Suy thoái vẫn đe dọa Châu Âu

Đã đăng vào 14/01/2013 lúc 11:24

Trong số những nhà lãnh đạo Châu Âu đang nắm sứ mệnh chèo lái Lục địa già vượt sóng dữ nợ nần thì Tổng thống Pháp Francois Hollande là người lạc quan nhất. Những tuyên bố của ông chủ Điện Elysées luôn phản ánh một niềm tin rằng dường như cuộc khủng hoảng của Châu Âu đang lùi lại phía sau.

Thế nhưng, những số liệu mới nhất về kinh tế Pháp lại không được lạc quan như thế. Với mức giảm 0,1% trong quý IV năm 2012 sau khi đã giảm tương tự trong quý trước đó, Ngân hàng trung ương Pháp (BoF) đã phải rung chuông cảnh báo rằng, nền kinh tế lớn thứ hai Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) đã rơi vào suy thoái kỹ thuật.
 

 

Tình trạng thất nghiệp gia tăng là vấn đề nan giải tại Châu Âu.
Tình trạng thất nghiệp gia tăng là vấn đề nan giải tại Châu Âu.

Chiến thắng của ông F.Hollande trong cuộc bầu cử Tổng thống (5-2012) đã đánh dấu sự trở lại của một chính phủ Xã hội tại Pháp sau 17 năm. Cuộc chuyển màu lịch sử của Điện Elysées cách đây 8 tháng nhen nhóm niềm hy vọng một sự đổi thay về kinh tế. Với khuynh hướng dân túy, ông F.Hollande đề cao chính sách nới lỏng "thắt lưng buộc bụng" và thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá. Trong những ngày đầu tiên với vai trò công dân số 1 của nước Pháp, Tổng thống F.Hollande đã ráo riết thực thi những biện pháp để mang lại chiếc áo mới cho cường quốc số 2 Eurozone. Các bước điều chỉnh quan trọng trong đó ưu tiên việc nâng cao sức cạnh tranh của ngành công nghiệp Pháp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và giảm thâm hụt thương mại đang ở mức cao được đánh giá là những bước đi đúng hướng nhằm đặt con tàu vào đường ray. Kết quả là, lạm phát của Pháp đã xuống thấp hơn mức trung bình 2,2% của Eurozone, sản lượng công nghiệp tháng 11-2012 đã tăng 0,5% so với tháng 10. Nhưng rốt cuộc đất nước hình Lục lăng về cơ bản vẫn bị đẩy trở lại suy thoái nhẹ. Những bước tăng trưởng mong manh vừa đạt được xem ra chưa đủ bảo đảm một điểm cộng tăng trưởng vững vàng.

Bên kia eo biển Manche, đảo quốc Sương mù cũng đang ngấp nghé bờ vực suy thoái một lần nữa sau khi vừa thoát khỏi suy thoái kép trong quý III-2012. Hoạt động dịch vụ – chỉ số quan trọng để đo lường sức khỏe nền kinh tế Anh lần đầu tiên giảm trong hai năm qua cùng các số liệu yếu ớt về nhu cầu tiêu dùng nội địa là cơ sở cho mối quan ngại được cho là không hề xa xôi. Bên cạnh lòng tin của các doanh nghiệp không mấy lạc quan, nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới và nằm ngoài Eurozone này còn phải đối diện với hàng loạt thách thức từ lạm phát giảm với tốc độ "rùa bò" so với dự kiến đến những mặt trái của các chương trình thắt chặt chi tiêu mà chính phủ Thủ tướng David Cameron đang thực hiện.

Vậy là, không chỉ con bệnh số 1 Hy Lạp vốn nổi tiếng về tăng trưởng âm hay Tây Ban Nha chật vật giải quyết đống nợ nần… suy thoái thực sự là cơn ác mộng mới với Lục địa già trong năm 2013. Trong vô số nguyên nhân, "thắt lưng buộc bụng" đã được chỉ ra như "tội đồ" của tình trạng gài số ngược này. Chẳng phải đến bây giờ, mà đã từ lâu, các chuyên gia kinh tế luôn cảnh báo rằng chi tiêu kham khổ nhằm giảm thâm hụt ngân sách cũng sẽ làm tiêu tan triển vọng tăng trưởng kinh tế của Châu Âu. "Bài thuốc" áp dụng cho mọi đối tượng mắc nợ theo công thức của phép cộng giữa cắt giảm tối đa chi tiêu công và tăng thuế bù ngân sách đã lộ ra mặt trái là thất nghiệp tràn lan, mất cân bằng nghiêm trọng chi tiêu xã hội và giảm tiêu thụ nội địa… Trong một nền kinh tế có sự phụ thuộc lẫn nhau mạnh mẽ của liên minh tiền tệ lớn nhất thế giới (Eurozone), tình trạng chi tiêu dè sẻn tại quốc gia này tất yếu sẽ dẫn đến sự thu hẹp giao thương với quốc gia khác. Và như vậy, khi môi trường kinh doanh trong Eurozone bị giảm sút nghiêm trọng, khả năng cùng nhau thoát nợ của các quốc gia trong khối là không hề đơn giản; bởi, mỗi thành viên đều có khả năng mang đến suy thoái cho quốc gia láng giềng khi chi tiêu giảm.

Tuy nhiên, người đứng đầu nền kinh tế hùng mạnh nhất Eurozone, Thủ tướng Đức Angela Merkel lại nghĩ khác. Là người ủng hộ kiên quyết và tuyệt đối chính sách tài chính ngặt nghèo để giảm gánh nặng nợ nần ở những thành viên đang mất cân bằng thu chi, "Bà đầm thép" của Châu Âu là người luôn đưa ra những đánh giá thận trọng nhất. Do đó, nhận định năm 2013 thậm chí là một năm khó khăn hơn với Lục địa già so với năm 2012 của bà A.Merkel cho thấy những mảng màu xám như vẫn đang ám ảnh bức tranh kinh tế Châu Âu. Vậy, những ngày đen tối nhất đã qua hay vẫn ở phía trước? Không ai có lời giải đáp chắc chắn cho mối nghi hoặc này; song, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, người Châu Âu đã đi qua những ngày đầu tiên của năm mới với niềm tin tưởng rằng ngày mai sẽ tốt đẹp hơn.

 
 
 
(Hanoimoi)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Cao Xuân Thu Ngọc 
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo