội dung mới rất quan trọng được Hội nghị Trung ương xem xét, quyết định là phải tái cơ cấu nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đây là nhiệm vụ rất lớn và phức tạp đòi hỏi phải được triển khai thực hiện đồng bộ trong tất cả các ngành, lĩnh vực trên phạm vi cả nước và từng địa phương, đơn vị cơ sở trong nhiều năm.
|
Trong 5 năm tới cần tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng nhất là tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công, cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. Tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công chỉ có thể thành công trên cơ sở tiếp tục đổi mới tư duy và phương pháp xây dựng tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm và 5 năm để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả nhất theo thứ tự ưu tiên hợp lý nhất các nguồn lực của nhà nước và xã hội, nội lực và ngoại lực cho đầu tư phát triển theo quy hoạch.
Tổng Bí thư chỉ rõ, Ban Chấp hành Trung ương cũng lưu ý, nhấn mạnh định hướng chính sách, biện pháp bảo đảm an ninh lương thực gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an ninh năng lượng và giữ vững ổn định chính trị. Do đó, kiên quyết giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa, có chính sách điều tiết ngân sách hợp lý đối với vùng đồng bằng, nhất là đồng bằng sông Cửu Long để những vùng này chuyên tâm sản xuất, chế biến lúa gạo và các hàng nông sản, thực phẩm khác đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu.
Ban hành 3 văn bản về thi hành Điều lệ Đảng
Hội nghị đã cho ý kiến hoàn chỉnh và quyết định ban hành 3 văn bản quan trọng về thi hành Điều lệ Đảng nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Ban Chấp hành Trung ương đã cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng như: Ban cán sự đảng, đảng đoàn lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát; tổ chức bộ máy giúp việc của ban cán sự đảng, đảng đoàn; về một số vấn đề đảng viên không được làm; các cơ quan tham mưu giúp việc chuyên trách của đảng ủy khối…; đã quyết định ban hành "Quy định thi hành Điều lệ Đảng khóa XI"; "Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng"; và "Quy định những điều đảng viên không được làm".
Các quy định này đã cụ thể hóa nhiều nội dung quan trọng của Điều lệ Đảng khóa XI, có sự kế thừa quy định của các khóa trước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành Điều lệ Đảng; nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên.
( Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ/TTO)