CÔNG TỬ BẠC LIÊU – SỰ THẬT VÀ GIAI THOẠI (kỳ 5)

Đã đăng vào 31/10/2011 lúc 10:29

Ngày xưa, nhiều ông Hội đồng quản hạt, quan phủ, quan huyện đều lợi dụng quyền thế của mình để khai hoang trên giấy. Nghĩa là xin chính quyền thực dân cấp cho mình bằng khoán những mảnh đất tốt, mặc dù đã có người khai phá. Họ cướp đất tá điền, biến họ từ chủ ruộng làm kiếp tá điền. Đồng thời, chính sách điền địa của thực dân lúc bấy giờ là để thu thuế nhanh, Toàn quyền Đu-me đã ký nhiều nghị định cấp từng mảnh đất to, cỡ 1.000ha cho giới thân Pháp (các đại địa chủ, tư bản Pháp vì giới này có tiền của, nhân lực khai thác được nhanh). Nhiều người lo hối lộ cho quan chủ tỉnh cũng được cấp đất và ưu tiên cho những mảnh đất gần kinh xáng sắp sửa đào, trong khi đó dân nghèo hoàn toàn mù tịt về quy hoạch thủy lợi. Đây cũng là một yếu tố nằm trong khả năng bao chiếm đất đai của ông Trạch.

Còn một yếu tố nữa không thể nói đến là vào những năm nền kinh tế tư bản khủng hoảng, cụ Bùi Thế Mỹ, tức nhà văn Lan Đình đã viết:

Nghèo như thằng mình còn chạy quýnh

Giàu như ông Trạch cũng buồn thiu”.

Những năm này, một số điền chủ vay tiền Nhà nước hoặc vay của Chà-và và bị ảnh hưởng cuộc khủng hoảng, cụ thể là lúa gạo rất rẻ đã phải bán đổ bán tháo điền đất để trả nợ. Còn ông Hội thì chẳng “buồn thiu” như người ta nói mà ngược lại, ông trụ vững như thành. Đã thế, nó còn là một cơ hội cho ông và ông Trạch tranh thủ thời cơ bỏ tiền ra mua điền đất với giá rẻ mạt. Sau đó, giá đất lên cao làm cho ông giàu lại càng giàu, điền đất cứ nối rộng thêm. Thực tế, ông Trạch đã có đến 74 sở điền nằm tại Vĩnh Châu, Vĩnh Lợi và còn ở Rạch Giá, Cà Mau, Sóc Trăng, Cần Thơ… với diện tích lên đến hơn 100.000ha. Với số ruộng này, Trần Trinh Trạch là một đại điền chủ có nhiều ruộng đất nhất miền Hậu Giang.

Có lời bình phẩm trong giới bình dân rằng, Hội đồng Trạch là một người nhân đức. Hễ trong điền của ông, con gái được gả ra khỏi điền thì ông cho một đồng (một đồng tương đương 5 giạ lúa lúc bấy giờ), còn nếu lấy chồng về hoặc lấy vợ về thì ông cho hai đồng. Một chuyện khác, phu ở đồn điền cao su miền Đông vì trốn thuế, nợ, bỏ nghề cạo mủ cao su về miệt Hậu Giang làm tá điền cho ông, khi chủ điền cao su phát hiện đòi bắt, thì ông Trạch xuất hiện nhiều ghe chài lúa mang đi trả nợ cho họ. Nhìn bề ngoài, quả là ông Trạch nhân đức, nhưng nếu nhìn cặn kẽ thì sẽ nhận ra thâm ý của ông.

Ruộng đồng của ông Trạch cò bay thẳng cánh, rất cần một nguồn nhân lực dồi dào để khai thác. Ông Trạch cần thu phục nhân tâm để tá điền gắn bó với điền đất của ông, hết lòng hết dạ làm giàu cho ông. Hơn nữa, lúc bấy giờ có những điền Tây áp dụng “cơ chế” thoáng hơn một chút, nên nhiều điền chủ rất sợ tá điền của mình bỏ qua làm ruộng ở các điền Tây. Dù giàu sang, nhân đức cỡ nào, ông Trạch cũng phải thực hiện phương cách của giai cấp cường hào địa chủ lúc bấy giờ là bóc lột tá điền đến tận xương tủy. Những tá điền của ông ở Bàu Sàng, Hào Xén bây giờ còn sống đã kể rằng, thời đó, 2 – 3 giờ đêm, họ đã nghe kèn hiệu lệnh gọi tá điền ra đồng phát ra từ nhà lầu. Sau tiếng kèn là bọn tằng khạo đạp xe theo những xóm làng đìu hiu, tăm tối để xem nhà nào không đốt đèn ra đồng thì sẽ ghi sổ và trừ vào lương.

Và cũng giống như các địa chủ khác, ngoài việc phát canh thu tô, Trần Trinh Trạch còn cho vay. Hồi mới dựng nghiệp (thuở còn làm thầy ký tó), được sự giúp đỡ của quan tham biện (bởi ông Trạch là thân tín của quan chủ tỉnh), ông Trạch lên Sài Gòn vay tiền trong giới xã tri của người Ấn với lãi suất thấp, đem về Bạc Liêu cho bọn trung nông hoặc phú nông gặp khó khăn vay với lãi suất cao hơn. Ai không tiền trả thì thêm chút tiền mặt rồi bắt họ ký bán đất, bán nhà cho ông. Còn tá điền thì ông Trạch cho vay lời 3 phân bằng cách tính như sau: Nếu vay 100 đồng, cuối năm phải trả 136 đồng. Ai không trả nổi phải làm giấy nợ khác xem như thiếu 184 đồng. Cứ như vậy mà tính, 10 năm sau, 100 đồng nợ đầu tiên ấy sẽ thành 2.164 đồng. Ông Trạch rất thâm, tá điền trắng tay ở nơi khác đến sẽ được ông giúp đỡ, cho vay 20 giạ lúa và 5 – 7 đồng để làm vốn ban đầu để rồi sau đó trở thành con nợ của ông, khiến các tá điền của ông cuối mùa gặt chỉ còn lại 20% lượng lúa thu nhập cả mùa.

(Baobaclieu)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trang thông tin chính thức của Đài PT-TH Bạc Liêu https://www.thbl.vn
Giấy phép: Số 61/GP-TTĐT ngày 02/10/2014 của Cục Phát thanh,Truyền hình và Thông tin điện tử
Tổng biên tập: Đoàn Út Bảy
Địa chỉ: 410 – Đường 23 tháng 8 – Phường 8 – Thành phố Bạc Liêu.
Điện thoại: 02913.780266 E-mail: thblwebsite@gmail.com
Ghi rõ nguồn thbl.vn khi phát lại thông tin từ website này.

Powered by NetSo