Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu
Đã đăng vào 09/10/2012 lúc 10:14Ban chỉ đạo 1956 tỉnh vừa tổ chức sơ kết thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Chính phủ. Một giải pháp quan trọng được tập trung chỉ đạo từ nay đến cuối năm là chấn chỉnh lại công tác tư vấn học nghề, lựa chọn nghề, nơi học nghề và tổ chức lớp dạy nghề cho LĐNT, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo và giải quyết việc làm theo nhu cầu.
Đào tạo nghề: chạy “nước rút”
Trong 9 tháng qua, Bạc Liêu đã đào tạo nghề cho gần 4.650 LĐNT, chỉ đạt 46,5% kế hoạch. Nguyên nhân tỷ lệ LĐNT học nghề đạt thấp là do nguồn kinh phí phân bổ chậm nên kế hoạch mở lớp đào tạo nghề cho LĐNT vào những tháng đầu năm của nhiều địa phương chưa thực hiện được. Từ đó, nhiều địa phương phải tập trung mở nhiều lớp đào tạo nghề và chạy nước rút vào những tháng cuối năm để đạt kế hoạch đề ra.
Ông Đặng Thành Thương, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hồng Dân, cho rằng: “Phải mở các lớp dạy nghề gắn với lịch thời vụ thì mới thu hút được nông dân học nghề. Và muốn mở lớp theo đúng kế hoạch thì phải có kinh phí. Song, do kinh phí phân bổ chậm nên từ đầu năm, địa phương phải hoãn lại việc mở các lớp dạy nghề”. Việc làm đó đã tác động không nhỏ đến chất lượng đào tạo và kéo theo hệ lụy là đào tạo còn mang tính phong trào.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các mô hình thí điểm dạy nghề còn chậm, chưa gắn kết công tác đào tạo và giải quyết việc làm. Do vậy, chất lượng lao động qua đào tạo thấp, làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ…
Trong tổng số gần 4.650 LĐNT được đào tạo nghề trong 9 tháng qua, chủ yếu là dạy nghề đạt trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng. Trong đó, sơ cấp nghề là 1.500 lao động và dạy nghề dưới 3 tháng gần 3.150 lao động.
Tập trung đào tạo theo nhu cầu
Để nâng cao chất lượng đào tạo, Ban chỉ đạo 1956 tỉnh yêu cầu các địa phương rà soát, xác định các điều kiện dạy nghề của từng cơ sở tham gia dạy nghề. Đồng thời, việc lập kế hoạch dạy nghề phải phù hợp với nguồn lực được bố trí và năng lực đào tạo của địa phương. Đẩy mạnh chấn chỉnh công tác tư vấn, lựa chọn nghề học và tổ chức dạy nghề chất lượng. Đặc biệt, phải nghiêm túc quán triệt và thực hiện nguyên tắc: “Huyện, thành phố phải phê duyệt quy hoạch sản xuất, quy hoạch nhân lực, đề án triển khai Quyết định 1956 làm cơ sở triển khai. Không tổ chức dạy và học khi người lao động không dự báo được nơi làm và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học”. Đây được đánh giá là những giải pháp quan trọng góp phần “cởi trói” trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT lâu nay.
Việc gắn kết giữa công tác đào tạo với giải quyết việc làm tại các doanh nghiệp sẽ thu hút lao động học nghề. Trong ảnh: Lao động học nghề và làm việc tại DNTN Tý Liên (huyện Phước Long). Ảnh: K.T |
Việc gắn kết các quy hoạch sản xuất, quy hoạch nhân lực với Đề án đào tạo nghề cho LĐNT không chỉ đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của từng địa phương, mà còn là vấn đề chiến lược cho phát triển nguồn nhân lực mang tính đón đầu. Song song đó, việc thực hiện đề án gắn với các quy hoạch về phát triển sản xuất còn góp phần tích cực trong thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu lao động.
Một nội dung quan trọng khác là “không tổ chức đào tạo khi người học nghề không dự báo được nơi làm và mức thu nhập sau khi học nghề”. Điều này sẽ làm giảm đáng kể việc tổ chức các lớp đào tạo không theo nhu cầu, gây lãng phí tiền của Nhà nước và cả công sức của người học. Đồng thời, hướng đến mô hình đào tạo theo địa chỉ, đào tạo với giải quyết việc làm với mức thu nhập hợp lý. Có vậy, công tác đào tạo nghề cho LĐNT mới phát huy hiệu quả và người học sẽ tích cực đăng ký học nghề.
Để thực hiện các giải pháp trên đạt hiệu quả, cần phát huy vai trò của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong công tác phối hợp, liên kết đào tạo để sử dụng nguồn lao động hiệu quả nhất. Ngoài ra, các địa phương cũng cần có những dự án động lực để chuyển dịch lao động theo hướng công nghiệp – dịch vụ…
(Baobaclieu)