CÔNG TỬ BẠC LIÊU – SỰ THẬT VÀ GIAI THOẠI (kỳ 25)

Đã đăng vào 02/12/2011 lúc 9:36

Vốn là một con người giang hồ tứ hải, lúc Sài Gòn, khi Đà Lạt hoặc qua tận bên Pháp…, không nơi nào Ba Huy định cư được 1 tháng. Vậy rồi từ năm 1945 – 1947, người ta bỗng thấy Công tử Bạc Liêu như dừng bước chân phiêu lãng, la cà ở Bạc Liêu thường hơn. Cố gắng đầu tiên của Ba Huy là xin Việt Minh cho nộp thuế để giữ đất. Theo Ba Huy, đất ấy là của tổ phụ ông ta. Ba Huy trong một bộ cánh chỉnh tề, tỏ ra là người giàu có và thức giả, cùng với anh vợ là Hội đồng Điều trong trang phục áo dài khăn đóng đến trụ sở Ủy ban Nhân dân cách mạng, xin được giữ lại ruộng đất của tổ phụ, và cho đó là mồ hôi nước mắt của cha ông làm ra.

Người đại diện của Ủy ban đã nói rằng, ruộng đất của các ông là do bóc lột nông dân mà có thì bây giờ, chính quyền chủ trương tạm cấp cho nông dân và áp dụng chính sách giảm tô giảm tức của Chính phủ. Mặt trận Việt Minh và Ủy ban Nhân dân cách mạng không thể thỏa mãn yêu cầu của Ba Huy và Hội đồng Điều.

Là một người thông minh. Công tử Bạc Liêu cảm nhận được rằng cái thời thịnh vượng của giai cấp địa chủ đã hết. Bạc Liêu không còn là đất làm ăn của dòng họ Trần Trinh nữa. Bởi vì suốt 9 năm kháng chiến (1946 – 1954), toàn bộ điền đất của Trần gia gần như nằm lọt trong vùng kiểm soát của Việt Minh. Ở đó, đất được chia cấp cho nông dân… Thế cho nên, Trần Trinh Huy bỏ hẳn đất Bạc Liêu để lên Sài Gòn định cư cho đến cuối đời, giao hẳn cơ nghiệp Trần gia cho ông Hen-ri và các quản điền.

Lúc này, kinh tế của Công tử Bạc Liêu không còn dồi dào như xưa, tiền truất hữu đất khổng lồ nhưng chỉ được chi xài phần lãi. Nguồn thu kế tiếp là phần hương hỏa của 1.000 công đất ở Cái Dầy, kế đến là tiền cho thuê các căn phố lầu… Tất cả những thứ tiền này cộng lại trở thành một món tiền nhỏ bé trong việc gồng gánh gia đình dòng họ Trần Trinh đông đúc.

Hơn thế nữa, Ba Huy chỉ là 1 trong 6 người thừa kế. Theo quy định của Trần Trinh Trạch lúc còn sinh tiền, anh em Ba Huy luân phiên nhau, mỗi người 2 – 3 năm, thu huê lợi để thụ hưởng và thờ cúng tổ tiên.

Là một người quen "xài tiền như cái cối" cho nên nguồn thu trên đã làm khốn khổ Công tử Bạc Liêu. Hậu duệ họ Trần bây giờ kể rằng, đã nhiều lần thấy Trần Trinh Huy về cự nự các anh em, yêu cầu rút số tiền truất hữu để chia nhau.

Cự nự không được, cuối cùng Công tử Bạc Liêu phải dùng đến phương kế bán hết căn phố lầu này đến căn phố lầu khác ở Bạc Liêu lẫn Sài Gòn và các tỉnh để chi xài. Những căn phố lầu này trước đây Trần Trinh Trạch cất để cho thuê. Cụ thể, ở Bạc Liêu, Ba Huy đã bán vài chục căn phố lầu nằm cặp bờ sông và căn nhà trước Pháp chiếm giữ để nhốt người, gọi là Bungalow cho Út Thượng. Út Thượng là một địa chủ lớn ở Bạc Liêu. Ông này chết lâu rồi, nay Bạc Liêu còn một con kênh mang tên ông, gọi là kênh Út Thượng.

Ngôi biệt thự của Ba Huy ở Sài Gòn tuy nhỏ hơn nhà lớn ở Bạc Liêu nhiều nhưng nằm ở một khu yên tĩnh, trước là khu ở của Tây hoặc những người giàu có "vô dân Tây", phía sau là khu ở của hạng giàu có. Ba Huy ở trong một ngôi nhà được trang trí cực kỳ sang trọng. Nhà có một chiếc xe và một chiếc ca nô…

Sinh hoạt của Công tử Bạc Liêu là sáng ngủ tới 10 giờ rồi thức dậy uống cà phê. Sau đó, đi bách bộ trong công viên. Ngày, Ba Huy chẳng có áp-phe làm ăn gì cả. Vui, thì giao du với tầng lớp thượng lưu. Buồn, nằm đọc báo hoặc la cà đánh bạc. Chiều, tài xế Tư Lùn chở Ba Huy đi nhà hàng khách sạn chơi bời cho đến 2 – 3 giờ sáng mới về. Đây là một sinh hoạt bất di bất dịch của Ba Huy. Và còn một quy luật nữa, là chiều thứ bảy, Ba Huy tự đánh xe đi nghỉ cuối tuần. Khi thì đi Cần Thơ, khi đi Đà Lạt. Nếu ra Vũng Tàu thì Ba Huy kéo theo cái rờ-moóc, phía trên chở chiếc ca nô để phục vụ cho việc tắm biển của Công tử Bạc Liêu.

Trần gia có một hệ thống nhà nghỉ rất đồ sộ nằm ở những điểm vui chơi nghỉ mát như: Đà Lạt, Vũng Tàu, Cần Thơ. Các nhà nghỉ này áp dụng quy chế như sau: Mỗi nhà nghỉ có một quản gia và một đầu bếp, trang thiết bị của nó có khả năng tổ chức một đại tiệc. Chi phí của các nhà nghỉ do lợi tức của Trần gia gánh chịu. Không phải chỉ có anh em Ba Huy mà tất cả những con cháu ruột đều có thể đến chơi và thết đãi bạn bè. Ông Phan Kim Khánh, cháu ngoại của Trần Trinh Trạch từng rủ bạn bè đến giao du ở các nhà nghỉ này, nói: "Trước khi rời khỏi nhà nghỉ, anh chỉ cần ký vào một biên nhận thừa nhận rằng, thí dụ: Tôi, Phan Kim Khánh có nghỉ ở nhà nghỉ 3 đêm và chi xài, ăn uống trị giá số tiền là… là đủ".

Thế nhưng, có một điều rất lạ là Công tử Bạc Liêu – Trần Trinh Huy, trong những lần nghỉ cuối tuần của ông ta, ít khi các quản gia thấy Huy đến ăn nghỉ ở nhà nghỉ họ Trần(?) mà hầu hết nghỉ ở các khách sạn sang, như Dalat (Đà Lạt)… Một câu giải thích tương đối thỏa đáng là phải chăng, Công tử Bạc Liêu muốn ém nhẹm cái thói gió trăng của mình, vì rằng, ít khi Ba Huy đi nghỉ cuối tuần mà đi một mình. Thường thì người ta thấy trên xe của Huy một cô gái nhảy hạng sang, hoặc một ca sĩ đang lên…

Những câu chuyện đốt tiền làm đuốc, đốt tiền nấu chè… là những giai thoại chớ chưa chắc là chuyện thật. Thật ra, những tố chất kết tinh nên "địa vị" Công tử Bạc Liêu lừng lẫy của Trần Trinh Huy chính là những ván bài làm sững sờ các con bạc, những đêm vui chơi trụy lạc ở các vũ trường, khách sạn với ánh đèn mờ mờ ảo ảo.

Mặc dù tuổi đã 50 – 60, nhưng Công tử Bạc Liêu vẫn rất cường tráng, da thịt săn chắc, vẫn cái thói quen đóng bộ bằng áo veston, thắt cà vạt… nên người ta thấy Công tử Bạc Liêu trẻ hơn nhiều so với tuổi.

Khác hơn với người đời, Công tử Bạc Liêu không "nhập tửu" vì liên hoan, bù khú bạn bè, hay đãi khách để làm ăn, chạy mánh… mà Trần Trinh Huy "nhập tửu" để đi đến "sắc dục". Tửu – sắc là hai món đi liền và hầu như chiếm toàn bộ cuộc đời ăn chơi của Công tử Bạc Liêu. Là một người ăn chơi lừng danh, nên các nhà hàng sang trọng ở Sài Gòn đều quen mặt Ba Huy. Các nhà hàng Soái Kình Lâm, Bát Đạt… là nơi Công tử Bạc Liêu hay la cà. Mỗi lần Công tử Bạc Liêu đến là chủ nhà hàng biết Ba Huy ngồi ở đâu và cần gì. Bao giờ họ cũng chọn cho Công tử Bạc Liêu góc ngồi sang trọng nhất và những gì mới mẻ nhất, tốt đẹp nhất của nhà hàng. Có khi Công tử Bạc Liêu đi nhậu suốt 1 tháng trời không trả tiền và cũng chẳng ai đòi tiền Ba Huy bao giờ. Ba Huy là vị "khách sộp" nhất trong những "khách sộp". Mỗi lần Công tử Bạc Liêu ghé xe, chưa vào cửa là mấy em cave (gái nhảy) la ó lên một cách vui mừng: Ông già "bồ rô" (Ba Huy ở gần trường Bồ Rồ) đến rồi.

Công tử Bạc Liêu vào ghế ngồi là mấy em cave bu quanh ông ta. Ba Huy ngoắc tài phán đến bảo:

– Cậu xé cho mỗi em 20 cái tít-kê.

Hai chục cái tít kê là một khoản tiền khá lớn, của 20 lần nhảy với khách cộng lại. Trong số đó, thế nào cũng có 1 em không được tài khoán phát tiền theo hiệu lệnh của Công tử Bạc Liêu. Và chính cô này sẽ ngồi hầu rượu hoặc ra nhảy với Ba Huy, sau đó thì đi chơi với Công tử Bạc Liêu suốt đêm ấy. Về chuyện này, ít ai từ chối Công tử Bạc Liêu và các em cave xem được đi với Công tử Bạc Liêu là một ân huệ, bởi Ba Huy "bo" tiền ít khi nào đếm…

(Baobaclieu)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Tổng biên tập: Đoàn Út Bảy
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: thblwebsite@gmail.com
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo