San phẳng mặt ruộng bằng tia laser: Giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất

Đã đăng vào 16/04/2013 lúc 9:01

Những năm qua, việc ứng dụng công nghệ san phẳng mặt ruộng bằng tia laser được nông dân một số tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL thực hiện, trong đó có Bạc Liêu. Công nghệ này đã góp phần đáng kể trong việc giảm chi phí đầu tư sản xuất và tăng năng suất lúa.

Từ năm 2005, tỉnh đã áp dụng san phẳng mặt ruộng điều khiển bằng tia laser khoảng 20ha. Một số thành viên câu lạc bộ (CLB) sản xuất lúa giống ấp Láng Giài (thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình) là những nông dân đầu tiên được Trung tâm Giống nông nghiệp – thủy sản (NN-TS) đầu tư san phẳng mặt ruộng điều khiển bằng tia laser.

Ông Phạm An Lạc, chủ nhiệm CLB sản xuất lúa giống ấp Láng Giài, cho biết: “Ứng dụng san phẳng mặt ruộng bằng tia laser sẽ giảm chi phí đầu tư trong sản xuất và tăng năng suất lúa”. Ngoài việc đầu tư san phẳng mặt ruộng bằng tia laser, các thành viên trong CLB cũng tự san phẳng mặt ruộng. Bởi việc san phẳng mặt ruộng sẽ tạo thuận lợi trong việc sạ hàng, giảm chi phí bón phân, dễ dàng ứng dụng cơ giới hóa. Mỗi năm, diện tích san phẳng mặt ruộng của CLB càng tăng cao.

 

 

Trung tâm Giống NN-TS tỉnh san phẳng mặt ruộng điều khiển bằng tia laser để sản xuất lúa giống. Ảnh: M.C

Cũng như CLB sản xuất lúa giống ấp Láng Giài, năm 2008, CLB nông dân xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi) cũng được Trung tâm Giống NN-TS đầu tư san phẳng mặt ruộng bằng tia laser. Theo anh Thạch Minh Tú, Phó Chủ nhiệm CLB nông dân xã Hưng Hội: “CLB có 20ha mặt ruộng được san phẳng bằng tia laser. Phương pháp này giúp nông dân giảm chi phí bơm nước, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… nhưng năng suất lại tăng lên từ 0,5 – 1 tấn/ha”.

 

Theo ngành chức năng, lợi ích của việc san phẳng mặt ruộng là giảm lượng lúa giống, tiết kiệm nước, giảm phân bón, dễ kiểm soát cỏ do khống chế được mực nước, lúa cứng cây, ít đổ ngã… Và năng suất lúa tăng từ 0,5 – 1,5 tấn/ha. Việc san phẳng mặt ruộng cũng thuận tiện cho máy gặt đập liên hợp hoạt động khi thu hoạch lúa. Song, hiện nay, việc nhân rộng san phẳng mặt ruộng bằng tia laser đã gặp không ít khó khăn do chi phí đầu tư khá cao (giá san phẳng mặt ruộng từ 8 – 10 triệu đồng/ha). Do đó, hầu hết nông dân tự dùng máy móc sẵn có để san phẳng từ vùng đất gò san vùng đất trũng. Tuy nhiên, việc san phẳng này lại không đồng đều, độ chênh lệch còn khá cao.

San phẳng mặt ruộng đã mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, góp phần đáng kể vào việc giảm thất thoát sau thu hoạch. Đây cũng là khâu đầu tiên và quan trọng nhất để nông dân tiếp tục ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất như sạ hàng, máy cấy… đến cơ giới hóa khâu sau thu hoạch. Ông Phan Văn Liêm, Giám đốc Trung tâm Giống NN-TS tỉnh, cho biết: “Toàn tỉnh đã san phẳng mặt ruộng bằng tia laser khoảng 100ha. Năm nay, Trung tâm tiếp tục đầu tư san phẳng 20ha mặt ruộng cho CLB sản xuất ấp Bình Minh (xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Lợi)”.

Tỉnh đang khuyến khích nông dân tham gia sản xuất mô hình cánh đồng mẫu lớn. Vì vậy, việc san phẳng mặt ruộng là một điều kiện cần thiết khi nông dân áp dụng mô hình này.

 

(Baobaclieu)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Tổng biên tập: Đoàn Út Bảy
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: thblwebsite@gmail.com
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo