CÔNG TỬ BẠC LIÊU – SỰ THẬT VÀ GIAI THOẠI (kỳ 16)

Đã đăng vào 21/11/2011 lúc 9:00

Trên đây mới chỉ là sơ bộ các bà vợ chính thức hoặc không chính thức của Công tử Bạc Liêu, còn nhân tình nhân ngãi của Ba Huy thì có trời mới biết hết(!). Có lần, Trần Trinh Huy cỡi ngựa ra sở điền Cổ Cò (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng ngày nay), một ông già dẫn đến một đứa bé mặt mày bặm trợn giống thằng cha… Ba Huy, rồi lột khăn xá Công tử Bạc Liêu và thưa:

– Bẩm cậu Ba, hôm nay con dẫn cháu ngoại con đến ra mắt cậu Ba.

Trần Trinh Huy hỏi:

– Nó là ai ?

Ông già thưa:

– Bẩm, nó là con của cậu Ba.

Trần Trinh Huy ngồi thừ ra, cố nhớ nhưng cũng không sao nhớ được. Ông già bèn kể :

– Năm kia, cậu Ba đi cúng đình ở Hòa Tú, trưa nắng, cậu Ba ghé nhà con ở mé sông uống nước, cậu Ba thấy con gái con, cậu Ba kêu “gả” cho cậu Ba thì cậu ba bãi số nợ con hỏi ở nhà lầu và cho thêm 150 giạ lúa. Sau đó thì con gái con có thai…

Trần Trinh Huy lại ngồi thừ ra, lại nặn óc cố nhớ và lại không thể nhớ nổi nó nằm ở khoảng nào trong trăm ngàn cuộc vui của kẻ phong tình. Thế nhưng, vốn tính dễ dãi, phóng khoáng, Ba Huy gọi tằng khạo cho ông một khoản tiền tương đương với 500 giạ lúa và mua cho thằng bé một chiếc xe đạp rồi dặn dò:

– Về cho nó đi học, khi nào khó khăn thì lên tìm tôi …

Một cụ bà quê ở Bàu Sàng, đã từng là nạn nhân của những cuộc trăng gió của Trần Trinh Huy, khi người viết tập sách viết những dòng này thì cụ đã qua đời cách đây gần 1 năm. Bà đã kể về thói chơi gái của Công tử Bạc Liêu. Năm đó, khi từ Bạc Liêu vào nhà lầu để kiểm tra việc thu lúa ở sở điền Bàu Sàng. Lúc ngồi trên ghe hầu ngắm cảnh, Ba Huy chợt thấy một cô gái nha sắc mặn mòi đang ngồi giặt áo dưới bến sông. Hỏi ra, biết được đó là cô S. con của ông H.D, là tá điền của mình. Đến nhà lầu, Trần Trinh Huy gọi tằng khạo Tư lên bảo:

– Mày qua nhà ông H.D. nói với ổng cho cậu Ba mượn con S. về nhà lầu nấu cơm một đêm.

Nhận được tin, ông cảm thấy như sét đánh ngang mày, ông thừa biết chuyện “nấu cơm” của Ba Huy là chuyện gì. Rồi ông dậm cẳng kêu Trời. Thế nhưng, ông đang mướn gần 1.000 công đất của ông Hội, nhà cửa ông cất trên đất đai ông Hội… Nếu không cho con qua, chắc chắn ông Hội đồng Ba sẽ đuổi ông đi khỏi điền Bàu Sàng. Đi thì biết trôi nổi về đâu, rồi cả nhà sẽ lâm vào cảnh khổ, thôi thì đành lấy đời trong trắng con gái để cứu cả nhà. Vợ chồng ông gạt nước mắt nhìn con gái thơ ngây, bé bỏng của ông theo tằng khạo Tư về nhà lầu. Đêm đó, Công tử Bạc Liêu giở trò, cô S. vì quá nhỏ nên ngất xỉu. Trần Trinh Huy hoảng hốt, nửa đêm sai tằng khạo Tư chở cô S. về trả, rồi cho 80 đồng với lời dặn:

– Kêu ông H.D chở nó đi trị bệnh.

80 đồng lúc ấy trị giá bằng 400 giạ lúa!

Sau đó, chuyện này vở lẽ ra, tá điền ở Bàu Sàng ai cũng biết. Người ta bảo: Công tử Bạc Liêu cũng chẳng phải là trang mã thượng anh hào hay bậc phong lưu tao nhã, cũng là cùng một “giuộc” với bọn cường hào địa chủ đương thời, dùng tiền tài, quyền lực để làm nhục tá điền.

Vào khoảng năm 1940, trong các dịp lễ cúng Kỳ yên, Trần Trinh Huy đã mở một cuộc thi với tên gọi “Đấu xảo sắc đẹp”. Đây có lẽ là một trong những cuộc thi Hoa hậu sớm nhất ở ĐBSCL(?). Ba Huy treo giải thưởng khá cao, người trúng giải có thể được tặng một khoản tiền mua được cả trăm giạ lúa hay hiện vật là một chiếc kiềng vàng… Vì thế, nó có sức quy tụ gần như tất cả gái đẹp ở Bàu Sàng. Trần Trinh Huy làm chủ khảo, các tằng khạo, hương ấp nằm trong Ban giám khảo. Trong dãy nhà ngang của nhà lầu – nơi tổ chức cuộc thi – Ba Huy ngồi giữa, các thành viên Ban giám khảo ngồi hai bên. Từng cặp hai cô gái đi chầm chậm đứng trước mặt Trần Trinh Huy để ông ta chấm điểm. Sau 2 – 3 vòng tuyển, Ba Huy chọn ra một cô gái đẹp nhất để trao giải. Nghe nói, cũng có chọn “Á hậu”. Dân Bàu Sàng kỳ cựu đến giờ vẫn còn nhớ tên những “Hoa hậu” của sở điền Bàu Sàng thời ấy như: bà A., bà B., bà Bảy D., bà M.R (người Khmer), bà T., bà Th. (con tằng khạo Hai)… Sau đó, bằng những thủ đoạn quyền lực và tiền của, những cánh hoa đồng nội tươi tắn ấy đều rơi lả tả dưới tay Công tử Bạc Liêu. Trong số đó, Ba Huy thương nhất là bà Bảy D. Tuy không có dẫn về nhà lớn, nhưng Ba Huy xem bà Bảy D. như vợ bé. Mỗi lần vô điền, ông ta đều gọi bà Bảy D. đến. Đặc biệt, những lúc đi lễ ở bên tháp Vĩnh Hưng, Ba Huy đều kêu bà xuống ghe hầu đi chơi. Bà D. ở với Ba Huy được 1 người con trai. Để kỷ niệm những cuộc ân ái qua những lần đi Vĩnh Hưng, bà D. đặt con tên Hưng. Mỗi tháng, Trần Trinh Huy đều cấp cho bà D. 5 đồng để nuôi con. Bài vè Nọc Nạng nói: “Lúa thời đồng hai” vào năm 1928, thế nhưng sau cuộc khủng hoảng ở châu Âu, lúa xuống giá chỉ còn 2 – 3 cắc/giạ, thế nên 5 đồng mà Ba Huy cấp cho bà D., nuôi con mua đến 25 giạ lúa. Đây coi như là một khoản chu cấp hào phóng.

Đứa con của bà D. lên 7 tuổi thì té sông chết. Chính điều này đã làm cho Trần Trinh Huy giận, nên bỏ bà D. bơ vơ, sau đó bà đi lấy chồng là ông H. thợ may, rồi bệnh chết.

(Baobaclieu)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Tổng biên tập: Đoàn Út Bảy
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: thblwebsite@gmail.com
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo