Mười sự kiện thế giới nổi bật năm 2012

Đã đăng vào 03/01/2013 lúc 7:14

Nhìn lại năm 2012 với hàng loạt sự kiện, ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt đời sống nhân loại. 10 sự kiện thế giới nổi bật trong năm 2012 do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam bình chọn.

1. Năm 2012 diễn ra các cuộc bầu cử và chuyển giao quyền lực tại các nước có ảnh hưởng trên thế giới

 

 

 Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Ria Novosti)

 

 

 

Tại Nga : Với 63,75% số phiếu ủng hộ, ông Nga Vladimir Putin đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga diễn ra hồi tháng 3/2012. Trước những thành tựu lãnh đạo mà ông Putin đã mang lại cho người dân Nga trong suốt 2 nhiệm kỳ lãnh đạo trước (năm 2000-2008) thì đây hoàn toàn là một kết quả nằm trong tầm dự báo của nhiều người. Phát biểu ngay sau khi được công bố tái đắc cử Tổng thống Nga nhiệm kỳ 3, ông Putin cam kết sẽ tiếp tục làm việc vì lợi ích của đất nước; Cải cách hệ thống chính trị và phát huy dân chủ; Thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; Tăng cường quốc phòng và củng cố an ninh quốc gia; Thực hiện chính sách đối ngoại độc lập.

Tại Pháp: Sau khi giành được 52% số phiếu ủng hộ, ông Francois Hollande đã giành chiến thắng tại vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống Pháp hôm 6/5, trở thành thành viên đảng Xã hội đầu tiên đắc cử tổng thống kể từ khi ông Francois Mitterrand rời điện Elysee vào năm 1995.

 

Tại Trung Quốc: Ngày 8/11, Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh. Đây là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng, đánh dấu sự chuyển giao lãnh đạo tại Trung Quốc sau 10 năm và đề ra định hướng phát triển cho 10 năm tới. Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 diễn ra vào giai đoạn quyết định của quá trình Trung Quốc hoàn thành mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội khá giả.

Tại Mỹ: Tháng 11/2012, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2012 đã ghi nhận “cú lội ngược dòng đầy ngoạn mục” của đương kim Tổng thống Barack Obama. Tuy bị mất điểm trong vòng tranh luận trực tiếp đầu tiên với đối thủ đảng Cộng hòa Mitt Romney song tại các vòng tranh luận tiếp theo, ông Obama đã lấy lại ưu thế và giành được thắng lợi cuối cùng với 332 phiếu đại cử tri và 51% phiếu phổ thông ủng hộ. Chiến thắng này của ông Obama là một sự ghi nhận của người dân Mỹ năng lực lãnh đạo của ông đã mang lại những thay đổi lớn lao ở nước Mỹ trong nhiệm kỳ suốt 4 năm qua. 

Tại Hàn Quốc: Sau khi giành chiến thắng sít sao trước đối thủ Moon Jae-in thuộc đảng Liên minh Dân chủ thống nhất trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc ngày 19/12/2012 với tỷ lệ 52/48% tỷ lệ số phiếu ủng hộ, bà Park Geun-hye đã trở thành nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc. Tuy được dự báo về chặng đường đầy khó khăn trước mắt, song dư luận vẫn kỳ vọng nữ chính trị gia này sẽ mang lại một luồng sinh khí mới và một sự thay đổi mới cho đất nước Hàn Quốc.  

Tại Nhật Bản: Ngày 26/12, quốc hội Nhật Bản đã chính thức bầu ông Shinzo Abe làm Thủ tướng Nhật Bản. Ngay sau khi quyết định bổ nhiệm được thông qua, ông Abe đã hình thành nên một bộ máy nội các mới với kỳ vọng sẽ dẫn dắt đất Nhật Bản đạt được những “bước đột phá để vượt qua khủng hoảng”. Ông Abe khẳng định, chính quyền mới do ông lãnh đạo sẽ chủ yếu tập trung vào hai nhiệm vụ chính đó là tái thiết khu vực miền Bắc Nhật Bản vốn bị tàn phá nặng nề sau thảm họa động đất – sóng thần hồi năm 2011 và chấn hưng nền kinh tế Nhật Bản.

2. Triều Tiên phóng vệ tinh và những căng thẳng tại khu vực Đông Bắc Á 

 

 

 

 Hình ảnh về chiếc tàu tuần tra của Trung Quốc, 
được coi là vi phạm vùng hải phận Nhật Bản ngày 3/10. ( Nguồn:Hãng thông tấn NHK).

 

Trong năm 2012, khu vực Đông Bắc Á trở thành tâm điểm của thế giới khi khu vực này liên tiếp được hâm nóng bởi một loạt những sự kiện gây chấn động, điển hình là hai vụ phóng vệ tinh (mà Mỹ và các đồng minh gọi là thử tên lửa)  của CHDCND Triều Tiên tiến hành hồi tháng 4 và tháng 12/2012 gây lo ngại cho hoà bình và hoà giải trên bán đảo Triều Tiên. Hai vụ phóng vệ tinh này tiếp tục đưa Bình Nhưỡng và các nước phương Tây dấn sâu hơn vào bất đồng chưa có lối thoát. Trong bối cảnh Bình Nhưỡng khẳng định những hoạt động này chỉ nhằm phục vụ cho chương trình “phát triển không gian” vì mục tiêu hòa bình thì phương Tây và một số nước đồng minh trong khu vực lại xem đây là một hành động đáng lên án và vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

 

Tình hình khu vực Đông Bắc Á trong năm 2012 không chỉ được hâm nóng bởi các vụ phóng vệ tinh (bất thành và thành công) của CHDCND Triều Tiên mà còn do các cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo căng thẳng kéo dài giữa Trung Quốc và một số nước khác trong khu vực. Điển hình là cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư còn phía Nhật Bản gọi là Senkaku trên biển Hoa Đông…Tuy những quan hệ tranh chấp này không diễn biến một cách “ồn ào” như tại khu vực Trung Đông song lại đang âm thầm và bền bỉ bào mòn các mối quan hệ gắn kết trong khu vực. Đã đến lúc các nước có liên quan cần tỉnh táo, giải quyết vấn đề thông qua cơ chế đối thoại hòa bình, dựa trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế để tránh tình hình trong khu vực tiếp tục căng thẳng.

3. Năm 2012 ghi nhận xu hướng đàm phán hòa bình giữa các nhóm chống đối và chính phủ đương nhiệm tại nhiều nước trên thế giới

 

 

 

 Thành viên đoàn đại diện FARC đến Havana trong khuôn khổ
cuộc hội đàm hòa bình. (Nguồn: AFP/TTXVN)

 

Comlombia: Ngày 5/12, Chính phủ Colombia và Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) đã nối lại đàm phán hòa bình. Động thái diễn ra trong bối cảnh căng thẳng liên quan đến cuộc tấn công của chính quyền Bogota nhằm vào các tay súng FARC và hạn chót được ấn định cho thỏa thuận hòa bình giữa hai bên. Sự kiện này đã mở ra cơ hội mang lại hòa bình cho quốc gia Mỹ Latinh này sau gần nửa thế kỷ chìm trong các cuộc xung đột dai dẳng khiến khoảng 600.000 người thiệt mạng, 15.000 người mất tích và 4 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

 

Mali: Thủ tướng Mali, ông Modibo Dierra tuyên bố chính phủ của ông sẵn sàng đối thoại với hai nhóm vũ trang Hồi giáo Ancar Dine và Phong trào dân tộc giải phóng Azouad (MNLA) của người Touareg đang chiếm đóng miền Bắc nước này.Theo Thủ tướng Dierra, mục đích của cuộc đối thoại sắp tới là đạt được "hòa bình lâu dài" và cho phép phân biệt được "yêu sách chính đáng" với những đòi hỏi không chính đáng. Trước đó, nhóm Hồi giáo Ancar Dine và MNLA ngày 16/11 cũng tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Chính phủ Mali để tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Myanmar: Ngày 27/8, Chính phủ Myanmar và nhóm vũ trang Tổ chức Giải phóng Dân tộc PaO (PNLO) đã tiến hành cuộc đàm phán hòa bình cấp trung ương tại Taunggyi thuộc bang Shan, tiếp theo các cuộc đàm phán khởi đầu ở cấp bang. Cuộc đàm phán này đã đi đến một thỏa thuận 8 điểm, bao gồm hoạt động của các văn phòng liên lạc, điều phối các vị trí tập trung các tay súng PNLO, hợp tác chống ma túy, các vấn đề truyền thông, cung cấp lương thực, an ninh công cộng và nông nghiệp cơ bản. Chính phủ Myanmar cho biết tính tới nay, có 10 trong số 11 nhóm vũ trang sắc tộc ở nước này đã đạt được các thỏa thuận hòa bình sơ bộ với chính phủ ở cấp bang hoặc cấp trung ương, kể từ khi Tổng thống U Thein Sein đề nghị đàm phán hòa bình với các nhóm vũ trang sắc tộc hồi tháng 8/2011.

4. Liên hợp quốc nâng cấp quy chế cho nhà nước Palestine

 

 

Người dân Palestine đổ ra đường ăn mừng tại thành phố Ramallah (Bờ Tây).
  (Ảnh:Reuters)

 

Ngày 30/11/2012 đã trở thành ngày trọng đại đối với toàn dân tộc Palestine sau khi Liên hợp quốc ra quyết định nâng cấp lên "Nhà nước quan sát phi thành viên".

 

Với 138 phiếu thuận trên 9 phiếu chống và 41 phiếu trắng, tương đương hơn 2/3 số phiếu cần thiết theo quy định, Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức nâng quy chế của Palestine lên "Nhà nước quan sát phi thành viên". Đây được coi là một thành công ngoại giao mang tính lịch sử, là bước đi quan trọng trên con đường tìm kiếm độc lập của Nhà nước Palestine, đáp ứng lòng mong mỏi bấy lâu của người dân nước này. Nhưng cũng từ dấu mốc này, nhiều khó khăn và thách thức đang tiếp tục được đặt ra với chính phủ và người dân Palestine để có thể đi đến cái đích cuối cùng là một Nhà nước độc lập được quốc tế công nhận trong bối cảnh nỗ lực này đang vấp phải lực cản mạnh mẽ từ phía Mỹ và Israel.

5.
Siêu bão Sandy khiến Mỹ và nhiều nước vùng Carribean điêu đứng

 

 

Thành phố Santiago de Cuba (Cuba) đổ nát vì bão Sandy.
Ảnh: Reuters

 

Bão Sandy đã phát triển từ một sóng nhiệt đới kéo dài ở vùng biển phía tây vùng biển Caribbean vào ngày 22/10 và nhanh chóng được tăng cường sau khi trở thành một áp thấp nhiệt đới và được nâng cấp lên một cơn bão nhiệt đới. Mặc dù chỉ đổ bộ vào Cuba vào sáng sớm ngày 25/10 và rời đi vào tối cùng ngày song Sandy đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Đông, đặc biệt là Santiago de Cuba và Holguin. Tại Cuba, bão Sandy đã làm chết 11 người, phá hủy hơn 188.000 ngôi nhà, 100.000 ha mùa màng.

 

Sau một thời gian ngắn suy yếu thành bão nhiệt đới và quét vào 4 nước khác tại khu vực Caribbean là Jamaica, Dominican, Haiti và Bahamas, gây thiệt hại lớn về người và của. Ngày 29/10, Sandy mạnh lên thành siêu bão tấn công nước Mỹ trong vòng 100 năm qua, gây mưa lớn, ngập lụt trên một khu vực trải dài khoảng 1.290 km với 50 triệu dân, trong đó 7,4 triệu gia đình, cơ quan và doanh nghiệp phải chịu cảnh mất điện, 1 triệu người phải sơ tán. Thiệt hại về tài chính do siêu bão gây ra ước tới 20 tỉ USD tài sản có bảo hiểm và 50 tỉ USD về kinh tế, gấp đôi dự đoán trước đó. Như vậy, Sandy đã trở thành thảm họa gây tốn kém thứ tư trong lịch sử của Mỹ, sau bão Katrina năm 2005, vụ tấn công ngày 11/9/2001 và bão Andrew 1992.

Ảnh hưởng của bão Sandy đối với Hoa Kỳ gây ảnh hưởng ít nhất 22 tiểu bang, kéo dài từ Florida đến New England. Cơn bão Sandy cũng gây ảnh hưởng đến chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Mỹ. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra lệnh cảnh báo cho người dân nước này sẵn sàng ứng phó với siêu bão Sandy, đồng thời ban bố lệnh khẩn cấp trên khắp các khu vực dọc bờ biển phía Đông nước Mỹ. Những chỉ đạo kịp thời của ông Obama nhằm đối phó với siêu bão Sandy đã được người dân Mỹ ghi nhận và phần nào ông giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2012.

6. Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu vẫn chưa tìm ra lối thoát

 

 

          2012 đánh dấu thêm một năm khó khăn của nền kinh tế châu Âu (Ảnh: IT)

 

Năm 2012 đã khép lại và một năm “không bình yên” nữa của nền kinh tế châu Âu đang khép lại.

 

Hy Lạp chính là khởi điểm của cơn sóng thần lan nhanh và đe dọa đến hệ thống tài chính kinh tế toàn cầu. Lẽ ra châu Âu phải xử lý cuộc khủng hoảng ngay từ khi nó mới manh nha xuất hiện nhưng tổ chức này đã liên tục trì hoãn và cho đến nay vẫn chưa tìm ra lối thoát cuối cùng. Thành viên Khu vực đồng euro (Eurozone) này chưa bao giờ phải chứng kiến nguy cơ phá sản và bị "trục xuất" khỏi Eurozone cận kề và liên tiếp đến như vậy.

Tuy nhiều giải pháp đã được thực hiện nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng nợ công, song vẫn chưa mang lại hiệu quả. Chỉ đến những ngày cuối năm 2012, châu Âu dường như mới thấy "ánh sáng cuối đường hầm" khi các nhà lãnh đạo của châu lục đạt được một thỏa thuận về việc giám sát hệ thống ngân hàng trong khu vực Eurozone, mở ra hướng đi mới trong nỗ lực chế ngự khủng hoảng. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo châu Âu còn áp dụng một loạt quyết sách quan trọng như quyết định giải ngân gói cứu trợ 34 tỷ ơrô đầu tiên trong gói cứu trợ tối cần thiết trị giá 43,7 tỷ ơrô để giúp Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ; phê chuẩn kế hoạch cải tổ Ngân hàng Tây Ban Nha nhằm đảm bảo cho ngân hàng này quay trở về tình trạng lành mạnh lâu dài, tạo tiền đề để Madrid có thể nhận được khoản cứu trợ 37 tỷ ơrô từ cơ chế ổn định châu Âu.

Mặc dù ghi nhận một số kết quả nhất định, song các nhà quan sát cho rằng châu Âu sẽ đối mặt với một năm suy thoái nữa do tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức kỷ lục, khủng hoảng nợ công vẫn nghiêm trọng. Giới chuyên gia tiếp tục cảnh báo rằng khủng hoảng nợ công châu Âu vẫn là rủi ro lớn nhất đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

7. Đẩy mạnh tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương 

 

 

 

 Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương. (Ảnh: IT)

 

Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là Hiệp định TPP) hiện nay có 9 nước tham gia đàm phán, gồm Brunei, Chile, Mỹ, Malaysia, New Zealand, Australia, Peru, Singapore và Việt Nam. Ngoài các nội dung truyền thống như mở cửa thị trường hàng hoá, đầu tư, dịch vụ… Hiệp định TPP còn đề cập nhiều vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, liên kết chuỗi cung ứng v.v…Tại cuộc họp cấp cao các nước tham gia đàm phán TPP bên lề Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 18 tổ chức tại Nhật Bản tháng 11/2010, Việt Nam tuyên bố tham gia đàm phán TPP với tư cách thành viên chính thức. Trước đó, từ tháng 3 năm 2010 tới tháng 10 năm 2010, Việt Nam tham gia với tư cách thành viên liên kết.

 

Các cuộc thương lượng về TPP bắt đầu được tiến hành ở thành phố Melbourne của Australia đầu năm 2010 với mục tiêu mở rộng một thỏa thuận trước đó giữa New Zealand, Brunei, Chile và Singapore (Nhóm P4) thành một hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương. Vòng đàm phán thứ 15 mới đây nhất của TPP diễn ra ngày 3/12/2012 tại Aukland, New Zealand. Tại đây, các nhà đàm phán tiếp tục đạt được các tiến triển nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các nước về các vấn đề đàm phán. Vòng đàm phán thứ 16 của TPP sẽ diễn ra từ ngày 4-13/3/2013 tại Singapore. Các nhà phân tích dự báo, với triển vọng như hiện nay, TPP sẽ sớm được thông qua và đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực kết nối nền kinh tế toàn cầu. Chín quốc gia tham gia đàm phán TPP chiếm 1/4 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới trong một thị trường với 472 triệu dân. Nếu chính thức được thông qua, TPP sẽ trở thành một văn kiện đầy tham vọng của thế kỷ 21, một sáng kiến nâng cao thương mại và đầu tư giữa các nước thành viên, thúc đẩy sự canh tân, tăng trưởng và phát triển kinh tế, hỗ trợ việc tạo ra và duy trì công ăn việc làm trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều bất ổn.

8. Năm 2012 – tiến trình hòa bình Trung Đông tiếp tục bị ngưng trệ

 

 

 

 Những nạn nhân vô tội trong cuộc chiến tại Syria. (Ảnh: AFP)

 

Tiếp nối một khối di sản khổng lồ về “bất ổn chính trị” từ năm 2011, năm 2012 tiếp tục được đánh dấu là một năm đầy biến động đối với nhiều nước tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi.

 

Cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài gần 2 năm qua tại Syria tiếp tục có nhiều diễn biến khó lường. Trong lúc giao tranh giữa quân chính phủ và lực lượng nổi dậy diễn ra ác liệt tại nhiều khu vực của Syria thì cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia này lại có nguy cơ rẽ sang một chiều hướng khác bất lợi hơn khi phe đối lập hình thành Liên minh đối lập Syria – với vai trò có tiếng nói hợp pháp đại diện cho quyền lợi của người dân Syria và đã được hơn 100 nước công nhận. Sau một loạt những động thái như gây sức ép buộc Tổng thống Bashar al-Assad từ chức, đưa ra những thông tin nghi ngờ về khả năng chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học để chống lại dân thường; triển khai 6 khẩu đội tên lửa Patriot tại khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Syria nhằm giúp chính quyền Ankara đối phó với nguy cơ chiến sự lan rộng từ Syria…phương Tây đang ngày càng bộc lộ rõ ý đồ muốn can dự vào tình hình nội bộ tại Syria. Chừng nào phương Tây chưa từ bỏ những toan tính của mình tại Syria thì quốc gia đông dân và giàu tài nguyên này sẽ tiếp tục chìm trong bất ổn.

Bên cạnh cuộc xung đột tại Syria thì tình hình khu vực Trung Đông trong năm 2012 cũng trở thành điểm nóng của dư luận thế giới khi diễn ra một loạt các quan hệ xung đột khác như xung đột quân sự bùng nổ giữa Israel và Hamas tại dải Gaza; tình hình chính trị bất ổn tại Ai Cập; Mỹ và Israel tiếp tục mâu thuẫn về “giới hạn đỏ” đối với chương trình hạt nhân của Iran…Nếu những nút thắt này không được giải quyết triệt để thì tiến trình hòa bình tại khu vực Trung Đông được cảnh báo là sẽ tiếp tục “dậm chân tại chỗ” trong nhiều năm tới.

9. Phát hiện hạt mới tương thích với hạt cơ bản Higgs

 

 

 

Việc phát hiện ra hạt Higss có thể mở ra một chương mới trong nghiên cứu Vật lý lý thuyết (Ảnh: IT)

 

Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) ngày 4/7 cho biết, tổ chức này đã phát hiện một hạt hạ nguyên tử mới "tương thích" với hạt cơ bản Higgs, một mắt xích còn thiếu trong học thuyết về các hạt cơ bản.

Theo Tổng giám đốc của CERN Rolf Heuer, "Việc phát hiện một hạt có các đặc điểm tương thích với những đặc điểm của hạt Higg đã mở đường cho những nghiên cứu chi tiết hơn, đòi hỏi những thống kê ở phạm vi rộng hơn nhằm thiết lập những đặc tính của phân tử mới, đồng thời vén màn những bí ẩn khác trong vũ trụ của chúng ta."

Cũng theo ông Rolf Heuer, việc tìm ra hạt Higg sẽ công nhận giá trị của học thuyết "Mô hình chuẩn," một học thuyết nhận dạng những khối làm sẵn để tạo ra vật chất và những hạt truyền các lực cơ bản. Đây là một thành quả nghiên cứu quan trọng, mở đường cho những nghiên cứu chi tiết hơn, đòi hỏi những thông kê ở phạm vi rộng hơn nhằm thiết lập những đặc tính của phần tử mới, đồng thời mở ra khả năng khám phá những bí ẩn khác trong vũ trụ.

10. “Văn hóa súng đạn bừa bãi” tiếp tục tàn phá nước Mỹ

 

 

Ngày 14/12, nhiều người đã tham gia mít-tinh trước cổng Nhà trắng, ủng hộ việc siết chặt kiểm soát sử dụng súng đạn tại Mỹ. (Ảnh: Xinhua)

 

Tuy những thông tin về các vụ xả súng không phải là một điều mới mẻ đối với người dân Mỹ, song trong năm 2012, dư luận Mỹ “thực sự bị chấn động” sau khi xảy ra hai vụ sả súng liên tiếp tại nhà hát Colorado thuộc thành phố Denver (Mỹ) ngày 20/7/2012 (khiến 12 người chết và 50 người bị thương) và tại trường Sandy Hook ở bang Connecticut, Mỹ ngày 14/12/2012 (khiến 28 người thiệt mạng, trong đó có 20 trẻ em ở độ tuổi từ 5-10). Tuy diễn ra ở các địa điểm, không gian và thời gian khác nhau song hai vụ việc này đã trở thành “giọt nước tràn ly” khiến dư luận Mỹ phẫn nộ bởi tính chất manh động, tàn ác có xu hướng ngày một gia tăng. Người dân Mỹ đã mạnh mẽ yêu cầu Tổng thống Mỹ Barack Obama “hành động” để siết chặt các quy định về quản lý và sở hữu súng đạn tại Mỹ. Hy vọng với những hành động cụ thể, mạnh mẽ từ phía ông Obama, năm mới 2013, người dân Mỹ sẽ yên bình hơn./.

( Báo điện tử ĐCSVN)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Trưởng Ban Biên tập: Cao Xuân Thu Ngọc 
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: info@thbl.vn
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo