VN cần giải pháp đồng bộ ứng phó biến đổi khí hậu
Đã đăng vào 12/12/2012 lúc 9:11
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, giải pháp đồng bộ để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu từ nay đến 2020 của Việt Nam, đó là chính sách đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, an sinh xã hội, sức khỏe cộng đồng, nâng cao đời sống, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Đây là hội thảo lần thứ ba về biến đổi khí hậu với nhiều vấn đề liên quan được nghiên cứu, như chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên môi trường; giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường; cộng đồng khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam; nâng cao khả năng thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai trong phát triển sinh kế và quản lý tài nguyên.
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, tần suất và cường độ thiên tai ngày càng gia tăng gây nhiều tổn thất lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hóa, xã hội, tác động xấu đến môi trường. Do đó, nền kinh tế cacbon thấp, tăng trưởng xanh cũng trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển bền vững; giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành tiêu chí bắt buộc trong phát triển kinh tế, xã hội.
Cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu của các bên liên quan, phát triển tiềm lực khoa học công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực; tận dụng các cơ hội từ biến đổi khí hậu để phát triển kinh tế, xã hội; phát triển nhân rộng mẫu hình tiêu thụ thân thiện với môi trường. Qua đó, góp phần tích cực với cộng đồng quốc tế, tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế của Việt Nam để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Theo phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Danh Sơn, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cộng đồng khoa học công nghệ Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam như đóng góp thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu trên các phương diện, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển đất nước theo hướng nền kinh tế cácbon thấp, tăng trưởng xanh.
Hậu quả tác động của biến đổi khí hậu đã được Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPPC) khẳng định thông qua các dạng thiên tai như sóng, nhiệt, nóng, lũ lụt, hạn hán gây ra chết chóc và bệnh tật. Đặc biệt là các căn bệnh gia tăng dưới tác động của nhiệt như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não (truyền qua muỗi), các bệnh đường ruột (qua môi trường), các bệnh suy dinh dưỡng, bệnh phổi. Những bệnh này ảnh hưởng lớn đến các vùng kinh tế kém phát triển, đông dân và có tỷ lệ đói nghèo cao./.