Top 10 câu chuyện khoa học của năm 2012

Đã đăng vào 14/12/2012 lúc 10:40

Siêu bão, sao Hỏa, hạt của Chúa… Lĩnh vực khoa học thế giới 12 tháng qua được Tạp chí Time điểm lại qua những sự kiện, câu chuyện và phát hiện đáng nhớ nhất.

  1. 1. Siêu bão Sandy và hậu quả của biến đổi khí hậu

Sự tàn phá khủng khiếp của siêu bão Sandy suốt dọc Đông bắc nước Mỹ dịp tháng 10 vừa qua đã cho thấy biến đổi khí hậu có thể gây ra những thảm họa đến mức nào. Hơn 100 người thiệt mạng, nhiều thành phố ngập trong nước lũ và hơn 8 triệu người phải sống trong cảnh mất điện. Các nhà khoa học đều cho rằng chính sự biến đổi của khí hậu, đặc biệt là việc nước biển dâng cao sẽ khiến cho trong tương lai xuất hiện thêm nhiều Sandy hơn nữa, với mức độ nguy hiểm ngày càng tăng.

2. Phát hiện cá sấu tiền sử

Một phát hiện đáng nhớ của giới khảo cổ năm nay là việc tìm ra hộp sọ hóa thạch của Aegisuchus witmeri, tức cá sấu đầu khiên, một nhánh tổ tiên của cá sấu hiện đại. Các nhà nghiên cứu phỏng đoán cá sấu đầu khiên sống tại châu Phi cách đây khoảng 95 triệu năm, với chiều dài thân lên tới 9m từ chỏm đuôi cho đến mũi. Trong đó, riêng phần đầu khổng lồ của nó đã dài tới 1.5m. Sở dĩ loài cá sấu này được đặt tên như vậy là vì nó có một phần da dày hình dáng như chiếc khiên ở ngay trên đầu, tuy đặc điểm này không còn lưu lại được trên hộp sọ hóa thạch. Các chuyên gia chỉ hình dung ra sự tồn tại của “khiên” bằng cách phân tích những vết sẹo trên xương, cùng với những mạch máu để nuôi vùng khiên này mà thôi.

3. Tìm thấy loài khủng long Ma cà rồng

Loài khủng long kỳ dị có tên Pegomastax africanus này đã tuyệt chủng từ 150 triệu năm trước, nhưng mãi đến năm 2012, sau khi nghiên cứu kỹ các hóa thạch còn lại, giới khoa học mới ghi nhận đây là một chủng khủng long hoàn toàn mới. Với kích cỡ chỉ tương đương với một con mèo, khủng long P.africanus có hình dung khá cổ quái với đầu giống vẹt và cặp răng nanh nhọn hoắt.

4. Mặt trăng bị coi là thủ phạm gây chìm Titanic

Trong một nghiên cứu công bố hồi tháng Ba, hai nhà vật lý thuộc Đại học Texas đã cáo buộc mặt trăng chính là đồng phạm bất ngờ trong vụ chìm tàu Titanic huyền thoại. Theo giả thuyết của họ, đúng vào ngày 4/1/1912, mặt trăng và mặt trời nằm thẳng hàng với Trái đất và trọng lực kết hợp của chúng đã khiến cho thủy triều dao động hết sức bất thường. Nếu chỉ có mình hiện tượng này thì giới thủy thủ cũng không quá lạ lẫm. Nhưng cùng lúc, mặt trăng tại thời điểm tàu Titanic hạ thủy còn ở gần Trái đất nhất trong vòng 1400 năm qua. Và ngày 3/1, Trái đất ở gần mặt trời nhất trong năm. Chính vì thế, những đợt sóng trong đêm 4/1 không phải cao, mà là quá cao so với lịch sử hàng trăm năm qua. Chính sự dâng cao kỷ lục của nước biển đã giải phóng rất nhiều tảng băng lớn vốn mắc kẹt trên đảo băng trước đó, biến hải trình của Titanic thành một bãi mìn chết người.

5. Phát hiện hạt nano trong đất mặt trăng

Trước cả khi các phi hành gia NASA đặt chân lên mặt trăng, cơ quan này đã biết đất mặt trăng có điểm đặc biệt. Do không có bầu khí quyển để ngăn cản các thiên thạch nhỏ va chạm, mặt trăng đã phải hứng chịu vô số đợt dội bom từ vũ trụ trong suốt 4,5 tỷ năm tuổi của nó. Hệ quả là bề mặt mặt trăng được phủ một lớp bụi còn mịn hơn cả đường tinh luyện. Lớp bụi này có thể bay lên khỏi mặt đất khi có sự tác động và treo lơ lửng ở đó rất lâu, điều mà trọng lực yếu của mặt trăng cũng không đủ để giải thích. Năm 2012, nhà địa chất học Marek Zbik thuộc Đại học Công nghệ Queensland (Úc) đã sử dụng một máy điện đồ nanotomograph để nghiên cứu một mẫu đất mặt trăng do các tàu Apollo mang về. Ông nhận thấy các hạt bụi tí hon này có chứa đầy hạt nano, một loại điện cực khiến cho đất mặt trăng có xu hướng nổi lềnh bềnh. Những hạt này còn rất hoạt hóa về mặt hóa học và có khả năng bắt dính về điện, đó là lý do vì sao mà các phi hành gia không thể phủi chúng một cách đơn giản khỏi đồng phục của họ.

6. Vệ tinh của Triều Tiên rơi

CHDCND Triều Tiên đã đánh tiếng rầm rộ với truyền thông quốc tế về nỗ lực phóng vệ tinh lần đầu tiên trong lịch sử nước này. Tuy nhiên, theo các quan chức quốc phòng của Mỹ và Nhật thì đợt phóng đã thất bại. Vệ tinh Triều Tiên đã rơi giữa chừng và vỡ tan trong bầu khí quyển. Theo kế hoạch, vệ tinh mà Triều Tiên phóng lên là một khối vuông nặng khoảng 1000 kg, được bao bọc tứ phía bằng tấm năng lượng mặt trời và trên cùng có gắn camera HD. Tuy nhiên tên lửa đẩy tầm trung Unha 3 tỏ ra thích hợp cho việc chở đầu đạn hạt nhân hơn là tàu vũ trụ.

7. Phát hiện đại dương trên mặt trăng sao Thổ

Nằm cách Trái đất tới 1,5 tỷ km, mặt trăng Enceladus của sao Thổ sở hữu một đại dương khổng lồ được chôn sâu bên dưới bề mặt băng dày của nó. Chính vì thế mà Enceladus sở hữu những núi lửa băng kỳ lạ và bề mặt của nó có những vết đứt gãy giống như sọc vằn trên da hổ. Một đại dương nước khổng lồ như vậy có thể là dấu hiệu của sự sống, nếu chúng ta có điều kiện tìm hiểu thêm.

8. Tìm ra “hạt của Chúa”

Một loại hạt mới với 99% đặc điểm tương thích với hạt cơ bản Higgs – hay còn gọi là "hạt của Chúa" đã được Máy gia tốc hạt lớn (LHC) của Tổ chức Nghiên cứu Nguyên tử châu Âu (CERN) phát hiện hồi tháng 7/2012. Loại hạt mới này được xem là hạt cơ bản cuối cùng cần thiết để hoàn thành chuỗi mắt xích trong Mô hình chuẩn của vật lý hạt. CERN khẳng định đây thực sự là một hạt mới với khối lượng nặng nhất (khoảng 125-165 GeV) so với các hạt từng được tìm thấy trước đây. Tuy nhiên Tổ chức này cũng thận trọng nói thêm rằng dữ liệu hạt mới vẫn còn đang trong quá trình kiểm tra và sẽ sớm có kết luận chính thức đây thực sự có phải là "hạt của Chúa" hay không.

9. Tàu Curiosity đáp xuống sao Hỏa

Nước Mỹ đã từng phóng tàu thăm dò lên sao Hỏa, nhưng chưa một dự án nào có quy mô lớn và tham vọng bằng Curiosity, một con tàu có kích cỡ chỉ bằng chiếc xe SUV nhưng trị giá tới 2,5 tỷ USD. Curiosity đã vượt qua 7 phút “kinh hoàng” để hạ cánh thành công xuống hố sâu khổng lồ Gale Crater trên sao Hỏa hồi tháng 8. Cả thế giới đã nín thở theo dõi giây phút đó, cũng như nhất cử nhất động của Curiosity trên hành tinh đỏ từ đó tới nay. Curiosity đã chụp được nhiều bức hình đáng giá về sao Hỏa, lấy được mẫu đất đầu tiên để phân tích, di chuyển tự hành và sắp tới sẽ khoan đá sao Hỏa để nghiên cứu. Dự án này có thời hạn chính thức trong hai năm và kỳ vọng sẽ tìm ra dấu vết của sự sống vi sinh trên hành tinh đỏ.

10. Từ chức vì “Hạt nhanh hơn ánh sáng”

Năm 2011, toàn giới khoa học nói chung và vật lý học bị sốc khi một thí nghiệm của CERN tuyên bố siêu hạt Neutrino có thể di chuyển nhanh hơn ánh sáng, cũng tức là lý thuyết nền móng của Einstein đã sai.

Thông báo này ngay lập tức vấp phải sự hoài nghi rộng rãi từ các chuyên gia vật lý và nhiều kiểm nghiệm đã được tiến hành sau đó bởi các nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu độc lập. Đến ngày 16/3/2012, CERN đã phải ra thông cáo báo chí khẳng định neutrino không hề chuyển động nhanh hơn tốc độ ánh sáng, và lý do của việc đo sai có thể là do một sợi cáp trong thí nghiệm đã bị lỏng. Giáo sư Antonio Eraditato, Chủ nhiệm dự án OPEERA – nơi tiến hành và công bố “siêu hạt neutrino nhanh hơn ánh sáng” đã phải từ chức sau vụ scandal này.

 

(VNN)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Tổng biên tập: Đoàn Út Bảy
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: thblwebsite@gmail.com
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo