CÔNG TỬ BẠC LIÊU – SỰ THẬT VÀ GIAI THOẠI (kỳ 23)

Đã đăng vào 30/11/2011 lúc 16:22

Từ năm 1946, Việt Minh đã chủ trương chuyển trọng tâm của thời kỳ cách mạng sang “đoàn kết toàn dân đánh đổ ngoại xâm giành độc lập dân tộc”. Năm 1947 – 1948, ông Trần Văn Sớm được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu. Cuộc gặp gỡ này ông đã kể lại với nhà văn Trầm Hương và được nhà văn viết trong Tuần san Sài Gòn Giải phóng như sau:

“Đó là vào cuối năm 1947, tôi quyết định gặp Công tử Bạc Liêu để nói rõ chính sách của Mặt trận Việt Minh và yêu cầu ông ta hợp tác với cách mạng. Nhưng làm thế nào “mời” được Ba Huy quả là một việc khó, vì Huy đang sợ gặp ta, sau trận “mò tôm” hụt. Tôi chợt nhớ đến Phan Kim Cân, Ủy viên Tài chánh tỉnh, chồng cô Sáu Đông – em ruột của Ba Huy. Trước, Trần gia không chấp nhận Cân, nhưng sau khi ta cướp chính quyền thì vị thế của Cân đã thay đổi. Vì thế, tôi quyết định nhờ Cân viết thư nói rõ ý đồ của cách mạng để “mời” Trần Trinh Huy. Dựa vào mối thân tình trong gia đình này, có lẽ, Ba Huy sẽ cảm thấy không quá căng thẳng. Sau đó, tôi cử liên lạc mang thư trao tận tay Ba Huy.

Một tuần sau, Phan Kim Cân gặp tôi báo tin: Ba Huy nhận lời gặp mặt Việt Minh ở đồn điền Kinh Xáng – Vĩnh Hưng. Cân còn báo lộ trình của Huy một cách cụ thể.

Hôm đó, tôi và Phan Kim Cân tiếp Công tử Bạc Liêu trong nhà một nông dân vốn là tá điền của Ba Huy. Công tử Bạc Liêu có vẻ khiêm tốn khác thường trong bộ đồ bà ba bằng vải “tăng đầm”. Phan Kim Cân đứng tên làm công việc giới thiệu:

– Đây là đồng chí Trần Văn Phong (bí danh của tôi lúc đó), Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu. Sau đó, Cân quay sang Ba Huy giới thiệu:

– Đây là cậu Ba Huy – Công tử Bạc Liêu.

Công tử Bạc Liêu cúi chào tôi một cách rất lịch sự, tỏ ra là người có học:

– Rất hân hạnh được biết ngài Bí thư.

Tôi cũng mỉm cười đáp lễ:

– Tôi cũng rất hân hạnh được tiếp Công tử.

Sau đó, Ba Huy hỏi thẳng:

– Thưa ngài Bí thư Tỉnh ủy, xin vui lòng giải thích cho tôi rõ: Dượng Sáu (Phan Kim Cân) mời tôi vô đây hay Công an ra lệnh bắt tôi ?

Phan Kim Cân ôn tồn giải thích:

– Trong thư mời có nói rõ: Mặt trận Việt Minh mời anh. Đây, bằng chứng là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đại diện Mặt trận Việt Minh đã cho người bảo vệ anh, rất thiện ý tiếp chuyện với anh.

Tôi liền đi thẳng vào mục đích cuộc gặp:

– Chúng tôi mời cậu Ba vào đây vì việc gì, đọc thư, trước khi đi có lẽ cậu Ba rõ. Chung quy chỉ là vấn đề giảm tô của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi khẳng định một lần nữa, chỉ có vấn đề ấy mà thôi. Tôi xin báo với cậu, việc cậu mướn hai trung đội lính giúp gia đình cậu đi thu tô là một việc không nên làm chút nào.

Và tôi đã chứng minh vụ Mười Chức ở Nọc Nạng – Giá Rai cho Công tử Bạc Liêu thấy. Trong vụ này chính quyền thực dân đã phải xử: Lỗi này do nhà cầm quyền. Huống hồ, giờ đây Cách mạng tháng Tám đã thành công, ta đã có nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa với chính sách giảm tô rõ ràng. Cậu Ba là một con người nổi tiếng phóng khoáng, phong lưu, học cao hiểu rộng, tại sao lại đi làm cái việc mướn lính ngụy đi thu tô? Cậu Ba biết bà con nói cậu Ba như thế nào không ?

– Người ta gọi tôi là Việt gian chớ gì?

– Phải! Mà Việt gian cũng có nghĩa là phản quốc. Tôi biết cậu Ba chẳng bao giờ muốn là người phản quốc. Vậy, cậu Ba nên chấp hành chánh sách của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Trong 12 điều của Mặt trận Việt Minh có nói rõ rằng: Điền chủ giảm tô 25% cho tá điền.

Tôi nói thêm: Gia đình cậu Ba từng đi phát chẩn cho người nghèo. Trong hoàn cảnh đất nước đang tập trung chống xâm lăng, tôi nghĩ, việc giảm tô cho tá điền 25% là việc hợp lòng dân.

Sau đó, Ba Huy chuyển sang thái độ chân tình mềm mỏng, nói rằng: Hầu hết tá điền đã dựa vào các ngài nên không trả lúa nợ, lúa vay cho tôi, buộc lòng tôi phải dùng đến “hạ sách” thuê lính thu tô. Nếu được như ngài Bí thư Tỉnh ủy nói, tá điền chịu cam kết trả nợ cho tôi thì chẳng những tôi chịu giảm 25%, mà 50% cũng được. Những gia đình tá điền nào gặp hoàn cảnh quá khó khăn, tôi sẽ giảm 80%, thậm chí 100%. Trong việc giảm tô, tôi rất thiện chí.

Tôi liền cho tập hợp tá điền đến rất đông. Công tử Bạc Liêu đã trần tình với bà con rằng, sở dĩ ông ta thực hiện hành vi mướn lính là có rất nhiều bà con không nộp tô cho ông ta, nay có Bí thư Tỉnh ủy, được lời như cởi tấm lòng, nếu bà con chịu nộp tô thì sẽ cam kết giảm tô theo tỷ lệ vừa nói trên.

Sau đó, đại diện tá điền phát biểu cam kết trước đại diện Việt Minh nộp 50% lúa tô cho Ba Huy và yêu cầu ông ta không nên thuê lính thu lúa nữa.

Trước không khí cởi mở, hài lòng cả đôi bên, Ba Huy xúc động nói:

– Quả là trước đây, tôi rất nông cạn. Nghe bà con nông dân nói, tôi mừng quá. Thôi, tôi mời ngài Bí thư Tỉnh ủy và bà con nông dân ở lại cùng với tôi một bữa cơm thân mật.

Tôi kết luận:

– Lấy danh nghĩa Mặt trận Việt Minh, tôi vô cùng hoan nghênh cậu Ba. Rõ ràng, hôm nay cậu Ba đã đi với Chính phủ kháng chiến. Tôi mong rằng, không chỉ hôm nay và mãi mãi cậu Ba đi với chúng tôi.

Công tử Bạc Liêu cảm động nói:

– Thưa ngài Bí thư, hồi học ở bên Tây, tôi đã biết nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc. Tôi rất vui mừng khi biết thêm, Nguyễn Ái Quốc chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đứng đầu Chính phủ kháng chiến. Gia đình tôi hứa đi cùng kháng chiến. Lấy danh dự gia đình Trần Trinh Trạch, tôi hứa không làm tay sai cho giặc. Ba Cân, em rể tôi, ngồi đây là Việt Minh. Gia đình tôi rất hãnh diện về sự đóng góp của Dượng Sáu. Sau buổi nói chuyện này, nhờ ngài báo lại với Tỉnh ủy rằng, Ba Huy rất hoan nghênh chánh sách của Việt Minh. Việc này cần thông báo rộng rãi để không chỉ riêng gia đình tôi, mà nhiều điền chủ khác cũng biết, yên tâm.

Sau cùng, Ba Huy hỏi:

– Ngài có cần gì không ?

– Riêng tôi thì không, nhưng cậu Ba thấy đó, bộ đội của ta gặp rất nhiều khó khăn. Thuốc chữa bệnh và vải là hai thứ bộ đội rất cần.

Ba Huy nói:

– Tôi hứa sẽ gởi thuốc, vải theo con đường ngài mời tôi đến đây.

Và Ba Huy đã làm đúng như những lời mà ông ta hứa với Việt Minh là gởi vải, thuốc vào cho kháng chiến, rồi không thuê lính thu tô. Sau bận đó, Công tử Bạc Liêu về sống luôn ở Sài Gòn, và người ta thấy Công tử Bạc Liêu không có hành vi nào hợp tác với giặc cho đến hết đời”.

Câu chuyện của ông Trần Văn Sớm kể với nhà văn Trầm Hương đã bộc lộ được nhân cách của Công tử Bạc Liêu. Ba Huy không cổ hủ, cực đoan như nhiều địa chủ khác, khi được cách mạng giáo dục thì Ba Huy cởi mở, hợp tác chân tình. Và Công tử Bạc Liêu còn tỏ ra là một con người tự trọng, đã hứa với Chính phủ những gì thì ông ta đã làm được thế ấy.

Điều này cũng giúp cho chúng ta có một cái nhìn cởi mở hơn về nhân vật đặc biệt: Công tử Bạc Liêu – Trần Trinh Huy.

(Baobaclieu)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Tổng biên tập: Đoàn Út Bảy
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: thblwebsite@gmail.com
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo