SINH VẬT CẢNH: Thú chơi tao nhã của người Bạc Liêu

Đã đăng vào 24/11/2011 lúc 10:02

Những năm gần đây, sinh vật cảnh (SVC) đã trở thành thú chơi tao nhã của người dân Bạc Liêu. Nhiều người không coi đây là một công việc đơn thuần chỉ để kiếm tiền mà là niềm đam mê, yêu quý thiên nhiên giàu nghệ thuật. Với nhiều người, chăm sóc, thưởng thức SVC là một cách để thư giãn, để sống hòa đồng, thân thiện với môi trường và hơn hết là để có những giây phút lắng lòng, xa lánh những cám dỗ của lợi danh, những thói ganh đua thường tình trong cuộc sống!

 

Một nghề để kiếm tiền…

 

Ông Lê Hùng (Trưởng Ban vận động thành lập Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bạc Liêu): Phấn đấu đến hết nhiệm kỳ Bạc Liêu sẽ trở thành tỉnh có phong trào SVC khá trong khu vực

Hội SVC tỉnh Bạc Liêu ra đời khá muộn so với Hội SVC các tỉnh trong khu vực ĐBSCL nói riêng, Hội SVC cả nước nói chung. Tuy nhiên, Bạc Liêu là vùng đất giàu tiềm năng SVC, đó là lợi thế để Hội SVC tỉnh Bạc Liêu có thể đuổi kịp các Hội SVC trong cả nước. Bên cạnh đó, sau Đại hội, trước mắt Hội sẽ thành lập các chi hội ở huyện, thành phố. Trên cơ sở đó, Hội sẽ phát triển hội viên rộng khắp các địa phương trong toàn tỉnh, từ trên 200 hội viên hiện nay, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ sẽ có trên 1.000 hội viên. Đặc biệt, để đưa phong trào SVC phát triển, năm 2012 Hội sẽ mở các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất, kinh doanh dịch vụ SVC. Ngoài ra, Hội sẽ kết hợp với các cơ quan chức năng tỉnh tiến hành kiểm tra để thống kê toàn bộ thực trạng SVC (diện tích, kinh doanh, dịch vụ, người tham gia, giải quyết việc làm…) từ đó đề xuất với UBND tỉnh có chính sách, cơ chế phát triển SVC. Phấn đấu đến hết nhiệm kỳ, Bạc Liêu sẽ trở thành tỉnh có phong trào SVC khá trong khu vực.

Nguyễn Phương

 

Vài năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của nhiều loại hình kinh tế, phong trào sản xuất, kinh doanh và thưởng thức SVC trên địa bàn tỉnh đang phát triển. Khởi đầu là ở các thị xã, thị trấn, sau đó lan dần đến tận vùng nông thôn và đến nay đã phát triển rộng khắp các địa phương trong toàn tỉnh. Nắm bắt được nhu cầu trang trí, thưởng thức ngày càng tăng cao đó, thị trường SVC Bạc Liêu đang trở nên sôi động với nhiều sản phẩm đa dạng và giá trị, nhất là về cây cảnh (hoa lan, hoa mai, bon sai…), cá cảnh (cá la hán, cá rồng, lia thia…), chim cảnh… Không chỉ vậy, với mục tiêu đưa SVC trở thành một ngành dịch vụ thương mại, hiện nay thị trường SVC cũng đã xuất hiện nhiều loại hình dịch vụ mới như: chăm sóc, trị bệnh cho SVC, trang trí, thiết kế hoa kiểng trong khuôn viên nhà, cơ quan theo yêu cầu…

Thời gian qua, việc kinh doanh SVC đã góp phần không nhỏ trong vấn đề giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, nhất là những gia đình ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Với sự sáng tạo, khéo léo và giàu kinh nghiệm, những người chăm sóc SVC có thể ăn nên làm ra, mà vẫn tận hưởng được cuộc sống thanh nhàn, gần gũi với thiên nhiên. Tuy nhiên, bên cạnh đó, theo một số người kinh doanh SVC, cái nghề này không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Nhiều lúc người kinh doanh phải đối mặt với vô số khó khăn, nào là thị trường trầm lắng, thời tiết thất thường, người mua ép giá… Song với nhiều người, nhất là những gia đình kinh doanh SVC cha truyền con nối, dù thăng hay trầm thì họ cũng quyết theo nghề đến cùng.

… Và một công việc của niềm đam mê

SVC không chỉ là một nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao mà đối với nhiều người, nó đã trở thành niềm đam mê muốn được làm mỗi ngày. Giữa bao bộn bề, lo toan của cuộc sống, vẫn có người sống hết mình với tình yêu cây cỏ, hoa lá, chim muông… thật đáng trân trọng! Với những người nuôi cá, trồng cây đơn thuần thì đây là công việc phung phí thời gian và tiền bạc, hay là công việc chỉ để kiếm tiền. Thế nhưng với những ai đam mê SVC thì đây là thú chơi dân dã, đầy những trải nghiệm hứng thú và ngày càng có nhiều nấc thang nghệ thuật đòi hỏi người chơi phải kỳ công chinh phục. Không phải chỉ cần bỏ ra bạc triệu đi “sắm” một cái cây, một con cá đẹp thì đã trở thành người sành chơi SVC, mà phải bỏ công, thậm chí bỏ ăn, bỏ ngủ để chăm bẵm và thương yêu chúng như con cái, thì mới đúng là dân “chơi” thực thụ.

 

 

Triển lãm cây kiểng tại khu vực Đại hội. Ảnh: Q.H

Với niềm đam mê SVC thời gian qua, một số cá nhân, nghệ nhân đã tự tổ chức giao lưu, tìm hiểu kinh nghiệm ở nhiều hội SVC trong cả nước, đồng thời tập hợp lại và hình thành một số CLB, hoặc nhóm sở thích như: CLB Hoa lan, Chim hót, Gà kiểng… Trước tình trạng tản mác, rời rạc của những CLB, nhóm SVC ấy, vậy là Hội SVC tỉnh Bạc Liêu đã ra đời để tụ họp những con người có cùng sở thích. Như lạ mà quen, họ đến với nhau từ chung một niềm đam mê và trở thành những người bạn của nhau dù cách xa không gian, hoàn cảnh, tuổi tác. Tuy mới thành lập được một thời gian ngắn, nhưng Hội SVC đã thu hút rất nhiều nghệ nhân, cá nhân, tập thể yêu SVC, có tay nghề và tâm huyết. Nơi đây, những người yêu SVC đã được gặp gỡ, giao lưu, thư giãn trong thời gian nhàn rỗi và nhất là cùng nhau ra sức giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương Bạc Liêu trong lĩnh vực SVC; góp phần xây dựng tỉnh giàu đẹp, văn minh. Trong quá trình vận động thành lập, Hội SVC tỉnh Bạc Liêu đã thu hút sự tham gia của hơn 200 hội viên. Thành viên của Hội rất đa dạng, đủ các thành phần. Có người mới vào “nghề”, nhưng có người thì đã mấy chục năm chơi cá, nuôi chim…

Hẳn nhiều người nghĩ rằng, những người chơi SVC đều là những người trung niên, bởi chỉ có các bậc “tiền bối” thì mới có kinh nghiệm, thời gian rảnh rỗi để thả hồn vào những thú chơi tao nhã, kỳ công này; nhưng thật bất ngờ, trong số các hội viên Hội SVC có rất nhiều thanh niên 7X, 8X. Cùng với sự tham gia hưởng ứng của một lực lượng đông đảo những người trẻ tuổi, Hội còn thu hút nhiều “hội viên tán trợ” – những người không có điều kiện tham gia Hội SVC, nhưng đã góp sức tài trợ cho hoạt động của Hội. Đây là những tiền đề để chúng ta có thể kỳ vọng một phát triển mạnh mẽ của phong trào thưởng thức SVC thời gian tới.

Cẩm Huyền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Tổng biên tập: Đoàn Út Bảy
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: thblwebsite@gmail.com
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo