Quốc hội “nóng” với các vấn đề khiếu kiện đất đai
Đã đăng vào 08/11/2012 lúc 9:35Chiều 7/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.
Phiên họp có sự tham dự của Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Cuba đang ở thăm Việt Nam dự hội thảo Lý luận lần thứ nhất giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Cuba.
Buổi thảo luận ghi nhận nhiều ý kiến bức xúc của các đại biểu Quốc hội trước thực trạng quá nhiều vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai trong thời gian qua, gây dư luận không tốt trong nhân dân.
Các đại biểu Quốc hội đề nghị cần sớm có chế tài cụ thể quy định trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương các cấp để xảy ra nhiều khiếu nại, tố cáo kéo dài trong lĩnh vực đất đai.
Nhiều đại biểu đề nghị nên bắt buộc có sự tham vấn của cơ quan tư vấn độc lập trong quá trình xác định giá đất bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Định giá đất bồi thường phải tham vấn cơ quan độc lập
Bức xúc trước nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, các đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên); Nông Thị Bích Liên (Hà Giang); Âu Thị Mai (Tuyên Quang) cho rằng có đến quá nửa số khiếu nại, tố cáo về đất đai thời gian qua là đúng và đúng một phần. Tuy nhiên trên thực tế, chưa có nhiều trường hợp người đứng đầu chịu trách nhiệm về tình hình này.
Các đại biểu đề nghị, Quốc hội, Chính phủ cần sớm có quy định rõ ràng về trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra nhiều khiếu nại, tố cáo, kéo dài, tồn đọng đơn thư, khiếu nại, tố cáo vượt cấp.
Đại biểu Trương Thị Huệ đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tạo điều kiện hơn nữa về chế độ đãi ngộ cho cán bộ cấp huyện và cấp xã trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đại biểu Trương Thị Huệ thẳng thắn đề nghị Quốc hội đưa nội dung giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo thành một tiêu chí để xem xét, bỏ phiếu tín nhiệm.
Liên quan đến giá đất, đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) đề nghị không nên gọi tắt là giá đất như luật hiện hành mà nên gọi chính xác là giá quyền sử dụng đất.
Đại biểu Hương cũng kiến nghị những đơn thư các địa phương đã giải quyết đúng và hết thẩm quyền và đúng trình tự theo quy định của Luật Khiếu nại tố cáo thì khi nhận được đơn thư của công dân, các cơ quan trung ương cần trực tiếp rà soát, phối hợp với địa phương để nắm rõ vụ việc, thể hiện quan điểm chỉ đạo chứ không nên chỉ thuần túy chuyển lại đơn cho địa phương gây sự hiểu nhầm trong người dân là vụ việc lại giải quyết lại từ đầu.
Cùng quan điểm giá đất bồi thường phải trên cơ sở tham vấn các cơ quan độc lập, đại biểu Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) đưa ra quan điểm, chỉ nên áp dụng hình thức thu hồi đất khi sử dụng mục đích quốc gia, công cộng còn các hình thức thu hồi khác thì phải được coi là trưng mua quyền sử dụng đất gắn liền với tài sản trên đất nhằm hạn chế sự lạm quyền trong tổ chức thu hồi đất.
Trên một góc độ khác, đại biểu Trần Xuân Vinh đề nghị Quốc hội giám sát việc thực hiện Luật Bồi thường Nhà nước; yêu cầu xin lỗi người dân về những thiếu sót của mình trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; ban hành chế tài đối với cơ quan, đơn vị kéo dài việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; đồng thời có chế tài xử lý hành vi cố tình khiếu nại, tố cáo khi đã được Nhà nước bồi thường thiệt hại thỏa đáng.
Đề nghị Quốc hội sớm có chế tài xử phạt các hành vi cố ý khiếu kiện không đúng sự thật, gây mất ổn định xã hội, đại biểu Nông Thị Bích Liên (Hà Giang) cho rằng cần tăng cường công tác chỉ đạo giải quyết khiếu nại, coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quản lý Nhà nước về đất đai.
Yếu kém trong thi hành pháp luật làm phát sinh khiếu nại, tố cáo
Ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường cũng như nội dung báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh hay Báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội đều thống nhất cho rằng, chính sự yếu kém trong công tác tổ chức thi hành pháp luật về đất đai, thiếu công khai minh bạch là nguyên nhân quan trọng làm cho tình hình khiếu nại, tố cáo về trong lĩnh vực nhạy cảm này diễn biến phức tạp.
Đánh giá Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, nhưng xu hướng các vụ việc khiếu nại, tố cáo về đất đai tăng cho thấy hệ thống văn bản pháp luật về đất đai còn nhiều điều phải bàn, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) bức xúc quá trình giải quyết khiếu kiện về đất đai còn nhiều biểu hiện thờ ơ, vô cảm của một bộ phận cán bộ trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong đó có vụ việc do cấp mình, ngành mình giải quyết chưa thỏa đáng, thậm chí có phần sai mà không dám thẳng thắn thừa nhận.
Đại biểu Hoàng thẳng thắn đề nghị loại bỏ khỏi đội ngũ những đối tượng này.
Tiếp thu và đồng tình với ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận chiều nay, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang thừa nhận, bên cạnh hạn chế của hệ thống pháp luật, nhận thức của một bộ phận người sử dụng đất còn hạn chế thì nguyên nhân quan trọng là việc tổ chức thực hiện có vấn đề, dẫn tới khiếu kiện phức tạp, trong đó có sự thiếu trách nhiệm của cán bộ thực thi công vụ.
Chia sẻ với các đại biểu về giải pháp tháo gỡ tình hình, bên cạnh sửa đổi Luật Đất đai, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi những luật liên quan khác như Bộ Luật dân sự, Luật giải quyết khiếu nại tố cáo; chấn chỉnh nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về đất đai của tất cả các cấp; nâng cao nguồn lực hiệu quả giải quyết tranh chấp của bộ, các địa phương.
Báo cáo với Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, qua rà soát, có 509 vụ việc khiếu nại và 19 vụ tố cáo tồn đọng kéo dài, có vụ việc đã kéo dài trên 30 năm, một số vụ việc kéo dài 20 năm và đã qua giải quyết của nhiều cấp, nhiều ngành, đã được 3-4 cấp hành chính giải quyết.
Cũng theo Tổng thanh tra, trách nhiệm giải quyết của một số đơn vị chưa đầy đủ, có hiện tượng đùn đẩy, tránh né, giải quyết không đến nơi, đến chốn, gây bức xúc cho người đi khiếu kiện và cho xã hội; hồ sơ pháp lý của các vụ việc không đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều vụ đã được giải quyết hết thẩm quyền nhưng người dân vẫn kiện, một số người dân đi khiếu kiện do bị lôi kéo, kích động.
“Những vụ việc đã được xem xét thấu lý, đạt tình thì Chính phủ sẽ cho công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và chấm dứt thụ lý”, Tổng thanh tra cho biết.
Tăng cường đối thoại để giải quyết khiếu nại, tố cáo
Từ thực tiễn giải quyết, Tổng thanh tra cũng kiến nghị các đoàn đại biểu Quốc hội địa phương cần tích cực tham gia và tạo tiếng nói chung khi giải quyết các vụ việc ở địa phương. Quốc hội nên cử ra một Ủy ban giám sát chuyên đề thường xuyên về việc này.
Tổng thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị ngay tại kỳ họp này, Quốc hội nên ban hành Nghị quyết sau giám sát, trong đó chú trọng vấn đề chuyển đơn, thông báo công khai việc chấm dứt khiếu nại và chấm dứt thụ lý; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước; trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Cùng quan điểm tăng cường thanh tra, xử lý sai phạm quản lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, phát huy vai trò của Đậi biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) cũng đề nghị chính quyền các cấp cần tăng cường đối thoại dân chủ với công dân để giải quyết thấu đáo sự việc.
Bàn thêm về những biện pháp giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình thừa nhận, trên thực tế có những vụ án hành chính bị hủy, sửa, dẫn đến dư luận cho rằng thẩm phán có biểu hiện nể nang đối với chính quyền địa phương. Để khắc phục tình trạng này, Chánh án cho biết, ngành Tòa án đang tích cực triển khai Đề án xây dựng Tòa sơ thẩm cấp khu vực, xóa bỏ việc xét xử theo địa giới hành chính để đảm bảo tính độc lập của cơ quan xét xử./.
(Vietnam+)