Đồng bằng sông Cửu Long gia tăng xuất khẩu loại gạo phẩm cấp cao
Đã đăng vào 09/10/2012 lúc 11:46Theo ngành thương mại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh trong vùng vừa xuất 68.000 tấn gạo phẩm cấp cao (gạo có tỷ lệ tấm 3-10%; gạo thơm, nếp).
Ảnh minh họa. (Nguồn: nhanong.com.vn) |
Qua đó, nâng tổng lượng gạo phẩm cấp cao đã xuất từ đầu năm đến nay được 2,7 triệu tấn, chiếm 52% lượng gạo toàn vùng đã xuất từ đầu năm đến nay (5,2 triệu tấn), tăng 44% so cùng kỳ năm 2011, góp phần đưa giá trị mặt hàng gạo xuất khẩu toàn vùng từ đầu năm đến nay được 2,3 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt
Khắc phục khó khăn này, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã làm tốt công tác quảng bá, tiếp thị nên khách hàng tại các nước EU, Bắc Mỹ, châu Á, châu Phi đặt mua gạo phẩm cấp cao của Đồng bằng sông Cửu Long tăng cao.
Giá bán ra từ 580-800 USD/tấn, nhờ đó kim ngạch xuất khẩu gạo không giảm mạnh so cùng kỳ năm trước.
Mặt khác, chất lượng gạo phẩm cấp cao của vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng được cải thiện so với gạo cùng phẩm cấp của một số nước lân cận trong khi giá bán lại thấp hơn nhiều nên được khách hàng nước ngoài ưa chuộng.
Nguồn lúa gạo nguyên liệu cung ứng cho xuất khẩu tại Đồng bằng sông Cửu Long luôn dồi dào. Vụ lúa đông xuân và Hè Thu vừa qua, Đồng bằng sông Cửu Long được mùa, cho tổng sản lượng đạt 19, 5 triệu tấn, trong đó có trên 70% là lúa chất lượng cao, lúa thơm, đáp ứng tốt nhu cầu chế biến, xuất khẩu.
Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long tích cực nâng cao chất lượng lúa giống trên cơ sở lai tạo, tuyển chọn thêm hàng chục loại giống có phẩm chất tốt, cho năng suất cao, phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng sinh thái, đạt chuẩn xuất khẩu và nhanh chóng cung ứng cho nông dân đưa vào canh tác.
Hiện ở Đồng bằng sông Cửu Long có từ 75-85% diện tích đất sản xuất ba vụ lúa chính trong năm (Đông Xuân, Hè Thu, Thu Đông) sử dụng các giống phẩm chất cao.
Gần đây, những hạn chế trong điều hành xuất khẩu gạo cũng từng bước được khắc phục, hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo được nâng lên, có trách nhiệm với khâu sản xuất của người nông dân hơn. Hiện tượng bán phá giá, gây thiệt hại đến quyền lợi người trồng lúa của doanh nghiệp đã được hạn chế.
Số lượng doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh bảo đảm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu cũng tăng thêm, góp phần nâng cao uy tín của hạt gạo Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Việt Nam nói chung./.
(TTXVN)